Chủ động ứng phó với thiên tai, dịch bệnh

Trương Anh Sáng|14/06/2018 02:27
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Kiên Giang ban hành văn bản số 156 đề nghị Ban thường vụ các huyện, thị thành Đoàn và Đoàn trực thuộc triển khai các hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh năm 2018.

Thanh niên tình nguyện giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai

Theo đó, Ban thường vụ các huyện, thị thành Đoàn và Đoàn trực thuộc cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước góp phần nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên về công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; có ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ vì cuộc sống cộng đồng.

Khi có thông tin về thiên tai, dịch bệnh và sự cố môi trường.

Các ban, ngành, đoàn thể cần chủ động nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình thiên tai, dịch bệnh, đồng thời nghiêm túc thực hiện các phương án của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Chủ động ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào địa bàn; có phương án đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền, hoạt động thủy sản trên địa bàn; lập kế hoạch về tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ cho người và tàu thuyền hoạt động trên địa bàn và khu vực giáp ranh tỉnh, thành phố và lên phương án phòng, chống dịch bệnh của UBND các huyện, thị, thành phố.

Đồng thời vận động nhân dân chủ động đối phó với những diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bện và sẵn sàng sơ tán người và tài sản khỏi vùng nguy hiểm của bão lũ, vùng xảy ra dịch bệnh khi có lệnh. Phối hợp các ngành chức năng kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ấn an toàn, phát hiện và tham gia khoanh vùng ổ dịch bệnh, ô nhiễm môi trường do sự cố môi trường gây ra.

Khi diễn ra thiên tai, dịch bệnh và sự cố môi trường.

Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” gồm: lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ; chỉ huy tại chỗ. Đồng thời tổ chức Đoàn tại địa phương để nắm chắc diễn biến tình hình, đề phòng tình huống xấu và chuẩn bị phương án ứng phó thích hợp, hiệu quả.

Tổ chức lực lượng tham gia ứng trực, hỗ trợ trên các tuyến đê xung yếu, các khu vực hay xảy ra ngập lụt và chịu ảnh hưởng của thiên tai; hoạt động bao vây, dập tắt, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan, thực hiện đúng theo quy trình phòng dịch, dập dịch theo quy định. Tham mưu với chính quyền địa phương vận động, bố trí nơi ăn, chỗ nghỉ tạm thời cho người dân khi lánh nạn. Kịp thời đề xuất hỗ trợ về lương thực, nước uống và các nhu cầu yếu phẩm khác trong thời gian diễn ra thiên tai, bệnh dịch và sự cố môi trường và tham gia các hoạt động cứu trợ nhân đạo và tìm kiếm cứu nạn.

Sau thiên tai, dịch bệnh và sự cố môi trường.

Nhanh chóng  tham gia giúp đỡ nhân dân trở về nơi sinh sống, kiểm soát vận chuyển gia cầm, vật nuôi, sản phẩm gia cầm, vật nuôi ở các địa phương phát dịch. Cùng với đó giúp nhân dân khắc phục hậu quả của thiên tai như: sửa chữa nhà, đường xá, ruộng vườn, làm sạch biển, cải tạo nguồn nước, vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại chỗ khắc phục sự cố môi trường, tránh bùng phát lại dịch bệnh tại địa phương. Trồng rừng đầu nguồn chống xói mòn, hạn chế lụt, bão; trồng rừng phòng hộ chống gió bão, sạt lở, chắn sóng.

Vận động, tổ chức kêu gọi đoàn thể, các doanh nghiệp, đoàn viên, thanh niên và cán bộ, công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang quyên góp ủng hộ các địa phương, các gia đình chịu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và sự cố môi trường gây ra, giúp đỡ nhân dân sớm ổn định cuộc sống, tham gia các hoạt động khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, phân phát hàng cứu trợ cho nhân dân.

Trương Anh Sáng


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó với thiên tai, dịch bệnh