Chủ động phòng tránh và đẩy lùi dịch bệnh sau mưa lũ

An Nhiên (T/h)|04/09/2018 06:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Sau nhiều ngày mưa, nước lũ tại nhiều các tỉnh trên cả nước nguy cơ tạo ra các mầm mống dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe người dân vẫn luôn hiện hữu. Khi môi trường bị úng ngập thì nguồn bệnh rất dễ lây lan, trong điều kiện vệ sinh không đảm bảo, nếu người dân ăn, uống phải nguồn nước, thực phẩm nhiễm các vi khuẩn, virus sẽ dễ dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm.

Bởi vậy, trong trường hợp vùng bị mưa lũ, nếu phải dùng nước sông, suối, ao, hồ hoặc nước giếng bị nhiễm bẩn sẽ làm trong bằng phèn chua hòa vào nước (1 gam phèn chua với 20 lít nước), chờ 30 phút cho cặn lắng xuống rồi gạn lấy nước trong. Nếu không có phèn chua có thể dùng túi vải để lọc nước. Sau đó nước cần được khử trùng bằng cloramin B hoặc clorua vôi. Nếu là cloramin B dạng viên 0,25 gam rất tiện lợi cho việc khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại,… một viên 0,25 gam dùng cho 25 lít nước. Nước khử trùng 30 phút sau là sử dụng được. Tuyệt đối không được khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn sẽ hấp thụ hết clo hoạt tính, làm mất tác dụng khử trùng của clo, nước khử trùng vẫn phải đun sôi mới uống được.

Ngoài ra, người dân cần thực hiện các biện pháp vệ sinh thông thường khác như: Thực hiện ăn chín, uống sôi. Không ăn thực phẩm từ các loại động vật đã chết vì lũ cuốn, thực phẩm đã bị ngâm dưới nưới, mọc mầm, có mùi lạ (chua, mốc) và các thực phẩm bị nhiễm nấm mốc. Với rau quả ăn sống cần thiết phải rửa kỹ dưới vòi nước, ngâm nước muối 0,9% trước khi ăn. Thức ăn phải được ăn ngay sau khi nấu, thức ăn quá 2 giờ sau khi nấu ở nhiệt độ phòng phải được nấu lại trước khi ăn để tránh ngộ độc do vi khuẩn.

Bộ Y tế đã đề nghị giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị y tế đóng trên địa bàn hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh với tinh thần nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường đến đó. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ngập lụt triển khai các biện pháp bảo đảm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… Ðẩy mạnh công tác giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau lũ và ngập lụt.

Đồng thời các đơn vị y tế đóng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với UBND các xã tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng, chống một số bệnh thường gặp trong mùa mưa, lũ; bảo đảm nguồn nước sinh hoạt sạch sẽ, chất lượng; chủ động vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; xử lý xác súc vật chết; thu gom rác thải sinh hoạt và tiêu hủy đúng quy định, không để ô nhiễm môi trường gây dịch bệnh, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cử cán bộ có trình độ chuyên môn cao giám sát, hỗ trợ các địa phương giám sát dịch bệnh, xử lý môi trường khi nước rút; dự trù hóa chất, trang thiết bị y tế đáp ứng việc vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát.

An Nhiên (T/h)

Bài liên quan
  • Hà Nội bước vào đỉnh dịch bệnh tay chân miệng
    Hiện cả nước có hơn 13.700 ca mắc tay chân miệng. Tại Hà Nội, tuần cao nhất ghi nhận gần 200 ca mắc. Sở Y tế Hà Nội cảnh báo số mắc tay chân miệng bước vào đỉnh dịch lần 1, dự báo thời gian tới sẽ còn gia tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng tránh và đẩy lùi dịch bệnh sau mưa lũ