Các chất độc hại trong thuốc lá làm tê liệt phổi.

Thủy Chi (T/H)|27/04/2017 09:07
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo hút thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong ở 20% các trường hợp ung thư, và 70% các trường hợp tử vong vì ung thư phổi trên toàn thế giới. Nếu một người ngừng hút thuốc trên 10 năm, nguy cơ ung thư phổi sẽ giảm 30-50%.

(Moitruong.net.vn) – Ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ người hút thuốc lá đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, ung thư phổi được xếp hàng thứ nhất trong tổng số 10 loại ung thư thường gặp ở cả hai giới.

Tác hại của thuốc lá đến sức khỏe con người

Tại Việt Nam, ung thư phổi được xếp hàng thứ nhất trong tổng số 10 loại ung thư thường gặp ở cả hai giới. Theo thống kê, đến năm 2013, tỷ lệ người mắc bệnh đã tăng gấp 4 lần, lên con số 20.000 người mắc mới mỗi năm, trong đó có tới 17.000 người tử vong.

15-30-38_thuoc-l1

Thuốc lá tàn phá nặn nề đến lá phổi

Hút thuốc lá là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh ung thư phổi. Các nghiên cứu đã chứng minh cơ chế gây ung thư phổi từ thuốc lá. Khói thuốc lá chứa khoảng 4.000 chất, trong đó có khoảng 40 chất gây ung thư như nicotin, oxide carbon, benzene, formaldehyde, ammonia, acetone, arsenic, hydrogen cyanide…

Theo BS Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc văn phòng Healthbridge Canada tại Việt Nam thì, khi khói thuốc lá xâm nhập vào đường thở, xuống phổi, chúng làm lông mao cấu thành nên phổi bị tê liệt, thậm chí bị phá hủy, khiến cho phổi không thể làm việc, tống các chất độc hại của khói thuốc khỏi cơ thể.

Vì thế người nghiện thuốc lá thường bị ho, dễ viêm đường hô hấp, trong đó có cả viêm phổi. Người hút thuốc chức năng phổi hoạt động kém hơn người bình thường từ 2-4 lần, nếu nghiện thuốc trước năm 15 tuổi có nguy cơ ung thư gấp 4 lần so với người hút thuốc sau năm 25 tuổi.

Như đã nói ở trên, khi hút thuốc, các lông mao trong phổi bị tê liệt, làm các chất độc hại từ khói thuốc lá bị đọng lại đường hô hấp, nhiều chất độc hại làm biến đổi các tế bào phổi bình thường, trở thành các tế bào gây ung thư. Hay một dạng tấn công phá hủy nhu mô phổi khác của thuốc lá là làm cho người hút thuốc bị viêm đường hô hấp, phổi kinh niên, chỗ viêm lâu ngày tiết ra các chất phá hủy nhu mô phổi gây tổn thương phổi…  

Nên bỏ thuốc, càng sớm càng tốt

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo, hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi, nhưng nó không phải là yếu tố nguy cơ duy nhất. Hít phải khói thuốc lá một cách thụ động cũng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh của bạn.

Trong một nghiên cứu tại Mỹ kết luận, những người kết hôn với người nghiện thuốc hay trong gia đình có người nghiện thuốc lá có nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn từ 20-30% so với người bình thường. Trong khi đó, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại Việt Nam rất cao, ước tính 67,6% người không hút thuốc bị phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà và 49,0% phơi nhiễm tại nơi làm việc.

Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có 40.000 người tử vong do những nguyên nhân liên quan đến thuốc lá, gấp 3 lần số người chết do tai nạn giao thông. Một điều tra cho thấy trên 50% nam giới hút thuốc lá và 60% trẻ em Việt Nam độ tuổi 13-15 đã tiếp xúc với khói thuốc tại nhà qua đường hút thụ động. Tại Hà Nội, gần một nửa dân số phải hút thuốc thụ động, nhiều nhất là phụ nữ và trẻ em. Ung thư phổi là dạng ung thư cao nhất ở nam giới và thứ tư ở nữ giới.

hut-thuoc-la-thu-dong-18218271-1-e1472093949179

Trẻ em là những nạn nhân bị ép phải hút thuốc lá thụ động.

Cơ chế gây bệnh ung thư phổi đối với hút thuốc thụ động cũng không khác nhiều so với hút thuốc chủ động. Người hút thuốc thường hít vào phổi bằng luồng khói chính nhưng chỉ chiếm khoảng 20%, 80% các luồng khói còn lại từ thuốc lá gọi là luồng khói phụ, giữa các lần hít thuốc, ra môi trường xung quanh. Luồng khói phụ độc hại gấp nhiều lần luồng khói chính, đây chính là nguyên nhân gây ung thư phổi cho những người hít phải khói thuốc lá thụ động hay trong gia đình có người hút thuốc.

Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ những người bỏ thuốc lá có thể tiếp tục sống trên 5 năm sau khi phát hiện ung thư phổi chiếm khoảng 63-70%, trong khi tỷ lệ này ở những người tiếp tục hút thuốc lá chỉ vào khoảng 29-33%. Khói thuốc lá có thể thúc đẩy các tế bào ung thư phát triển. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo nên bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt.

Thủy Chi (T/H)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các chất độc hại trong thuốc lá làm tê liệt phổi.