BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU: Những vấn đề đặt ra trong công tác Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ

Theo Băng Ngân – Lệ Hoa( TC Môi trường và Cuộc sống)|03/06/2016 07:11
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) –

Những tháng đầu năm 2016, Việt Nam liên tiếp xảy ra những hiện tượng thiên tai bất thường do ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu (BĐKH) như: hạn hán,  xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, mưa đá tại một số tỉnh miền núi phía Bắc đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và đời sống của người dân. Không nằm ngoài quy luật bị ảnh hưởng tác động của BĐKH, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) đang đứng trước những thách thức lớn trong thực hiện nhiệm vụ PCCC&CNCH trước những biến đổi khó lường của thời tiết.

Trong công tác chữa cháy, hạn hán kéo dài dẫn đến tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, khan hiếm cả nước sinh hoạt và sản xuất, trong khi đó nước lại là một trong những chất chữa cháy quan trọng, được sử dụng hầu hết trong quá trình khống chế, dập tắt, ngăn cháy lan. Cho đến nay, nước vẫn đóng vai trò là chất chữa cháy tối ưu nhất. Đồng thời, cùng với tình trạng thiếu nước là nguy cơ dẫn đến số lượng đám cháy gia tăng nhanh chóng do nắng nóng kéo dài, đặc biệt là nguy cơ cháy rừng do nhiệt độ thường xuyên duy trì ở mức cao và nhiều lần đạt mốc lịch sử trong nhiều năm gần đây.

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã có những chuẩn bị và tham gia tích cực vào công tác đảm bảo an toàn PCCC&CNCH, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó. Trong 03 năm từ 2012-2015, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã thực hiện 1.558 vụ CNCH, trong đó 465 vụ cháy, nổ (chiếm 29,85%), 646 vụ dưới nước (chiếm 41,46%), 113 vụ tai nạn giao thông (chiếm 7,25%), 47 vụ sập đổ công trình (chiếm 3,02%), 79 vụ trên cao, trong hang hầm, giếng sâu (chiếm 5,07%), 208 vụ sự cố, tai nạn khác (chiếm 13,35%); tổ chức hướng dẫn thoát nạn hàng chục nghìn người; cứu được 1.410 người; tìm kiếm được 580 xác nạn nhân bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý. Đặc biệt, năm qua công tác CNCH của lực lượng được chú ý đặc biệt khi thường xuyên phải ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan, gây ra những tai nạn, sự cố vô cùng nghiêm trọng. Như trận mưa lũ lịch sử ở Quảng Ninh diễn ra từ ngày 23 đến 29/7/2015, đây là trận mưa lớn nhất trong vòng hơn 40 năm qua, với lượng mưa đã vượt quá 1.500mm. Mưa lũ đến nhanh với cường độ mạnh đã làm 17 người thiệt mạng, trên 30 người bị thương, hơn 4000 căn nhà bị ngập lụt, đường xá hư hại, cây cối, hoa màu chết úng, các ngành dịch vụ, sản xuất, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề…, tổng thiệt hại ban đầu về vật chất lên đến hơn 2.700 tỷ đồng.

Những người lính Cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh Quảng Ninh đã không ngại gian khó, thử thách luôn luôn sát cánh cùng nhân dân vượt qua lũ lớn. Lực lượng Cảnh sát PC&CC Quảng Ninh đã cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ, xe tham gia CNCH; xử lý ngập lụt; di chuyển nhân dân tại các vị trí nguy hiểm đến nơi an toàn; hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ; chở nước sạch phục vụ nhân dân… Hay trong trận siêu giông xảy ra vào tháng 6 tại Hà Nội, mặc dù thời gian xảy ra giông lốc không dài nhưng thiệt hại lại rất lớn, làm 1 người thiệt mạng do bị cây đè, nhiều cây cối bị bật gốc đổ trên đường làm tắc nghẽn giao thông, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Thủ đô đã huy động toàn bộ lực lượng, tích cực để khắc phục hậu quả, xử lý các sự cố sau giông lốc. Ngoài ra, trong những vụ cháy do nắng nóng kéo dài, cháy rừng do khô hạn, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cũng đã có sự chuẩn bị, ứng phó kịp thời để hạn chế cháy lan, cháy lớn xảy ra.

