Chất thải y tế: Hội chứng ‘đau đầu’ mãn tính của các cấp quản lý

Vi Hậu|26/07/2017 07:39
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn

(Moitruong.net.vn) – Nhiều năm nay, tình trạng phân loại, xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện (BV) cũng như phòng khám ngoài công lập luôn là bài toán làm “đau đầu” các cấp quản lý. Không ít BV lớn dù đã được đầu tư các thiết bị xử lý rác thải y tế tại chỗ song việc vận hành hệ thống này vẫn còn nhiều bất cập, mang tính hình thức, dẫn đến những hệ quả không nhỏ ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe cộng đồng.

thai y te12

 Nhiều cơ sở y tế gặp khó khăn trong phân loại xử lý rác thải y tế

Giật mình với những con số “biết nói”

Theo số liệu báo cáo thống kê gần đây của Sở Y tế Hà Nội cho thấy: Lượng chất thải rắn phát sinh một ngày của các cơ sở khám chữa bệnh do Sở Y tế quản lý gồm 41 bệnh viện, 30 trung tâm y tế huyện, 14 trung tâm chuyên khoa vào khoảng 13 tấn/ngày. Trong đó có 9,249 tấn là chất thải rắn y tế thông thường, 1,842 tấn là chất thải rắn y tế nguy hại. Các trạm y tế xã/phường/thị trấn trung bình mỗi ngày thải ra từ 0,1 – 0,5 kg chất thải rắn y tế nguy hại và 1 – 4 kg chất thải rắn y tết thông thường.

Ước tính, đến năm 2020, tổng lượng chất thải y tế phát sinh một ngày trên địa bàn Hà Nội là 15,8 tấn/ngày, trong đó khối lượng chất thải y tế nguy hại là 3,16 tấn/ngày. Ngoài ra, tổng lượng nước thải trung bình một ngày của các cơ sở thuộc Sở Y tế Hà Nội là khoảng 10.029m3/ngày. Ước đến năm 2020 là 13.495m3/ngày.

Điều đáng nói là cũng theo đánh giá từ Sở Y tế Hà Nội thì dù nhiều cơ sở khám chữa bệnh đã được đầu tư nâng cấp các thiết bị xử lý rác thải y tế song nhiều đơn vị không đủ kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý nước thải, khu lưu giữ chất thải rắn; Kinh phí cho vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải; Kinh phí mua hóa chất, vật tư làm sạch môi trường… khá lớn nên các đơn vị gặp nhiều khó khăn.

Thực tế ghi nhận của PV Tạp chí Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn tại các BV trên địa bàn Hà Nội cho thấy, nhiều BV chưa thực sự quan tâm đến vấn đề rác thải BV đối với môi trường. Đơn cử như BV Bưu Điện dù có hệ thống xử lý nước thải, có khu thu và phân loại rác thải y tế xong vẫn bị phạt tới cả trăm triệu đồng do vi phạm vấn đề xả thải.

Theo phản ánh của người dân, tại phòng khám Đa khoa Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) sau mỗi trận mưa lớn thường bốc mùi kháng sinh, hóa chất nồng nặc. Làm việc với PV, phía đại diện phòng khám cho biết: Việc thu gom chất thải y tế tại đây được phòng khám ký hợp đồng với một công ty chuyên xử lý chất thải y tế. Tuy nhiên, khi Sở TN&MT Hà Nội tiến hành kiểm tra vào tháng 11/2016 lại phát hiện nhiều sai phạm về môi trường tại đây như thực hiện không đúng quy định về quan trắc, giám sát xả nước thải vào nguồn nước; Không thực hiện kê khai và sử dụng chứng từ chất thải nguy hại theo định kỳ…

Liệu có giải pháp tối ưu

Chia sẻ về vấn đề này ông Nguyên Hữu Hùng, Trưởng phòng Môi trường cơ sở y tế (Bộ Y tế) cho biết: “Vấn đề rác thải y tế, rác thải sinh hoạt đang rất nóng. Bộ y tế năm nay cũng đã có công văn gửi các tỉnh, giám đốc các sở, chỉ đạo đôn đốc vấn đề này, còn việc thực thi ở các bệnh viện tuyến cơ sở thì còn nhiều khó khăn”.

Trả lời câu hỏi của PV về kiểm tra việc phân loại, xử lý rác thải y tế thuộc danh mục chất nguy hại trong quá trình thanh tra, kiểm tra về quy chế chuyên môn đối với các cơ sở khám, chữa bệnh như thế nào, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế phân tích: “Để tránh việc các phòng khám tư nhân không ký lại hợp đồng xử lý rác thải nguy hại, Sở Y tế thường xuyên chỉ đạo phòng y tế quận, huyện phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra định kỳ, đột xuất nhằm phát hiện nhắc nhở và xử phạt đối với trường hợp vi phạm”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc các phòng khám không ký hợp đồng xử lý rác thải y tế nguy hại vẫn đang diễn ra. Ông Cường cho biết, các đơn vị thu gom, xử lý rác cần thông báo địa chỉ phòng khám không ký hợp đồng thu gom rác thải y tế nguy hại để Sở xuống kiểm tra, cũng như chỉ đạo các phòng y tế quận, huyện thường xuyên kiểm tra, nhằm bảo đảm hoạt động thu gom rác thải y tế nguy hại được thường xuyên.

Vi Hậu

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất thải y tế: Hội chứng ‘đau đầu’ mãn tính của các cấp quản lý