Bà Rịa-Vũng Tàu tích cực xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật an toàn

09/12/2017 02:43
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch, bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường sống, những năm gần đây, công tác thu gom, xử lý, tiêu hủy bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được nông dân, chính quyền địa phương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quan tâm và chú trọng thực hiện.

Bà Rịa-Vũng Tàu tích cực xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật an toàn

Chuyển biến từ nông dân

Bao bì thuốc BVTV là chất thải nguy hại, dễ phát tán chất độc hại ra môi trường nếu không được xử lý đúng quy trình. Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã có nhiều biện pháp nâng cao ý thức người dân trong xử lý loại chất thải này. Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Từ năm 2014, chi cục đã phối hợp với một số DN và địa phương mở 361 lớp tập huấn, tổ chức nhiều đợt tuyên truyền xử lý bao bì thuốc BVTV an toàn”.

Nhờ những giải pháp tích cực từ phía cơ quan chức năng, ý thức của nông dân trong việc thu gom, xử lý an toàn đối với bao bì thuốc BVTV đã được nâng cao. Ông Nguyễn Văn Hiệp (ấp An Đồng, xã An Nhứt, huyện Long Điền) cho biết: “Trước đây, tôi thường bỏ bao bì phân bón lại trên bờ kênh. Sau khi tham gia các lớp tập huấn, tôi biết việc đó có thể gây hại cho nguồn đất, nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng nên sau mỗi lần bón phân tôi đều thu gom bao bì, bỏ vào bể chứa bao bì đã được xây dựng trên cánh đồng”.

Những nông dân canh tác các loại cây trồng khác cũng đã chú trọng việc thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV nhằm bảo vệ môi trường. Anh Vân Quang Trường (ấp Sông Xoài 2, xã Sông Xoài) đang trồng 7ha với 6.000 gốc tiêu. “Thay vì để trong vườn như trước đây, hiện nay tôi thường thu gom bao bì thuốc BVTV, định kỳ sẽ đem đến điểm tập kết để xử lý đúng quy trình. Bên cạnh đó, tôi đang bắt đầu chuyển sang sử dụng các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường, cho ra sản phẩm tiêu sạch và giảm lượng thuốc và phế thải thuốc BVTV”.

Tích cực xây dựng bể chứa bao bì thuốc BVTV 

Ngoài việc tăng cường các hoạt động tuyên truyền, thay đổi ý thức của nông dân, thời gian qua, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các đoàn thể cũng đã triển khai xây dựng các bể chứa bao bì, tạo điều kiện cho nông dân dễ dàng thực hiện việc thu gom bao bì thuốc BVTV.

Ông Huỳnh Trung Đông, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Nhứt cho biết, từ năm 2015, trên 200ha lúa của HTX, được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hỗ trợ xây dựng 4 bể chứa rác thải nông nghiệp, khiến việc tập kết bao bì thuốc BVTV trở nên thuận tiện. Ông Đông còn thông tin thêm: “Từ khi đưa vào canh tác 20ha lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, một trong những tiêu chí quan trọng là xử lý tồn dư thuốc BVTV. Do đó, HTX thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bà con xử lý bao bì theo đúng quy trình. Hầu hết các xã viên của HTX đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình”.

Hiện nay, huyện Long Điền – vựa lúa lớn nhất của tỉnh – thông qua các nguồn kinh phí, đã có 19 bể chứa bao bì thuốc BVTV được xây dựng trên các cánh đồng. Định kỳ, mỗi năm 2 lần, bể chứa bao bì thuốc BVTV được thu gom, xử lý. Sắp tới, để bảo đảm mọi cánh đồng trên địa bàn đều có bể chứa thuốc BVTV, tạo thuận tiện cho nông dân, Phòng NN-PTNT huyện đang hoàn thiện đề án xây dựng 20 bể chứa theo Thông tư liên tịch 05/2016.

Tương tự, tại huyện Châu Đức, với diện tích trồng trọt lên tới 35,2 ngàn ha, bình quân mỗi năm phát sinh khoảng 20 tấn bao bì thuốc BVTV. Để đáp ứng nhu cầu xử lý bao bì thuốc BVTV an toàn, ngoài số lượng bể chứa bao bì mà nông dân các địa phương tự xây dựng, hiện nay, Phòng NN-PTNT đã lên kế hoạch xây dựng thêm 20 bể chứa, dự kiến kinh phí cho dự án khoảng 1,4 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, thời gian qua, các đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng bể chứa bao bì thuốc BVTV. Nhìn chung, hầu hết các bể chứa bao bì đều đạt chuẩn, thuận tiện cho việc thu gom. Để bảo đảm hệ thống bể chứa bao bì thuốc BVTV có thể phủ các vùng canh tác, các địa phương đang triển khai xây dựng bể chứa bao bì theo Thông tư liên tịch số 05/2016 của liên Bộ NN-PTNT và Bộ TNMT, cần gấp rút hoàn thành để sớm trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí. Ông Nguyễn Chí Đức cũng đề nghị các địa phương, thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con nông dân sử dụng bể chứa bao bì thuốc BVTV đúng mục đích, có biện pháp gìn giữ, bảo vệ để sử dụng bể chứa lâu dài.

Theo Thông tư số 03/2016/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trong nông nghiệp tại Việt Nam năm 2016 gồm 1.710 hoạt chất, trong đó có 775 hoạt chất thuốc trừ sâu với 1.678 tên thương phẩm, 608 hoạt chất thuốc trừ bệnh với 1.297 tên thương phẩm, 227 hoạt chất thuốc trừ cỏ với 694 tên thương phẩm, 50 hoạt chất thuốc điều hòa sinh trưởng với 142 tên thương phẩm… Theo nghiên cứu của Viện Bảo vệ thực vật, lượng thuốc còn bám lại trên vỏ bao bì trung bình chiếm tới 1,85% tỷ trọng bao bì.

Theo báo Bà Rịa-Vũng Tàu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa-Vũng Tàu tích cực xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật an toàn