Bệnh viện Phụ sản Hải Dương: Thờ ơ với môi trường, “gửi nhờ” chất thải?

22/07/2016 06:55
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

– Tách ra khỏi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, hoạt động độc lập được hơn 4 năm nhưng đến nay Bệnh viện Phụ sản Hải Dương vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải riêng biệt mà được thu gom, bơm sang hệ thống nước thải của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương rồi thải trực tiếp ra môi trường.

1-1535

Bệnh viện phụ sản Hải Dương.

Đã tách riêng nhưng phải “gửi nhờ” chất thải

Bệnh viện Phụ sản (BVPS) Hải Dương được thành lập theo Quyết định số 1946/QĐ-UBND ngày 04/7/2011 của UBND tỉnh Hải Dương với quy mô công suất 210 giường bệnh (số giường thực kê 290 giường bệnh), gồm 8 khoa chuyên môn và 3 phòng chức năng. Số lượng bệnh nhân đến khám bệnh trung bình 250 người/ngày.

Nhưng kể từ thời điểm đi vào hoạt động, BVPS và BV Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hải Dương liên tục bị người dân phản ánh về tình trạng nước thải y tế của hai BV xả ra môi trường khi chưa được xử lý, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát tán dịch bệnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân xung quanh.

Qua tìm hiểu, hiện toàn bộ nước thải từ hai BV này đều được thu gom vào bể chứa ngầm với dung tích 25m3, trong đó lượng nước thải lên tới 500m3/ngày đêm. Sau đó, nước thải từ bể chứa xả ra không hề được xử lý hóa chất, chưa đảm bảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế (QCVN 28:2010/BTNMT) mà chỉ tự lắng lọc xả ra môi trường khiến môi trường bị ô nhiễm. Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm về trước và đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Được biết, lượng nước sử dụng cho hoạt động khám chữa bệnh và sinh hoạt của BVPS là khoảng 110m3/ngày đêm nhưng hiện BV chưa có hệ thống xử lý nước thải riêng.

Nước thải của BVPS phát sinh từ các khoa phòng, nước thải sinh hoạt được xử lý qua hệ thống bể phốt sau đó được thu gom và bơm sang hệ thống xử lý nước thải của BVĐK tỉnh Hải Dương để xử lý trước khi thải ra môi trường.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc BVPS Hải Dương cho biết: “BV đã có báo cáo với Sở Y tế và UBND tỉnh Hải Dương về việc xây dựng BV mới, khi đó sẽ xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng”.

Bên cạnh đó, tại Báo cáo số 166 ngày 28/8/2015 về tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường của BVPS Hải Dương cũng thừa nhận: công tác bảo vệ môi trường, giám sát môi trường định kỳ nhằm phát hiện xử lý ô nhiễm tại BV chưa cao và chưa đầy đủ.

Để Bệnh viện Đa khoa lo đầu ra nước thải?

Tại Biên bản kiểm tra về bảo vệ môi trường ngày 03/9/2015 của Chi cục Bảo vệ môi trường Hải Dương có nêu rõ: BVPS chưa tiến hành lập thủ tục môi trường theo quy định, chưa thực hiện quan trắc định kỳ.

Phần khảo sát, đánh giá cho biết, nước thải của BV này tại các khoa, phòng chỉ được xử lý sơ bộ bằng hệ thống bể tự hoại sau đó chảy vào bể thu gom tập trung và bơm vào hệ thống xử lý nước thải của BVĐK tỉnh Hải Dương để xử lý. BV đã bố trí kho chứa chất thải phát sinh (khu vực lưu giữ chất thải y tế, chất thải khu vực lưu giữ chất thải sinh hoạt).

Tuy nhiên, kho chứa chất thải chưa đảm bảo đúng quy định cụ thể, chất thải chứa vào các thùng riêng biệt nhưng chưa đưa vào trong kho. Công tác thu gom, lưu giữ chất thải phát sinh chưa đảm bảo, vẫn còn tình trạng để lẫn chất thải y tế với chất thải thông thường, nhiều chất thải còn để ngoài khu vực lưu giữ chất thải tạm thời.

Trước tình trạng trên, Chi cục Bảo vệ môi trường đã yêu cầu BVPS phải thực hiện ngay các nội dung là lập báo cáo đánh giá tác động môi trường ngay sau khi đề án xây dựng BV được phê duyệt; thực hiện việc phân lập triệt để từng loại chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động của BV và được thu gom vào nhà chứa chất thải tạm thời đảm bảo theo quy định có mái che, nền bê tông, không để phát tán ra ngoài môi trường và tuyệt đối không được để chất thải ngoài trời không có mái che; bố trí lại kho chứa rác thải nguy hại đảm bảo đúng quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường và định kỳ báo cáo công tác quản lý chất thải nguy hại về Chi cục Bảo vệ môi trường để tổng hợp theo dõi.

Ngoài ra, BV cần phải lắp đặt bơm tự động để bơm nước về BVĐK tỉnh để xử lý (BV làm việc với BVĐK tỉnh để đảm bảo nước được đưa vào hệ thống xử lý đạt quy chuẩn cho phép trước khi xả thải) và  phải thực hiện kiểm soát môi trường định kỳ.

Ngày 29/10/2015, UBND tỉnh Hải Dương có Công văn số 2574/UBND-VP yêu cầu BVĐK tỉnh “khẩn trương tiến hành nghiệm thu và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung của BV để thu gom toàn bộ nước thải của BVĐK tỉnh và BVPS xử lý đạt QCVN 28:2010/BTNMT.

Đồng thời hoàn thiện việc xây dựng cải tạo lại hệ thống đường ống để thu gom toàn bộ nước thải phát sinh trong hoạt động khám chữa bệnh về hệ thống xử lý nước thải tập trung…”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Huy cho biết: “Ngân sách có hạn, khi nào có BV mới chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng, lập thủ tục môi trường và thực hiện quan trắc định kỳ theo quy định”.

Còn ông Phạm Văn Huấn, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hải Dương cho biết, hệ thống xử lý nước thải của BVĐK tỉnh được xây dựng từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa được nghiệm thu và đưa vào sử dụng.

Hiện tại, BV cũng đang xoay xở tìm mọi cách xử lý. “Vì môi trường chưa được xử lý triệt để mà vừa qua BVĐK tỉnh đã bị cơ quan chuyên trách về môi trường phạt hơn 300 triệu đồng. Bản thân chúng tôi còn chưa lo xong thì làm sao “gồng” được cả BVPS”, ông Huấn nói.

Trong khi công văn chỉ đạo đã có, BVĐK tỉnh Hải Dương vẫn đang “vất vả” xử lý nước thải của BV họ nhưng với hơn 100m3 nước thải mỗi ngày, BVPS vẫn ngày ngày ung dung “gửi nhờ” và “bình chân như vại” chờ xây dựng BV mới dù hiện tại đề án đã có nhưng chưa biết đến khi nào mới được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt. Sức khỏe của bệnh nhân và người dân xung quanh BV này vẫn đang tiếp tục bị đe dọa trầm trọng.

(Theo Phapluatplus)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh viện Phụ sản Hải Dương: Thờ ơ với môi trường, “gửi nhờ” chất thải?