Bão Mangkhut vào Trung Quốc, dần suy yếu, Thủ tướng Chính phủ ra công điện khẩn

Quỳnh Dao (T/h)|16/09/2018 01:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, lúc 19 giờ ngày 15-9, vị trí tâm bão số 6 (bão Mangkhut) nằm trên khu vực Đông Bắc Biển Đông, cách Macau – Trung Quốc khoảng 650 km về phía Đông Nam.

Chiều nay, siêu bão Mangkhut tiến vào Biển Đông; Quảng Ninh, Hải Phòng ra công điện khẩn

Hướng di chuyển của bão

Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25-30 km. Đến 19 giờ ngày 16-9, vị trí tâm bão ở trên bờ biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), sức gió mạnh cấp 13, giật cấp 17.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, đi sâu vào đất liền Quảng Đông – Quảng Tây (Trung Quốc) và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 19 giờ ngày 17-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên đất liền phía Tây Nam tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc, cách biên giới các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng khoảng 80 km về phía Bắc.

Từ sáng 17 đến ngày 18-9, khu vực Đông Bắc có mưa to đến rất to, cảnh báo đợt lũ biên độ từ 2-5 m trên thượng lưu hệ thống sông Hồng – Thái Bình, thượng lưu hệ thống sông Mã.

Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 6 và mưa lũ. Trong ngày 15-9, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn vừa ban hành công điện chỉ đạo khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó bão.

Đối với khu vực trên biển và các đảo, tổ chức rà soát các loại tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, quản lý chặt việc ra khơi; hướng dẫn thoát ra và không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc kêu gọi về nơi tránh trú an toàn.

Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị, rà soát phương án sơ tán, di dời dân cư, chuẩn bị phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm; không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, nhất là tại các địa phương gần khu vực tâm bão khi bão đổ bộ vào.

Hướng dẫn chằng chống, gia cố nhà cửa và các công trình công cộng, tháp cao; cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị, hạn chế thiệt hại do bão; thu hoạch các diện tích lúa đã chín, chủ động tiêu nước chống úng ngập đối với các đô thị và bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Triển khai gia cố đê điều, nhất là đối với các tuyến đê biển bị sự cố, đang thi công; đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc. Quyết định cho học sinh nghỉ học; kiểm soát giao thông, nhất là trên các tuyến cao tốc, các cầu vượt biển để bảo đảm an toàn trong thời gian bão đổ bộ vào.

Đối với khu vực miền núi, trung du, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu; sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Vận hành an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là đối với các đập, hồ chứa nước xung yếu hoặc đã đầy nước.

Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Quỳnh Dao (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bão Mangkhut vào Trung Quốc, dần suy yếu, Thủ tướng Chính phủ ra công điện khẩn