9 trẻ em ở Bắc Kạn mắc bệnh gì?

31/12/2017 08:19
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Biểu hiện lạ của học sinh ở Chợ Đồn (Bắc Kạn) bước đầu được xác định là bị rối loạn phân ly tập thể

(Moitruong.net.vn) – Theo thầy Lý Học Lâm, Phụ trách trường Nà Bản, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn, từ đầu tháng 11, trường có 2 học sinh lớp 5, tự nhiên người cứng đơ, run giật chi, cúi gằm mặt hoặc ngất khoảng 3 – 5 phút; nói linh tinh, vô nghĩa, hành động như không có chủ đích hoặc chạy ra khỏi lớp hay vô cớ tấn công người khác. Những biểu hiện này thường xuất hiện khi người xung quanh chú ý đến…

>>>

Ông Nông Văn Chí, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn, thăm hỏi các em có biểu hiện bệnh lạ cùng gia đình

Đến 15/12 đã có 9 em, đều là nữ, gồm 3 em lớp 5; 1 em lớp 4; 5 em lớp 3 (8 em ở thôn Cốc Slông, 1 em ở thôn Nà Bản), biểu hiện tương tự như thể “lây lan”. Có em ngất đến 10 – 20 phút, khi tỉnh lại không đi được và tất cả đều không nhớ được những gì đã xảy ra với mình. Trước khi có biểu hiện bất thường, sắc mặt các em thay đổi, mắt đỏ ngàu… Ban đầu, những triệu chứng này chỉ xuất hiện 2 – 3 ngày trong tuần, rồi mau dần và từ đầu tháng 12 đến nay, ngày nào các em cũng như vậy, nên cha mẹ của 8 em đã xin cho con nghỉ học. Khi ở nhà, 2 em vẫn có các biểu hiện trên, 6 em khác thì không…

Ngày 19/12, BV Nhi TW khám sàng lọc 108 em trường tiểu học Nà Bản thấy, 99 em sức khỏe tâm thần tốt, 9 em có biểu hiện bất thường đều trở lại bình thường. Các em sống thiếu thốn, cả bản không nhà nào có tivi và ít được tham gia các hoạt động tập thể.

Bản chất của bệnh

Căn bệnh làm các thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh và chính quyền địa phương hết sức lo lắng thực chất là một chứng bệnh tâm căn (bệnh tâm thần do căn nguyên tâm lý) được Phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 về tâm thần gọi là Rối loạn phân ly. Bệnh được cho là biết đến từ thời Hypocrate với tên gọi bệnh Hysteria (tiếng Hy Lạp, nghĩa là tử cung), do thấy bệnh phát ở nữ nên cho rằng tử cung “di chuyển” trong cơ thể mà gây nên bệnh, sau này thấy bệnh có cả ở nam tuy rất ít. Biểu hiện bệnh rất đa dạng với các rối loạn chức năng hay giác quan.

Sau một chấn thương tâm lý, có thể xuất hiện trong số những cơn: Cơn co giật hoặc vật vã, giãy giụa, thường lên cơn lúc có người xung quanh, biết trước cơn và chọn chỗ ngã không nguy hiểm (động kinh ngã bất kỳ); co giật có thể rất giống cơn động kinh toàn thể nhưng không bao giờ cắn phải lưỡi, tiểu không tự chủ như động kinh; không mất ý thức (năng lực định hướng không gian, thời gian, xung quanh và bản thân) nên vẫn biết những gì xảy ra xung quanh (động kinh không biết)…

Cơn kích động cảm xúc: Vùng chạy, leo trèo, gào thét, cười, khóc; cảm xúc hỗn độn; nói linh tinh, vô nghĩa. Cơn ngất lịm: Thấy người yếu dần rồi từ từ ngã xuống, nằm thiêm thiếp, mắt chơm chớp. Cơn ngủ: Lên cơn giật nhẹ rồi ngủ một đến vài ngày, khi ngủ thỉnh thoảng thở dài, thổn thức hay khóc.

