Bắc Giang: Hình phạt thích đáng cho những “kẻ” phá rừng

Dương Đại Tiến|31/08/2018 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã xảy ra tình trạng người dân tự ý phá rừng tự nhiên để trồng rừng mới, hậu quả là hàng loạt cánh rừng tự nhiên bị “xóa sổ”. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người dân còn hạn chế, chính quyền cơ sở chưa sát sao và cơ quan quản lý chưa thường xuyên kiểm tra địa bàn.

Hiện trường từ vụ vi phạm hành vi phá rừng trái pháp luật. Ảnh minh họa

Cụ thể, ngày 11/4/2017, cán bộ Kiểm lâm Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động phát hiện, đình chỉ hành vi phá rừng tự nhiên trái pháp luật của Đặng Thắng Tú (sinh năm 1965, nơi cư trú: Thôn Nà Hin, xã Vân Sơn, huyện Sơn Động, Bắc Giang), Dương Văn Bằng (sinh năm 1973, nơi cư trú: Thôn Gà, xã Vân Sơn, huyện Sơn Động, Bắc Giang) và Nguyễn Cao Tường (sinh năm 1953, nơi cư trú: Thôn Đồng Phe, xã An Châu, huyện Sơn Động, Bắc Giang) về tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 189 Bộ Luật hình sự năm 1999.

Theo đó, trong tháng 3/2017 (âm lịch), 3 đối tượng trên đã thống nhất thuê người chặt phá diện tích rừng tại Lô LM, Khoảnh 50, thuộc thôn Đồng Cao sau khi mua lại của gia đình bà Sơn.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, đo đạc cán bộ kiểm lâm xác định diện tích rừng bị chặt phá là 13.000 m2 (1,3 ha), thuộc loại rừng sản xuất, nằm trong Lô 12, Khoảnh 48, thuộc thôn Đồng Cao, xã Thạch Sơn, huyện Sơn Động, chủ quản lý khu rừng trên là của cộng đồng dân cư thôn Đồng Cao, xã Thạch Sơn, huyện Sơn Động đã được UBND huyện Sơn Động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không phải Lô LM, Khoảnh 50, thuộc thôn Đồng Cao xã Thạch Sơn, huyện Sơn Động, do Tú, Bằng và Tường đã mua của gia đình bà Sơn. Hình thức chặt phá là phát trắng; tổng số cây gỗ bị chặt phá là 307 cây, đường kính gốc chỗ bị chặt từ dưới 10cm đến 70cm, cao từ 08m đến 30m; tổng trữ lượng cây gỗ đứng bị chặt phá xác định được là 132,869 m3, từ nhóm II đến nhóm VIII; ngày 23/10/2017, Hội đồng định giá tài sản huyện Sơn Động có kết luận xác định tổng giá trị số gỗ bị chặt phá nêu trên có giá trị là 92.280.000 đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Vì vậy, ngày 15/9/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Sơn Động đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 34 về tội “Hủy hoại rừng”, theo quy định tại Điều 189 Bộ Luật hình sự năm 1999. Đến ngày 28/9/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Sơn Động ra Quyết định khởi tố bị can số 27; số 02 và 03 cùng ngày 11/12/2017, đối với Đặng Thắng Tú, Nguyễn Cao Tường và Dương Văn Bằng về tội “Hủy hoại rừng”, theo quy định tại Điều 189 Bộ Luật hình sự năm 1999.

Ngày 10/8/2018 vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Sơn Động, Bắc Giang đã xét xử sơ thẩm công khai vụ án phá với hình phạt đối với bị cáo Đặng Thắng Tú là 02 năm, 06 tháng tù; bị cáo Dương Văn Bằng 02 năm tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 48 tháng; bị cáo Nguyễn Cao Tường 01 năm, 09 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 42 tháng về tội “Hủy hoại rừng”. Đây là hình phạt nghiêm khắc, có tính răn đe, phòng ngừa chung đối với hành vi phá rừng tự nhiên trái pháp luật trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói riêng và trên cả nước nói chung.

Đặc biệt, để ngăn chặn tình trạng phá rừng trên, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Sở NN & PTNT, Chi cục Kiểm lâm, chính quyền các địa phương rà soát hiện trạng, củng cố hồ sơ các vụ phá rừng tự nhiên để trồng rừng sản xuất để xử lý theo quy định nhằm răn đe, giáo dục, ngăn chặn tình trạng đáng lo ngại này đang có xu thế gia tăng.

Cùng với đó, Sở NN & PTNT biên tập tài liệu tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên ngắn gọn, dễ hiểu để gửi đến tất cả các xã phổ biến cho toàn dân; các tổ chức, cá nhân nhận quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên phải ký cam kết bảo vệ rừng. Lực lượng kiểm lâm tăng cường bám, nắm địa bàn, thực hiện thường xuyên việc tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vụ vi phạm chặt phá rừng.

Dương Đại Tiến

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Giang: Hình phạt thích đáng cho những “kẻ” phá rừng