Chuyện về người cả đời tâm huyết với rác

PHẠM VŨ/Tuoitre|02/12/2016 15:18
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Cuộc trò chuyện với một người đã gắn 2/3 đời mình với rác, gần 40 năm nhọc nhằn bên chiếc xe thu gom rác từ các hộ dân, gần 20 năm tỉ mỉ, khéo léo, sáng tạo với những món đồ tái chế từ rác.

Chuyện về người cả đời dường như không rời khỏi rác
Ông Tống Văn Thơm với chiếc xe đặc biệt “tranh thủ giúp được ai thì giúp” – Ảnh: TỰ TRUNG
Nếu các gia đình tự phân loại sẽ đỡ cho chúng tôi nhiều lắm. Nếu thành thói quen, việc thu gom các thùng rác ở nơi công cộng, trên đường phố của công ty môi trường đô thị cũng sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều
Ông TỐNG VĂN THƠM

Cả cuộc đời ông Tống Văn Thơm dường như không rời khỏi rác.

Cuộc trò chuyện diễn ra trong căn nhà nhỏ tràn ngập vật dụng tái chế do chính ông Thơm sáng tạo ra, trong đó có những vật rất giá trị mà ít ai nghĩ rằng được làm từ rác bỏ đi.

Phải có cách khác để xử lý rác

* 40 năm thu gom rác, qua công việc của mình, ông nhận thấy những gì đã thay đổi?

– Nhiều lắm. Lượng rác tăng lên rất lớn, các loại rác khó phân hủy hơn, gây hại môi trường hơn như nilông, nhựa, pin, bình axit… ngày càng tràn ngập.

Trước đây chúng tôi được hưởng lợi từ việc nhặt, lượm bao nilông, chai nhựa để bán cho những nơi thu gom đồ có thể tái chế, nhưng thời gian gần đây họ cũng không mua nữa hoặc mua giá rất rẻ. Giấy, báo cũng vậy, giá rẻ đến mức những người làm rác chúng tôi cũng không muốn nhặt, để riêng ra nữa.

Nhìn chủng loại rác tăng lên mỗi ngày cũng biết kinh tế – xã hội ngày càng khá hơn, những gia chủ cũng ít kèo nèo, cằn nhằn khi trả tiền thu gom rác.

Tuy nhiên, cái ít thay đổi là ý thức người dân. Bao năm trời họ vẫn vậy, vẫn bỏ tất cả vào một bao. Nhà nước cũng có công văn gửi xuống các phường, tổ dân phố kêu gọi “phân loại rác từ nguồn” nhưng chỉ như cục đá ném xuống nước.

Ở “đường rác” (thu gom rác ở các hộ dân theo đường, khu phố – PV) tôi làm, thu gom ổn định hơn 200 hộ suốt mấy chục năm, đã quen thuộc nên tôi hướng dẫn phân loại, đến giờ cũng chỉ khoảng 30% hộ thực hiện.

Tôi rất tích cực và động viên với vai trò chủ tịch nghiệp đoàn, họ cũng biết tôi làm đồ tái chế nên còn nghe theo. Những người khác chỉ lầm lũi làm việc của mình thì… vô phương. Chúng tôi chỉ tự phân loại khi đưa rác lên xe thôi.

* Chắc ông có nghe câu chuyện ở Đa Phước. Ông nghĩ thế nào?

– Có nghe và người sống với rác như tôi chỉ cần nghe qua là hiểu hết. Tôi bắt đầu công việc thu gom rác dân lập của mình năm 1979, thiết lập một trong những “đường rác” đầu tiên.

Khi đó ở thành phố này rác bị các hộ dân bỏ trên lề đường, vỉa hè lềnh bềnh như biển, tại các điểm trung chuyển rác chất như núi. Thấy có nhu cầu thu gom rác trong khi mình và nhiều người khác cần việc làm, thế là làm, mỗi hộ đóng góp 50 xu/tháng.