phong-chay-chua-chay1212

Tuy nhiên, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH khi triển khai nhiệm vụ cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Như trong vụ CNCH tại Quảng Ninh, mặc dù đơn vị đã nhanh chóng triển khai thực hiện các hoạt động CNCH nhưng do lũ lớn đến nhanh, bất ngờ trong khi số lượng cán bộ, chiến sỹ thực hiện công tác CNCH mỏng và phương tiện CNCH còn thiếu, do đó việc tiếp cận vùng lũ để ứng cứu kịp thời gặp rất nhiều khó khăn. Mưa bão cục bộ không chỉ gây ra lũ lụt mà còn là nguyên nhân gián tiếp gây ra những tai nạn bất ngờ, một trong số đó là sạt lở đất tại phường Cao Thắng, TP. Hạ Long. Sau trận mưa lũ đã có 9 người thiệt mạng do sạt lở đất, cán bộ, chiến sỹ của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH liên tục phải giải quyết nhiều vụ CNCH trong thời gian ngắn, dẫn đến công tác tổ chức cứu người, cứu tài sản còn lúng túng chưa đạt được hiệu quả cao nhất. Chính vì vậy, thách thức đặt ra cho nhiệm vụ CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đó là phải giải quyết, xử lý nhanh, kịp thời, hợp lý các tình huống tai nạn bất ngờ mang tính chất thiên tai, thảm họa. Trong khi đó, hệ thống tổ chức lực lượng CNCH của Cảnh sát PCCC&CNCH còn non trẻ, mỏng về số lượng, thiếu về trang thiết bị phương tiện và đặc biệt là thiếu kinh nghiệm trong xử lý các vụ CNCH khi xảy ra thiên tai, thảm họa.

Trước những ảnh hưởng của BĐKH với công tác PCCC&CNCH, lực lượng Cảnh sát PCCC &CNCH đã thực hiện các giải pháp đồng bộ, có lộ trình để kịp thời ứng phó với các tình huống tai nạn, sự cố, thiên tai xảy ra.

Để công tác quản lý nguồn nước, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cần khảo sát kỹ các nguồn nước ở địa phương theo từng tháng, từng quý về vị trí, trữ lượng; có định hướng dự trữ nước phục vụ công tác chữa cháy trong các mùa hanh khô; kết hợp tham mưu, đề xuất cho chính quyền địa phương có định hướng xây dựng các bể chứa nước dự trữ tại những vùng có nguy cơ hạn hán cao, đồng thời kết hợp với tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sử dụng tiết kiệm nước cho nhân dân. Đối với công tác thường trực chữa cháy, lực lượng cần duy trì đầy đủ số lượng xe chữa cháy, không sử dụng xe chữa cháy vào các mục đích khác, đảm bảo xe luôn có nước để sẵn sàng chữa cháy khi có cháy xảy ra.

Bên cạnh việc tổ chức tốt công tác thường trực chiến đấu cần phải kết hợp với việc làm tốt công tác phòng cháy bằng cách thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC cho người dân; tăng cường công tác kiểm tra các điều kiện an toàn về phòng cháy, đặc biệt là nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy trong mùa hanh khô, tổ chức xây dựng và thường xuyên thực tập các phương án chữa cháy.

Đối với công tác PCCC rừng cần lấy phòng ngừa làm chính, chủ động phòng cháy bằng cách thường xuyên bố trí các cảnh báo cháy rừng; hạn chế người dân sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt khi đi rừng, với những khu vực có nguy cơ cháy rừng cao cần cách ly với bên ngoài; tạo những vành đai chống cháy đề phòng trường hợp có cháy xảy ra; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nếu có cháy…

Về công tác CNCH, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cần nâng cao nghiệp vụ trong việc tổ chức ứng phó và thực hiện nhiệm vụ để xử lý nhanh chóng, kịp thời các tình huống sự cố, tai nạn bất ngờ xảy ra do thiên tai. Để đạt được mục tiêu này, các đơn vị Cảnh sát PCCC&CNCH bên cạnh việc thường xuyên tổ chức huấn luyện nghiệp vụ CNCH cho cán bộ, chiến sỹ cần phải học hỏi các nước trên thế giới và trong khu vực kinh nghiệm giải quyết các tình huống thiên tai dẫn đến các tai nạn, sự cố; đồng thời có lộ trình phát triển lực lượng thực hiện nhiệm vụ CNCH đáp ứng yêu cầu của hoạt động tìm kiếm cứu nạn; tăng cường trang bị các phương tiện, thiết bị phục vụ công tác CNCH.

Đứng trước vấn đề của toàn nhân loại về BĐKH, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đang phải đối mặt với những thách thức khi được giao nhiệm vụ PCCC&CNCH. Điều đó cho thấy rằng, mức độ biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay ngày càng rõ nét và nghiêm trọng. Trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cần có biện pháp chủ động ứng phó với những diễn biến khó lường do BĐKH gây ra. Để thực hiện được nhiệm vụ này cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong đó phát huy tối đa vai trò của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để từng bước ứng phó kịp thời với BĐKH.■

Theo Băng Ngân – Lệ Hoa( TC Môi trường và Cuộc sống)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU: Những vấn đề đặt ra trong công tác Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