Biến đổi khí hậu khiến Việt Nam thiệt hại 15.000 tỷ đồng

11/07/2016 16:42
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại về kinh tế cho Việt Nam khoảng 15.000 tỉ đồng. Từ cuối năm 2014 đến 2016, do tác động của hiện tượng thời tiết El Nino, 18 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long phải hứng chịu hạn hán trên diện rộng, mặn xâm nhập làm ảnh hưởng đến cuộc sống khoảng 2 triệu người dân, thiệt hại hàng trăm nghìn ha lúa.

Biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại về kinh tế cho Việt Nam khoảng 15.000 tỉ đồng, đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo tham vấn “Xây dựng kế hoạch phục hồi dựa vào khả năng chống chịu để giảm thiểu tác động của El Nino và La Nina tại Việt Nam” ngày 8/7 tại Hà Nội. Để hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn, Trung ương và địa phương đã hỗ trợ gần 1.400 tỉ đồng, các đối tác và tổ chức quốc tế đã hỗ trợ khẩn cấp 16,162 triệu USD giúp các tỉnh khắc phục hậu quả của El Nino – theo Báo Tin Tức.
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, trước mắt, trong năm các địa phương sẽ cần 3.734 tỉ đồng để hỗ trợ giống khôi phục sản xuất, cung cấp thiết bị lọc nước, sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt và nâng cấp công trình phòng chống hạn, mặn cấp bách. Đồng thời, các địa phương cần lưu ý về xây dựng kế hoạch trong ngắn hạn và dài hạn phải đảm bảo 4 mục tiêu là không để người dân thiếu lương thực, thiếu nước sạch, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và tạo sinh kế người dân.

Lúa, hoa màu, tan nát vì “tôm bay”

Từ cuối năm 2015 đến nay, tại xã Mường Lạn (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La), sự xuất hiện của hàng triệu con “tôm bay” (châu chấu) lúc đầu làm người dân bất ngờ, lý thú bởi một nguồn thức ăn lớn từ trên trời rơi xuống cho con người và động vật, nhưng nay chúng đã trở thành ác mộng cho người dân và chính quyền – theo Dân Việt.

Theo số liệu báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La, đến chiều ngày 7/7, diện tích đất nông – lâm nghiệp tại xã Mường Lạn bị châu chấu tàn phá đã lên tới 879ha, trong đó tập trung tại 9 bản biên giới Việt – Lào với 652ha rừng và 227ha đất nông nghiệp. Mật độ châu chấu/m2 thay đổi theo từng thời điểm bởi đặc tính di cư, nhưng lúc cao nhất lên tới 300 con, cá biệt tới 2.000 con/m2.

60% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn?

Tình trạng đa số doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn đã cho thấy còn nhiều vấn đề trong công tác quản lý, giám sát môi trường ở nước ta hiện nay. Những sự cố về môi trường thời gian qua như cá chết trên sông Bưởi (Thanh Hóa) hay cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh ven biển miền Trung đã khiến dư luận hết sức lo ngại về tình hình ô nhiễm môi trường, xả thải ở các khu công nghiệp – theo VOV.

Mới đây, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã công bố một nghiên cứu, có tới 60% doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xả thải vượt quy chuẩn. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc xem xét, cân nhắc ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài phải được tính toán kỹ lưỡng, tránh những hệ lụy về sau, đặc biệt là vấn đề môi trường, an ninh… Bên cạnh đó, cần công khai các thông tin đánh giá tác độngmôi trường, minh bạch hóa quá trình ra quyết định và tạo cơ chế giám sát cộng đồng trong quá trình hoạt động của các nhà máy.

33% dân số thế giới đối mặt với tình trạng khan hiếm nước vào năm 2025

Theo viện quản lý nước quốc tế, 33% dân số thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước vào năm 2025. Một trong những nguyên nhân đó chính là rò rỉ nước. 20-30% nước sau khi xử lý bị thất thoát trên đường tới với người tiêu dùng.

Trong khi đó, có nhiều nguy cơ rủi ro về sức khỏe khi có những chất ô nhiễm bị lẫn hoặc nhiễm vào nguồn nước sạch trong đường ống cấp nước trong quá trình sửa chữa hệ thống đường ống nước. Hiện nay Qatar đang phải đối mặt với những thách thức lớn về nguồn cung cấp nước cho cả đất nước. Hệ thống phân phối nước tại Qutar đang bị rò rỉ thất thoát khoảng 30-35%.

Đức sẽ thu gom rác nhựa trên biển

Một mạng lưới gồm khoảng mười doanh nghiệp Đức đang xây dựng hệ thống thu gom, tái chế nhằm dọn rác nhựa trên biển trên phạm vi toàn thế giới và dự kiến chính thức đưa hệ thống này vào hoạt động từ năm 2018. Trong dự án này, nhiều con tàu cũ được cải tạo lại và có trang bị lưới vớt nhựa sẽ chạy vào những vùng biển chứa nhiều rác nhựa nhất để thu gom chúng. Sau đó lượng rác thải này sẽ được tái chế hoặc tạo ra năng lượng trên một con tầu chuyên dụng – theo Tia Sáng.

Theo ước tính, hiện tại lượng rác thải nhựa trên biển vào khoảng 140 triệu tấn, mỗi năm có thêm 10 triệu tấn. Rác thải nhựa khi trôi ra đến biển có thể tồn tại hàng trăm năm. Do bị cọ xát, dưới tác động của nước biển, của tia cực tím rác, nhựa sẽ rã thành những mảnh nhỏ và có thể bị các loài hải sản ăn vào để rồi lại có mặt trong chuỗi thức ăn của con người. Do đó, ngành thủy sản và du lịch bị ảnh hưởng rất lớn bởi lượng rác thải này và phải mất rất nhiều phí tổn để khắc phục. Có 192 quốc gia bị ô nhiễm rác thải nhựa trên biển, trong đó một số nước châu Á như Trung quốc, Indonesia, Philippines và Việt nam nặng nề nhất.

Theo moitruong.com.vn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến đổi khí hậu khiến Việt Nam thiệt hại 15.000 tỷ đồng