Từ đó đến nay, dân số thành phố tăng lên mấy lần, lượng rác thải tăng lên cả chục lần. Cứ nghe số lượng mấy ngàn tấn mỗi ngày là biết rồi, giờ còn chôn lấp ở Đa Phước chứ một vài năm nữa biết bỏ rác vào đâu. Tôi cho rằng phải có cách khác để xử lý rác.

Ở thành phố này bấy nhiêu năm, nghe nói khu quận 7, Phú Mỹ Hưng giàu đẹp xanh sạch mà tôi chưa có dịp sang chơi, giờ lại nghe nói họ cũng phải sống chung với mùi rác như khi chúng tôi đi làm. Nghe mà tội. Môi trường là của chung, không phân biệt giàu – nghèo nên tất cả phải cùng lo thôi.

Niềm vui tái chế

* Nhìn lịch làm việc của ông, mỗi ngày đi vòng đủ 15 phường ở quận 5 để nghe ý kiến bà con làm nhiệm vụ nghiệp đoàn trước khi thu gom “đường rác” của mình, thời gian ở nhà gần như dành trọn cho việc nghiên cứu tái chế, thấy có lẽ ông yêu nghề này lắm…

– Thật tình ai mà muốn làm nghề dơ bẩn, hôi hám, cực nhọc này, nhưng có nhu cầu thì vẫn phải có người làm. Cả vợ chồng cùng làm, riết rồi quen. Mấy mươi năm nghề nuôi gia đình mình, nuôi con cái mình học hành đàng hoàng thì 
thành gắn bó.

Mấy đứa con tôi đều đã có việc làm ổn định, đứa học phổ thông đi làm công nhân, đứa học tới thạc sĩ thì làm công ty nước ngoài. Chúng bảo tôi nghỉ việc, kinh tế gia đình chúng đã đủ khả năng nhưng còn sức, còn 200 hộ gia đình chờ mình mỗi ngày thì tôi vẫn làm, lại còn có trách nhiệm với anh em nghiệp đoàn nữa.

Làm nghề này đôi khi rất buồn vì thái độ của mọi người. Có người nhăn mặt, bịt mũi khi chúng tôi kéo xe ngang qua, có người quay mặt, tránh hướng khác, có người chỉ chúng tôi để dạy con: “Không chịu học lớn lên đi hốt rác”…

Tất nhiên anh em chúng tôi không mấy ai có niềm tự hào được học hành, nhưng nghề của chúng tôi là một nghề rất cần thiết, phải không?

* Hàng ngàn món đồ tái chế đã khiến ông nổi tiếng, mang lại cho ông nhiều giải thưởng, bằng khen treo đầy tường nhà, đưa ông đến với những cuộc triển lãm, báo chí, truyền hình… Thành quả đó chắc cũng đủ để ông hạnh phúc với nghề này rồi?

– Vâng, tôi có niềm vui riêng so với anh em đồng nghiệp là đam mê làm đồ tái chế. Gần 20 năm nay, đầu óc, tay chân tôi lúc nào cũng bận rộn với chúng. Suy nghĩ để phối hợp món này với món kia, tẩn mẩn để tận dụng từng chút vật liệu… Làm xong được một món đồ, thấy nó sử dụng được, từ vật phế thải thành vật có ích, thấy như mình khỏe ra.

Nhìn cái quạt, cây đèn, chiếc loa, đồng hồ của tôi xem, đã trở thành bạn tri kỷ với tôi rồi. Bà con nhiều người biết, có đồ trong nhà hư hỏng, họ không mang vứt nữa mà để dành đó, kêu tôi đến lấy. Bạn làm rác cũng vậy, thấy có gì có thể tận dụng họ để riêng, đưa cho tôi…

* Nhiều bạn trẻ cũng ham thích việc tái chế này, tên của ông được các bạn truyền đi, địa chỉ nhà ông cũng nhiều người tìm đến. Ông đã “truyền nghề” được cho bao nhiêu người rồi?