Thứ đến là các rối loạn vận động: Gật, lắc đầu; nháy mắt; múa giật; múa vờn; thường gặp nhất là run một phần hoặc toàn bộ cơ thể, run không đều, không có hệ thống, càng chú ý đến run càng tăng. Có thể liệt mềm hoặc liệt cứng, một hay nhiều chi hoặc mất phối hợp hai chân làm không đứng, đi được nhưng trương lực (độ rắn) cơ vẫn bình thường.

Có người khó nói, nói lắp, mất nói. Có thể mất, giảm hay tăng cảm giác; hoặc tê một vùng da nào đó theo ý nghĩ của bệnh nhân nhưng không đúng với định khu chi phối của thần kinh cảm giác… Tăng cảm giác đau (do ngưỡng cảm giác giảm xuống) ở một vùng nào đó nên bệnh nhân thường cho là mình “bị” viêm ruột thừa, giun chui ống mật, đau thần kinh tọa, đau tim. Người khác lại mù nhưng mắt vẫn linh hoạt, điếc, hay mất vị giác và khứu giác… Người rối loạn thực vật nội tạng thì có những cơn lạnh run; nóng bừng; đau đầu, tim, bụng; chóng mặt; khó thở; khó nuốt; nấc hoặc nôn…

Đặc biệt, bệnh nhân có thể rơi vào trạng thái sững sờ phân ly: Vận động tự chủ giảm hoặc mất, nằm hoặc ngồi bất động thời gian dài, không nói, không cử động, không phản ứng với kích thích (tiếng động, lời nói…), hai mắt mở hoặc nhắm nghiền… Được cho là do ma quỷ khi xuất hiện triệu chứng “lên đồng” và “bị xâm nhập”: Người bệnh mất ý thức tạm thời; hành động như một người khác, một linh hồn khác, do một “vị thần” hoặc một “lực lượng khác” điều khiển; ở trạng thái này bệnh nhân thường lặp lại một số động tác, tư thế, lời nói…

Quên là triệu chứng thường thấy: Khi “tỉnh” lại không nhớ được gì (như các cháu ở Nà Bản), nhưng thường quên sự kiện gây ra sang chấn tâm lý (quên từng phần hoặc có “chọn lọc”), trong khi động kinh toàn thể, bệnh nhân quên mọi sự việc diễn ra ngay trước và trong cơn… Trốn nhà phân ly là một biểu hiện đặc biệt của rối loạn hành vi và thường do quên ở mức độ nặng (quên hoàn toàn hoặc lan tỏa, hiếm thấy).

Các rối loạn phân ly hay tái phát, xuất hiện và mất đi đột ngột trong vài tuần đến vài tháng.

Người rối loạn phân ly cảm xúc thường không ổn định, rất nhạy cảm với các kích thích tinh thần, hay xúc động, hay bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của người khác. Hay nói về bản thân, kể lể bệnh tật để lôi cuốn sự chú ý của người khác, lời nói mang màu sắc cảm xúc, trí tưởng tượng phong phú, nhưng thiên về tư duy cụ thể, hình tượng, mà nông cạn về khả năng phân tích, tổng hợp, phán đoán…; không có hoang tưởng, ảo giác. Hành vi điệu bộ, trẻ con, kịch tính, phô trương, thiếu đắn đo, phần nhiều tự phát do bản năng chi phối.

Bản chất của rối loạn phân ly là gì?

Đây là một rối loạn thuộc các bệnh tâm thần nhẹ, tuy có rối loạn hành vi nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng cho cộng đồng và không có hoang tưởng, ảo giác. Bệnh hình thành trên nền loại hình thần kinh (khí chất) yếu, không thăng bằng, không linh hoạt mà dùng cụm từ “loại hình thần kinh nghệ sĩ yếu” dễ hiểu hơn.

