Dừng hoạt động doanh nghiệp xả thải ra sông Bưởi

12/05/2016 04:31
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

(Moitruong.net.vn) – Tỉnh Hòa Bình quyết định dừng hoạt động 6 tháng đối với doanh nghiệp nhận xả thải ra sông Bưởi, gây cá chết hàng loạt đoạn qua huyện Thạch Thành (Thanh Hóa).

Chiều 11/5, Đoàn công tác của UBND tỉnh Hòa Bình do ông Nguyễn Trần Anh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trưởng (TNMT) Hòa Bình, làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra quy trình xả thải của Công ty cổ phần Nhà máy đường Hòa Bình. Doanh nghiệp này nhận mình xả thải gây cá chết hàng loạt trên sông Bưởi đoạn chảy qua huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Xả nước thải chưa xử lý

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó giám đốc công ty thừa nhận xả thải không đúng quy đinh và cam kết sẽ bồi thường thiệt hại do doanh nghiệp gây ra.

Lãnh đạo doanh nghiệp phân trần, do thời gian xây dựng nhà máy quá gấp nên công ty chưa kịp xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Doanh nghiệp phải kịp thời thu mua mía cho người dân vì vụ mía sắp hết, trữ đường rất thấp. Khi sản xuất bể chứa đầy quá nên phải xả thải. Doanh nghiệp này thừa nhận sản xuất từ 15/3 đến 25/4 và hóa chất sử dụng đều được cho phép.

Kiểm tra hệ thống xử lý rác, nước thải của công ty này, ông Nguyễn Thành Vinh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hòa Bình nhận định, hệ thống xử lý nước thải của công ty này chưa hoàn thiện. Đây chính là nguyên nhân mà công ty đã phải thải nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

“Tôi đề nghị công ty tạm dừng ngay mọi hoạt động của nhà máy để khắc phục. Khẩn trương xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường”, ông Vinh nói.

Dung hoat dong doanh nghiep xa thai ra song Buoi hinh anh 1
Bể chứa nước thải của công ty Cổ phần Nhà máy đường Hòa Bình. Ảnh: Bảo Lâm.

Nói về việc hỗ trợ người dân bị thiệt hại, ông Nguyễn Khắc Chuyện, Giám đốc Nhà máy đường Hòa Bình cho hay, sau khi sự việc, phía công ty đã có đoàn vào thăm làng chài ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). “Tôi rất đau xót và lập tức chỉ đạo công ty có những biện pháp khắc phục kịp thời. Vào đó, tôi mới biết người dân ở đây rất nghèo, khó khăn. Có những hộ có tới 7 lồng cá những không còn một con cá nào”, ông Chuyện nói.

Trước mắt công ty sẽ hỗ trợ cho 1,4 tỷ đồng cho các hộ có cá chết. Ngoài ra, vị giám đốc này cũng đề nghị cơ quan chức năng làm rõ phản ánh của người dân có thời điểm nước rất độc tựa như thuốc sâu, liệu có phải chỉ do lỗi của công ty này xả thải hay không.

Về vấn đề này, đại tá Phạm Văn Sự, Phó giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình khẳng định, dù chưa có thông tin chính xác nhưng phía công ty đã xác nhận là có xả thải và cũng đã đồng ý bồi thường cho những người bị hại. Ông Sự cho rằng, tỉnh Hòa Bình cần đề xuất tỉnh Thanh Hóa phải chứng minh được việc cá chết là do công ty Cổ phần Nhà máy đường Hòa Bình hay do đâu và phía cơ quan của tỉnh Hòa Bình cũng phải tiến hành lấy mẫu và xét nghiệm.

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Trần Anh, Trưởng đoàn công tác khẳng định, chưa cần phân tích, chúng ta cũng đã thấy công ty có 2 lỗi lớn, đó là xả nước thải chưa qua xử lý và xả nước thải ra nguồn nước khi chưa được cấp phép của cơ quan quản lý nhà nước. Sau khi, nhận được tin báo từ Thanh Hóa, Sở TNMT Hòa Bình đã yêu cầu công ty dừng xả thải.

Lãnh đạo Sở TNMT buộc công ty Cổ phần Nhà máy đường Hòa Bình dừng hoạt động 6 tháng để khắc phục hậu quả và hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải, hỗ trợ người dân thiệt hại như đã cam kết, chờ kết luận của cơ quan chức năng.

Cũng trong ngày 11/5, Bộ TNMT cho biết đã lập đoàn công tác do Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trưởng) chủ trì làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan, đơn vị liên quan để tìm hiểu, nắm bắt tình hình thực tế và đề xuất các giải pháp xử lý.

Đoàn công tác này sẽ hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa xác định rõ nguyên nhân, mức độ và có các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước sông Bưởi, đồng thời, có biện pháp xử lý vi phạm đối với đơn vị xả thải, để làm cơ sở yêu cầu đền bù thiệt hại về kinh tế cho người dân.

“Phải khởi tố vụ án hình sự”

Liên quan đến vụ việc, luật sư Trịnh Ngọc Ninh (Đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa) đánh giá, việc doanh nghiệp nhận trách nhiệm về mình sớm khi có sai phạm trước khi cơ quan công an vào cuộc là rất đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, theo ông, người dân và dư luận không nên vội kết luận nguyên nhân ô nhiễm sông Bưởi, cá chết hàng loạt do doanh nghiệp này. Bởi vì, cần phải có kết quả xét nghiệm, giám định và kết quả điều tra. Luật sư Ninh cho rằng, trên phương diện pháp lý không khó để làm rõ qua việc lấy mẫu xả thải của nhà máy, lấy mẫu trên sông.

Dung hoat dong doanh nghiep xa thai ra song Buoi hinh anh 2
Cá nuôi lồng của người dân trên sông Bưởi đoạn qua huyện Thạch Thành bị chết hàng loạt. Ảnh: Nguyễn Dương.

“Đây là vụ việc nghiêm trọng rồi, có thể nói hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra, xác định tập thể, cá nhân gây ra thảm họa này để xử lý theo quy định của pháp luật” , ông Ninh nhìn nhận.

Luật sư Ninh còn nói thêm, nếu có đủ căn cứ trong trường hợp này, cơ quan điều tra sẽ phải khởi tố bị can liên quan đến vụ xả thải này.

Từ ngày 4 đến 7/5, trên sông Bưởi, đoạn chảy qua địa bàn xã Thạch Lâm đến xã Thành Vinh (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) xảy ra hiện tượng cá sông và cá nuôi lồng bè của người dân chết hàng loạt.

Cơ quan chức năng làm rõ, đã có 73 lồng cá của người dân ở các xã Thạch Lâm, Thạch Quảng, Thành Mỹ, Thành Vinh đã bị chết. Tổng số lượng cá chết ước tính hơn 17 tấn.

Theo Zing.vn

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dừng hoạt động doanh nghiệp xả thải ra sông Bưởi