Bài học cho trái cây Việt

Nguyễn Hoàng Duy|11/12/2018 11:01
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Dạo gần đây, trên thị trường xuất hiện vài loại trái cây đến từ Nhật Bản thu hút người tiêu dùng. Có thể kể một số quả “làm mưa làm gió” hiện nay như: dưa chuột Kiwano, quả Biwa, dâu bạch tuyết, táo Sekachi, nho mẫu đơn…

>>>Nhật Bản chung tay hỗ trợ bảo vệ môi trường cho TP. Hội An

>>>Lâm Đồng: Xử phạt 232 triệu đồng đối với công ty xử lý rác xả thải vượt chuẩn 10 lần

Ảnh minh họa

Điều đáng nói là giá những loại quả này từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, thậm chí là trăm triệu nhưng người tiêu dùng vẫn chịu chi để mua cho bằng được. Chẳng hạn như chỉ một chùm nho Ruby Roman thôi đã có  giá hơn 9.700 USD (khoảng 221 triệu đồng), một quả xoài đỏ áng chừng nửa ký có giá 1,7 triệu đồng,  cặp dưa Nhật 29.300 USD (tức hơn 665 triệu đồng) nhưng vẫn “cháy” hàng. Muốn mua được trái cây Nhật, buộc phải đặt hàng trước. Điều gì làm nên giá trị trái cây Nhật đến thế?

Nhiều luồng ý kiến trên diễn đàn báo mạng, mạng xã hội cho rằng đó là do đầu cơ khi nhập về Việt Nam, do Nhật Bản sản xuất cung ít nhưng cầu nhiều, do tác động của truyền thông. Có những so sánh cho rằng trái cây Nhật chẳng ngon bằng trái cây Việt, nhưng do người ta sính ngoại nên mới khiến giá cả “đội” lên cao. Riêng cá nhân tôi, trái cây Nhật Bản có giá đắt đỏ là do họ khéo léo trong việc làm nông nghiệp, kinh tế và hơn hết là SẠCH. Đừng nghĩ người giàu họ ngây thơ bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua trái cây Nhật (hoặc hàng phương Tây) về dùng khi hương vị không bằng hàng Việt. Cái mà nhiều người, nhất là giới nhà giàu hiện nay quan tâm là vấn đề SẠCH. Trái cây Nhật được nhập về Việt Nam hầu như đều gắn mác “organic” (hữu cơ), quy trình trồng trọt đều bằng thủ công, sản phẩm đạt an toàn chất lượng cao, vì thế giá cả đắt đỏ là lẽ tất nhiên.

Trông người mà ngẫm đến ta. Việt Nam ta cũng có rất nhiều cây ăn quả ngon ngọt, thậm chí là tạo thương hiệu nhưng giá cả thì bèo bọt. Đã rất nhiều lần, bà con nông dân phải ngậm ngùi đổ bỏ thành quả lao động của mình khi mà giá trái cây chưa được 2000 đồng/ ký. Ấy là vì nhà nông chưa chủ động tìm đa nguồn cung nên khi thương lái ngừng thu mua thì chới với. Điều đáng nói hơn là hiện nay nhà nông chỉ chú trọng lượng mà chưa quan tâm đến chất nên nông sản thu hoạch ào ào nhưng giá trị chẳng có bao nhiêu. Nhiều trái cây đặc sản của Việt Nam phải “chết” trên sân nhà, thua hàng ngoại vì không có mác “organic”. Nhà nông do quá ham lời, trong quá trình trồng trọt đã sử dụng nhiều thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng, thuốc kích thích… lên cây trái nên hàng kém sạch. Đã vậy, người bán còn sử dụng các chất hóa học để thúc trái cây chín nhanh, giữ lâu, tươi rói, căng bóng… nên người tiêu dùng mất niềm tin vào trái cây Việt. Thua là ở chỗ đó.

Đã đến lúc nhà nông nên học hỏi cách làm nông của người Nhật. Để trái đây Việt vươn ra thị trường thế giới thì chúng ta cần thay đổi tư duy trồng trọt. Tiếp thu những phương pháp khoa học kỹ thuật là lẽ tất nhiên nhưng song song đó rất cần quay về nên nông nghiệp thủ công. Điều mà người tiêu dùng hiện nay quan tâm là SẠCH chứ không phải trái cây đó to, căng bóng, đẹp mắt. Chỉ có thay đổi tư duy trồng trọt SẠCH, tư duy buôn bán đạo đức mới giúp trái cây Việt nâng tầm giá trị.

Nguyễn Hoàng Duy

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học cho trái cây Việt