Bà Rịa – Vũng Tàu: Trang trại chăn nuôi ” tràn nước thải” gây ô nhiễm

Minh Minh|20/02/2017 09:44
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Hàng loạt trang trại chăn nuôi ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang “đe dọa” môi trường bởi một lượng lớn nước và chất thải

Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện nay, việc kiểm soát các nguồn nước thải, khí thải tại địa phương còn nhiều hạn chế, bị động, dẫn đến việc các doanh nghiệp, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ xả thải không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường.

Điển hình, tại huyện Long Điền, theo số liệu thống kê cho thấy trên địa các xã An Ngãi, Phước Hưng, Phước Tỉnh, thị Trấn Long Hải có khoảng 176 cơ sở gia công, sơ chế, chế biến hải sản chủ yếu là cơ sở có quy mô nhỏ, hộ gia đình hoạt động tự phát, trong đó chỉ có 46/176 cơ sở có đầu tư hệ thống xử lý nước thải, 130/176 cơ sở có quy mô nhỏ, hộ gia đình, không có khả năng để đầu tư công trình xử lý nước thải và hầu hết đầu tư, xây dựng trái phép…

DSC_1090

Hình minh họa

Hiện nay  toàn tỉnh hiện có khoảng 665 cơ sở chăn nuôi heo (quy mô từ 50 con heo trở lên) tập trung chủ yếu tại các huyện như Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành. Lượng nước thải phát sinh trung bình khoảng 2.650 m³/ ngày đêm, trong đó qua hệ thống xử lý, chủ yếu bằng hệ thống biogas khoảng 1.610 m³/ ngày (61%), chưa xử lý (chủ yếu sử dụng ao chứ, lắng lọc sơ bộ) khoảng 1.041 m³/ ngày (39%). Mặc dù tỉnh đã có quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi đến 2020, song hiện nay một số sơ sở chăn nuôi không đúng quy hoạch; nhiều cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ hoạt động từ lâu trong khu dân cư, chưa đầu tư công trình xử lý nước thải đúng quy định, đang gây ô nhiễm môi trường…

Tháng 12/2016, UBND huyện Châu Đức đã từng ra quyết định xử phạt 20 triệu đồng đối với trang trại gà đẻ Mai Thùy (thôn Bàu Điển, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) bởi gần 10 tấn phân gà đóng thành từng bao để ngoài trời, không hề có bạt che phủ.

Hay như tình trạng ô nhiễm tại trang trại chăn nuôi heo của Công ty TNHH chăn nuôi Nhân Hòa (xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) có quy mô 5.200 con vừa heo nái vừa heo thịt, hệ thống thu gom chất thải bằng hầm biogas của trang trại đã bị hư hỏng; một lượng lớn chất thải chưa qua xử lý chảy tràn ra môi trường, đổ ra suối Cát, chảy ra hồ sông Hỏa.

Ông Giao Văn Sỹ, Trưởng Phòng chăn nuôi, Chi cục Thú y (Sở NN-PTNT) trao đổi với báo chí, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do các trang trại chăn nuôi, Sở NN-PTNT cũng đã có kế hoạch trong năm 2017 sẽ tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi, trong đó khảo sát đánh giá lại thực trạng chăn nuôi, khu chăn nuôi tập trung.

Trước mắt, để bảo đảm môi trường, các địa phương sẽ tiến hành di dời các trang trại, hộ chăn nuôi ra khỏi nội thành, nội thị. Với các trang trại đầu tư mới, Sở NN-PTNT yêu cầu triển khai mô hình ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, trong đó ưu tiên các giải pháp về BVMT như ép phân, chế biến phân hữu cơ sinh học, đưa các chế phẩm xử lý mùi, ô nhiễm vào sử dụng để giảm bớt mùi hôi. Ngoài ra, đầu tư hệ thống hầm biogas tại các cơ sở chăn nuôi là một hướng được khuyến khích vừa bảo vệ môi trường, vừa tận dụng được khí thải để phát điện, nấu nướng…

Minh Minh


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa – Vũng Tàu: Trang trại chăn nuôi ” tràn nước thải” gây ô nhiễm