1/3 diện tích rừng tự nhiên Tiểu vùng Mekong mở rộng đã bị mất

Theo nguoidothi.net.vn|22/07/2018 06:24
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Theo báo cáo của WWF vừa được phát hành, Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng, từng là một trong những nơi có diện tích rừng dày đặc nhất thế giới, đã mất đi 1/3 diện tích rừng tự nhiên che phủ, tức khoảng 30 triệu ha.

Ảnh minh họa

Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng, bao gồm các quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Khu vực này là một trong 11 điểm nóng về chặt phá rừng trên toàn cầu. Trong vài thập kỷ tới, dự kiến, 80% diện tích rừng trên thế giới bị mất sẽ diễn ra tại 11 điểm nóng này.

Báo cáo của WWF cảnh báo, năm quốc gia của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng có thể bị mất tiếp khoảng 1/3 diện tích rừng nữa, tương đương 30 triệu ha; chiếm tới 17% diện tích rừng bị mất trên toàn cầu vào năm 2030, nếu như không có những hành động quyết liệt ngăn chặn nạn phá rừng.

Báo cáo nêu rõ, những hành động cần thiết lúc này bao gồm bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên và thúc đẩy quản lý rừng và thương mại gỗ bền vững do cộng đồng thực hiện.

Tiểu vùng sông Mekong mở rộng là một nơi lý tưởng để thí điểm một số phương pháp tiếp cận sáng tạo dựa vào cộng đồng nhằm bảo tồn rừng. Thực tế đã có nhiều mô hình được triển khai thành công như tại Huế (Việt Nam), Hey Mer (Mianmar), Vùng sinh cảnh đồng bằng phía Đông của Campuchia, Vườn quốc gia Kui Buri (Thái Lan)…

Trong 20 năm qua, đã có hơn 2.500 loài động vật có xương sống và thực vật bậc cao được phát hiện tại những khu rừng của Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng.

Không chỉ là ngôi nhà của các loài hổ, voi, gấu và Sao la, các cánh rừng nơi đây còn cung cấp nước sạch cho hàng chục triệu người dân và bảo vệ hàng chục con sông, trong đó có cả dòng Mekong – nơi sản sinh ra hơn 4.5 triệu tấn cá mỗi năm. Rừng cũng tạo ra độ mây che phủ và độ ẩm để giảm tác động các đợt hạn hán, cung cấp nguồn nước sạch để uống, tưới tiêu và chăn nuôi gia súc.

Nhưng hiện nay các cánh rừng của khu vực đang bị suy thoái do tác động từ việc mở rộng nông nghiệp, trồng rừng cao su, đốn gỗ hợp pháp và bất hợp pháp, mở đường sá, xây dựng đập và các công trình cơ sở hạ tầng khác… Điều này đã dẫn đến thu nhập của người dân bị giảm, sức khoẻ yếu, sạt lở đất làm thương vong hàng trăm người và biến đổi khí hậu dẫn tới thời tiết cực đoan. Trong khi đó, nông nghiệp lại phụ thuộc hoàn toàn vào rừng để có nguồn nước sạch, có thể phát triển hoa màu và đa dạng cây trồng.

Báo cáo của WWF đã đưa ra một số giải pháp gợi ý nhằm bảo đảm sự sống còn của rừng, như: Những người đứng đầu chính phủ và doanh nghiệp cùng thoả thuận về lâm nghiệp bền vững trong các chuỗi cung ứng gỗ; Cam kết nói không với các sản phẩm có nguồn gốc từ rừng bị chặt phá bất hợp pháp trong chuỗi cung ứng; Khoanh vùng các khu rừng có giá trị bảo tồn cao và nghiên cứu sinh cảnh rừng; Quy định luật rõ ràng đối với lâm nghiệp bền vững và quan hệ đối tác công tư; Giới thiệu nhiều phương pháp sáng tạo nhằm giúp cộng đồng tham gia vào tạo ra các sản phẩm lâm nghiệp bền vững, và từ đó gia tăng thu nhập của họ…

Theo nguoidothi.net.vn


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
1/3 diện tích rừng tự nhiên Tiểu vùng Mekong mở rộng đã bị mất