Bài 1: Bệnh viện Nội tiết Trung ương: Lỗ hổng trong quản lý chất thải y tế.

25/07/2016 16:18
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

– Cơ sở hạ tầng xuống cấp, công tác thu gom, tập kết, lưu giữ chất thải y tế chưa đúng quy trình, chất lượng buồng bệnh không đảm bảo, … được coi là những tác nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng điều trị, khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Cơ sở Thái Thịnh, địa chỉ 80 Ngách 26, Thái Thịnh 2, Phường Thịnh Quang, Quận Đống Đa, Hà Nội).

Bệnh viện Nội tiết Trung ương là cơ sở y tế chuyên khoa nội tiết đầu ngành cả nước với đội ngũ y, bác sỹ chuyên khoa có trình độ chuyên môn cao. Song song với việc thực hiện công tác khám, điều trị theo chỉ tiêu Bộ Y tế giao, Bệnh viện Nội tiết còn thực hiện các chương trình như phòng chống các rối loạn thiếu hụt IOD; phòng chống Đái tháo đường và đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện thuận lợi và điểm sáng đó thì tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Cơ sở Thái Thịnh) vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như tình trạng cơ sở hạ tầng đang ngày càng xuống cấp, chất lượng buồng bệnh không đảm bảo, công tác thu gom, tập kết, lưu giữ chất thải y tế không tuân thủ đúng quy trình đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khám chữa và điều trị tại đây.

Untitled-8Buồng bệnh nấm mốc, nhà vệ sinh hôi hám

Trò chuyện với chị Nguyễn Thị M, người nhà của bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Cơ sở Thái Thịnh), chị cho biết: Cơ sở vật chất ở đây quá cũ kĩ, xuống cấp, trong buồng bệnh có 4 giường nhưng phải chứa đến 8 bệnh nhân, như vậy, trung bình là 2 người bệnh/giường. Chưa kể là buồng bệnh không có điều hòa mà chỉ sử dụng quạt điện, vào những ngày nắng nóng như này thì không thể chịu được. Chị M cho biết thêm, trong buồng bệnh chỉ có 1 nhà vệ sinh, mà theo quy định buổi sáng nhân viên vệ sinh của bệnh viện phải qua quét, lau chùi buồng bệnh và nhà vệ sinh nhưng nếu có qua thì các nhân viên này cũng chỉ vệ sinh qua loa nên buồng bệnh rất bẩn, nếu người nhà bệnh nhân không chủ động lau dọn thêm thì cả buồng bệnh sẽ bị ám mùi, mùi từ nhà vệ sinh bốc lên gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Từ những chia sẻ của chị M, chúng tôi đã có dịp đi thực tế và mục sở thị cơ sở vật chất của bệnh viện, theo đó, tại buồng bệnh số 6, khoa hồi sức cấp cứu, những góc tường bị ẩm mốc, kéo dài tận lên đến trần nhà, vôi vữa phía chân tường đã bị bong, tróc. Nhà vệ sinh đặt ngay trong buồng bệnh có diện tích chỉ khoảng 2m2, vật dụng trong nhà vệ sinh như labo, vòi hoa sen, xô chậu… cáu bẩn, không đảm bảo vệ sinh và nhà vệ sinh chỉ được ngăn cách với buồng bệnh bởi các bức tường làm bằng khung nhôm kính. Có thể thấy, môi trường cũng như điều kiện sống, sinh hoạt và điều trị cho các bệnh nhân tại đây đang bộc lộ nhiều hạn chế và đó chính là một trong những nguyên nhân khiến cho vi khuẩn, vi rút gây bệnh lây nhiễm cao vào con người qua đường hô hấp, tác động xấu đến sức khỏe của người bệnh và cả người nhà bệnh nhân.

Thực tế tại các buồng bệnh khác cho thấy, các buồng bệnh có lắp đặt điều hòa nhưng phần lớn là điều hòa đã bị hư hỏng và bệnh nhân phải mua thêm quạt để bổ sung cho mát. Trần nhà được làm bằng trần nhựa và trần thạch cao nhưng cũng đã bị hư hỏng nặng. Cơ sở vật chất là thế, nhưng bệnh viện vẫn thu của bệnh nhân 350.000 đồng/ngày đối với phòng dịch vụ, đối với buồng bệnh không theo yêu cầu là khoảng 200.000 đồng/ngày – Bác A, bệnh nhân điều trị bệnh phổi và tiểu đường ở đây cho biết.

Bên cạnh việc điều kiện cơ sở vật chất của bệnh viện đang bị xuống cấp nghiêm trọng thì công tác thu gom, tập kết chất thải y tế của bệnh viện cũng còn nhiều bất cập và chưa đảm bảo đúng quy trình. Theo chân một nhân viên thu gom rác thải y tế của bệnh viện chúng tôi được biết, chất thải y tế như các chai dịch, sau khi đã sử dụng xong không được thu gom, tập kết về khu lưu giữ theo quy định mà nhân viên này lại đem ra ngoài để bán cho những người thu mua phế liệu tại địa chỉ ngách 65, ngõ Thái Thịnh 2, Phường Thịnh Quang, Quận Đống Đa, Hà Nộivới giá 7.000 đồng/kg. Liệu cơ quan chức năng nào sẽ quản lý được những chất thải y tế bị tiêu thụ như thế này? Nó sẽ trôi nổi về đâu? Được tái chế như thế nào, có đúng quy trình hay không? Sẽ được sử dụng với mục đích gì? Và khi sử dụng những vật dụng được tái chế từ rác thải y tế đó liệu có tác động xấu đến sức khỏe con người hay không? Đó là hàng loạt câu hỏi nghi vấn cần lời giải đáp.

Untitled-9

Rác thải y tế không được thu gom theo đúng quy định

Cùng với việc thu gom rác thải không đúng quy trình thì tại nơi tập kết, lưu giữ rác thải của bệnh viện cũng chưa đảm bảo dẫn đến việc tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh tật và ô nhiễm môi trường bởi mùi hôi hám, sàn nhà thì nhầy nhụa những chất lỏng nhờn nhờn, đen kịt, chảy cả ra ngoài cửa, rác thải thì để tràn lan cả ra sàn nhà. Đó có thể chính là những tác nhân gây bệnh cho con người khi mà cửa của nơi tập kết rác thải luôn mở toang hoang sẽ tạo điều kiện cho những dịch bệnh lây truyền và phát tán nhanh hơn.

Untitled-10

Nhân viên vệ sinh đóng gói rác thải mang ra ngoài tiêu thụ

Untitled-11

Nhân viên vệ sinh của bệnh viện trực tiếp mang rác thải ra ngoài tiêu thụ

Trước thực trạng trên, lãnh đạo Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Cơ sở Thái Thịnh) và các cơ quan chức năng nói gì? Tạp chí Môi trường và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin trong bài tiếp theo.

Theo Xuân Trường (T/c Môi trường và Cuộc sống)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Bệnh viện Nội tiết Trung ương: Lỗ hổng trong quản lý chất thải y tế.