Bộ TN&MT: Hướng dẫn xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương

Theo Monre|15/08/2017 08:23
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hướng dẫn xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương. Ảnh minh họa

(Moitruong.net.vn) – Nhằm góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường của Việt Nam nói chung và tăng cường công tác kiểm soát phát thải từ các nguồn thải, tăng cường bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương.

Trong thời gian qua, việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) môi trường tại các địa phương vẫn còn bộc lộ một số bất cập do đặc thù về điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế, xã hội và yêu cầu quản lý,… của các địa phương có sự khác biệt, trong khi việc xây dựng QCKT của địa phương cũng chưa được quan tâm đúng mức. Để góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường của Việt Nam nói chung và tăng cường công tác kiểm soát phát thải từ các nguồn thải, đồng thời cải thiện chất lượng môi trường các khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tăng cường bảo vệ môi trường các khu vực nhạy cảm ở mỗi địa phương nói riêng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 4114/BTNMT-TCMT ngày 11/8/2017 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố chỉ đạo, tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương; ưu tiên nghiên cứu, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với chất thải.

Bộ TN&MT đã xây dựng và ban hành 44 Quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) quốc gia về môi trường, trong đó có 14 QCKT quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh (đất, nước, không khí, trầm tích, tiếng ồn, độ rung) và 30 QCKT môi trường về chất thải (bao gồm các quy chuẩn nước thải, khí thải chung cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và QCKT môi trường quốc gia về nước thải, khí thải đối với một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ). Việc áp dụng QCKT quốc gia chung cho các địa phương trên phạm vi toàn quốc trong thời gian qua đã góp phần kiểm soát hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, quá trình áp dụng tại các địa phương vẫn còn bộc lộ một số bất cập do đặc thù về điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế, xã hội và yêu cầu quản lý,… của các địa phương có sự khác biệt trong khi việc xây dựng QCKT của địa phương chưa được quan tâm đúng mức.

Theo hướng dẫn, việc xây dựng QCKT môi trường địa phương phải nghiêm ngặt hơn so với QCKT môi trường quốc gia trong trường hợp đã có QCKT môi trường quốc gia hiện hành; phù hợp với đặc thù riêng của địa phương về quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội khu vực/vùng, ngành, lĩnh vực; đặc điểm điều kiện tự nhiên; trình độ kỹ thuật và công nghệ,… Trong trường hợp không có QCKT môi trường quốc gia, các địa phương chủ động nghiên cứu, xây dựng và ban hành QCKT môi trường của địa phương.

Các địa phương cần ưu tiên xây dựng QCKT môi trường địa phương về nước thải công nghiệp và khí thải công nghiệp nói chung và các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đặc thù nói riêng; và các QCKT môi trường đặc thù khác của từng địa phương theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Bảo vệ môi trường.

Việc lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật thực hiện theo quy định tại Điều 29 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Thông tư số 23/2007/TT-BKHCN ngày 28/9/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hướng dẫn xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật; tổ chức việc xây dựng, thẩm định và ban hành QCKT địa phương theo trình tự, thủ tục quy định tại Khoản 2 Điều 32 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Bộ TN&MT sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, thẩm định và ban hành các QCKT môi trường địa phương.

Theo Monre

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT: Hướng dẫn xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương