Bất cập trong quản lý công trình thủy lợi

Theo HNM|28/11/2018 06:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ, dự báo từ tháng 1 đến tháng 4-2019, lượng mưa sẽ giảm so với trung bình nhiều năm, dẫn đến nguồn nước bị thiếu hụt khoảng 15-25%… Trong khi đó, do biến đổi khí hậu và tình trạng khai thác cát bừa bãi… nên lòng dẫn sông Hồng liên tục bị hạ thấp, khiến hàng loạt công trình lấy nước của 16 tỉnh, thành phố khu vực Trung du, Đồng bằng Bắc Bộ bị “treo”.

– Những năm gần đây, thành phố luôn quan tâm dành nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi để bảo đảm đủ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, một số bất cập trong quản lý công trình thủy lợi, sử dụng nước khiến việc dẫn nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân gặp khó khăn.

>>> Xây dựng đập ngăn mặn tại sông Cầu Đỏ, Đà Nẵng

>>> Đà Nẵng: Đầu tư xây dựng nhà máy nước hơn 1200 tỷ đồng

Ảnh minh họa

Trước tình hình đó, các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Bắc Bộ đã dành nguồn lực lớn để hạ thấp cao trình lấy nước của các công trình thủy lợi đầu mối. Trong đó, TP Hà Nội đã hoàn thành, đưa vào sử dụng các trạm bơm tưới: Hồng Vân, Đan Hoài, Thụy Phú II… Bên cạnh đó, thành phố cũng đã đầu tư kinh phí lắp đặt các trạm bơm dã chiến: Ấp Bắc, Phù Sa, Thanh Điềm, Đan Hoài… Theo thiết kế, những công trình trên đều có thể lấy nước sông Hồng ngay cả thời điểm các hồ thủy điện không xả nước bổ sung…

Do địa hình cao, phụ thuộc nguồn nước sông Đà, sông Hồng và các hồ chứa thủy lợi nội địa… nên nhiều năm nay, các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây luôn là trọng điểm của TP Hà Nội trong công tác chống hạn vụ đông xuân. Theo ông Đặng Tuấn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích, hiện nay, các hồ thủy lợi do đơn vị quản lý đều đạt mực nước thiết kế. Đặc biệt, vừa qua, đơn vị đã được thành phố đầu tư gần 14 tỷ đồng lắp đặt khẩn cấp 32 tổ máy trạm bơm dã chiến Phù Sa, công suất 1.100m3/giờ/máy, tiếp nguồn sông Hồng ở mực nước thấp. Với việc đầu tư này, năm nay, công ty hoàn toàn chủ động nguồn nước cấp phục vụ sản xuất vụ đông xuân. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay của đơn vị là việc dẫn nước lên mặt ruộng.

Giải thích rõ hơn về khó khăn trên, ông Đặng Tuấn Hùng cho biết: “Sau khi nhận bàn giao công trình, một số địa phương và người dân không quan tâm nạo vét kênh mương thủy lợi nội đồng, coi việc dẫn nước lên mặt ruộng là trách nhiệm của doanh nghiệp thủy lợi. Bên cạnh đó, do ý thức của một số người dân còn hạn chế nên còn xảy ra tình trạng xả rác vào các tuyến kênh mương, gây ách tắc dòng chảy… Công ty đã nhiều lần đề nghị các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân phối hợp để đưa nước lên mặt ruộng, bảo vệ công trình thủy lợi nhưng chưa nhận được sự hợp tác. Đặc biệt, hiện nay vẫn còn nhiều địa phương trên địa bàn giữ thói quen canh tác theo kinh nghiệm, không theo nông lịch dẫn đến việc điều tiết nước không tập trung, gây lãng phí nguồn nước…”.

Trên thực tế, những bất cập trên đang là thực trạng chung trong công tác quản lý, vận hành công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố hiện nay. Để khắc phục, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi tăng cường tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và nhân dân về quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi. Cùng với đó, các địa phương vẫn phải duy trì phong trào làm thủy lợi nội đồng để phục vụ cho chính nông dân và địa phương của mình. Nông dân cần có trách nhiệm, không phó mặc cho các doanh nghiệp, phải cùng tham gia với chính quyền và doanh nghiệp để khai thác hiệu quả công trình, sử dụng tiết kiệm nguồn nước, phục vụ lợi ích cho chính mình.

“Đầu tháng 12 tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ họp với các quận, huyện, doanh nghiệp thủy lợi để thông báo về kế hoạch lấy nước, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong làm thủy lợi nội đồng, dẫn nước lên mặt ruộng…” – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương thông tin thêm.

Theo HNM


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất cập trong quản lý công trình thủy lợi