Chiêm ngưỡng hiện vật văn hóa Óc Eo giữa lòng TP.Hồ Chí Minh

29/11/2017 09:13
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Từ ngày 29/11 đến hết ngày 31/3/2018 tại Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh (số 02 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, Q.1, TP.Hồ Chí Minh) sẽ trưng bày “Báu vật vương quốc cổ – Nghệ thuật kim hoàn và trang sức Óc Eo”, giới thiệu “kho báu” của nền văn hóa Óc Eo phát triển rực rỡ từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7.

Con dấu còn kết hợp làm mặt trang trí trên trang sức như nhẫn, mặt dây chuyền thời văn hóa Óc Eo

Đây là công trình phối hợp giữa Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh với bảo tàng các tỉnh bạn: Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang. Lần đầu tiên kho báu quy mô của vương quốc cổ Phù Nam đã được giới thiệu đến công chúng TP.Hồ Chí Minh.

Chuyên đề “Báu vật vương quốc cổ – Nghệ thuật kim hoàn và trang sức văn hóa Óc Eo” sẽ giới thiệu gần 300 hiện vật được phát hiện từ các di tích thuộc văn hóa Óc Eo.

Văn hóa Óc Eo là một trong những vấn đề được khảo cổ học quan tâm đặc biệt. Các cuộc khảo sát, điền dã và khai quật đã được tiến hành khắp nơi từ Kiên Giang cho đến vùng cao trung lưu sông Đồng Nai. Trên 90 di tích (hoặc khu di tích) đã được kiểm chứng và phát hiện mới với hàng vạn cổ vật bằng nhiều chất liệu: đá, đồng, gốm, kim loại quý… đã được thu thập tại các di tích này.

Bởi, hơn một thế kỷ nghiên cứu về Phù Nam – một vương quốc cổ đại được ghi chép khá cụ thể trong thư tịch cổ Trung Quốc, được khắc thành minh văn trên bi ký, trên bệ thờ bằng đá, trong các kiến trúc của cư dân cổ vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long; việc phát hiện di tích Cảng thị Óc Eo (An Giang) của nhà Khảo cổ người Pháp Louis Malleret năm 1944 đã là một bằng chứng chân xác về sự tồn tại của Vương quốc này.

Những di vật văn hóa Óc Eo chứa đựng nhiều giá trị lớn về vật chất – tinh thần, về khoa học và kỹ thuật, về kinh tế và xã hội. Sản phẩm kim hoàn và trang sức của văn hóa Óc Eo rất đa dạng về loại hình, phong cách và đề tài trang trí được chế tác cầu kỳ, tinh xảo là những tuyệt phẩm từ bàn tay khéo léo của nghệ nhân. Các di tích đền tháp, mộ táng; các sưu tập tượng đá, tượng gỗ tuyệt tác được làm theo phong cách Hindu giáo, Phật giáo; các sưu tập trang sức bằng kim loại quý, đá ngọc, thủy tinh thu hút rất nhiều người đến tham quan.

Ngoài ra, chuyên đề cũng giới thiệu một số loại hình khác như: Nồi nấu kim loại, đá thử vàng, khuôn đúc dùng trong việc chế tác sản phẩm; Hạt chuỗi với các chất liệu phong phú: đá quý, đá màu, mã não, thủy tinh và đất nung; Con dấu kết hợp làm mặt trang trí trên trang sức (nhẫn, mặt dây chuyền) thể hiện óc thẩm mỹ và trình độ nghệ thuật cao của cư dân văn hóa Óc Eo.

Gia Hân (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiêm ngưỡng hiện vật văn hóa Óc Eo giữa lòng TP.Hồ Chí Minh