Từ nhỏ, những đứa trẻ này được chiều chuộng, không được uốn nắn, muốn gì được nấy nên hình tính cách yếu, tiêu cực như thiếu tự chủ, kìm chế; thích chiều chuộng, phô trương; kém chịu đựng những khó khăn; lý tưởng không rõ ràng, không kiên định… Hệ thống tín hiệu thứ 2 (tư duy, ý chí…) bị suy yếu nên hệ thống tín hiệu 1 (cảm xúc, bản năng…) chiếm ưu thế, với đặc điểm tính tự ám thị và bị ám thị tăng cao…

Khi gặp phải chấn thương tâm thần hay hoàn cảnh xung đột (vô cùng nhiều trong cuộc đời) gây ra căng thẳng quá mức hay lo sợ cao độ; tức giận quá mức; thất vọng nặng nề… sẽ phát bệnh với ít nhiều trong bệnh cảnh mô tả trên! Cảm xúc không ổn định, nhạy cảm với các kích thích tinh thần, hay xúc động, hay bị cảm xúc của người khác ảnh hưởng là nguyên nhân của rối loạn phân ly tập thể gần đây xuất hiện nhiều ở ta.

Năm 2004, một nữ sinh đang trong lớp ở trường PTTH cơ sở và PTTH Nguyễn Hiền, TP Đà Nẵng tự nhiên ngất xỉu. Tin tức loang ra làm 29 nữ sinh trường này “rơi” vào tình trạng tương tự. Rồi đến trường trung học Kinh tế – Kỹ thuật Phương Đông cách đó vài trăm mét có 27 nữ sinh biểu hiện tương tự nhưng nhẹ hơn. Trước đó 2 tháng, ở trường PTTH Xuân Ái, Hạ Hòa, Phú Thọ có 130 cháu với 175 “cơn” phân ly biểu hiện lâm sàng đa dạng hơn vì ngoài ngất lịm, nhiều cháu còn co giật…

Thế giới đã chứng kiến hàng trăm trường hợp rối loạn phân ly tập thể, sớm nhất từ thời Trung cổ, khi một nữ tu sĩ trong một tu viện ở Pháp tự nhiên kêu như một con mèo, ngay sau đó các nữ tu khác trong tu viện cũng kêu meo meo. Rồi tất cả các nữ tu cùng kêu meo meo vào một giờ nhất định mỗi ngày. Khi cảnh sát dọa sẽ đánh đập, các nữ tu mới hết kêu. Ở Brunei, tháng 4 và 5. 2010, phân ly tập thể xảy ra ở hai trường PTTH cho nữ sinh; ngày 24.4.2014 ở một trường PTTH công lập, các em la hét, đảo người, ngất và khóc lóc; một số em nói bị “ác quỷ” chiếm giữ thân thể; gây ra một làn sóng hoảng loạn trong cha mẹ, các nhà giáo dục và cộng đồng.

Triệu chứng lâm sàng của rối loạn phân ly đa dạng, phức tạp, biểu hiện “ở” nhiều chức năng và giác quan nhưng nếu khám xét các cơ quan hay bộ phận phụ trách các chức năng này lại không tìm thấy bất kỳ một tổn thương thực thể nào, chẳng hạn với người mù phân ly, không hề thấy bệnh lý ở bất kỳ một bộ phận nào của nhãn cầu; người liệt, không thấy bệnh lý cơ xương khớp hay tổn thương não (chi phối vận động) vì thế GS Charles Lepois gọi là bệnh “đại giả vờ”. Tuy nhiên đây thực sự là bệnh bởi những người có nhân cách yếu thường phản ứng quá mức trước một sang chấn tâm thần, mà người có nhân cách mạnh, thăng bằng, linh hoạt không phản ứng như thế.
Ngẫm người xưa khuyên “dạy con từ thuở còn thơ” thật là chí lý.

Theo Lao Động/BS Văn Nguyễn (Chuyên khoa Tâm thần)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
9 trẻ em ở Bắc Kạn mắc bệnh gì?