– Có nhiều em học sinh, sinh viên, giáo viên đã đến nhà tôi tìm hiểu, học hỏi cách làm, rất vui khi khám phá ra những vật liệu có thể tận dụng, kích thích sáng tạo. Nhưng qua đợt học, qua phong trào phát động, qua kỳ triển lãm lại thôi, không có ai chịu khó theo đuổi nữa, có lẽ vì thiếu thời gian, thiếu kiên nhẫn, thiếu đam mê.

Đồ dùng bây giờ cũng rẻ, không còn khó mua, khó kiếm như xưa nữa. Việc tái chế này với tôi bây giờ cũng mang ý nghĩa giữ môi trường, gắn bó với nghề nghiệp hơn là tận dụng, nói chi những người có công việc khác, thu nhập khá hơn.

Giúp được người nào, mừng người đó

* Tôi thấy chiếc xe máy ông đang đi cũng rất đặc biệt, có thùng y tế và cả hai bình xịt cứu hỏa. Câu chuyện nào của chiếc xe này?

– Mỗi ngày của tôi bắt đầu từ 6g sáng, đi từ quận 12 xuyên qua Gò Vấp, Phú Nhuận, quận 3, có khi qua Tân Bình, quận 10 mới tới quận 5, vòng suốt 15 phường đến chiều lại quay về quận 12.

Ngày nào cũng vậy, một năm chúng tôi chỉ nghỉ có sáng mùng 1 tết. Đường đi dài, có nhiều lúc gặp người bị té xe, bị tai nạn, cháy nổ…

Một lần, tôi bị máy ép rác kẹp vào ngón tay út, giập xương nát thịt. Bà xã luống cuống hốt hoảng, tôi phải cắn răng tự băng, xong việc mới đến bệnh viện. Lúc đó mới biết khi gặp tai nạn cần một người giúp đỡ, một người biết cách cấp cứu bên cạnh như thế nào.

Tôi có học qua khóa sơ cấp cứu, thùng thuốc y tế, bình cứu hỏa cũng là đồ tái chế. Tôi mua thuốc, bông băng bỏ vào, thiết kế chỗ trên xe… Vậy là đi, gặp chuyện là lao vô, giúp được người nào mừng người đó, tới đâu mừng tới đó.

* Điều gì là điều ông mong muốn bây giờ?

– Mong có sức khỏe, mà sức khỏe của tôi được như thế này trong môi trường độc hại mình phải tiếp xúc hằng ngày là mừng lắm rồi. Chúng tôi ai cũng phải hút thuốc dù biết là thêm độc hại nhưng vì mùi thuốc, khói thuốc giúp át đi mùi rác.

Điều thứ hai là mong cho anh em đồng nghiệp được quan tâm nhiều hơn. Bên cạnh khó khăn là chạnh lòng, dẫu gì rác dân lập cũng phụ trách thu gom hơn 70% lượng rác toàn thành phố, phí thu gom rác chúng tôi cũng phải đóng góp cho địa phương 10%, đóng phí ép rác của môi trường đô thị thành phố 10% nữa…

Hồi đầu tháng, tôi vừa thay mặt Nghiệp đoàn rác dân lập quận 5 gửi kiến nghị, đề nghị UBND TP điều chỉnh khoản thu phí gom rác quy định từ năm 2008 đến nay đã quá lạc hậu, bất cập; đề nghị có thêm chính sách cho anh em…

Điều thứ ba vẫn là tái chế. Tôi coi đó là một cách để bảo vệ môi trường. Nếu có thêm nhiều người, nhiều công ty chịu bỏ công, bỏ sức nghiên cứu làm để có sản phẩm thương mại thì sẽ bớt đi được nhiều chất thải, vật thải nguy hại, khó phân hủy, đỡ gánh nặng xử lý rác…

Sau những câu chuyện không đầu không cuối, chúng tôi bước ra khỏi căn nhà nhỏ ngập những vật dụng tái chế. Ông Thơm gọi với theo, đưa cho chúng tôi một hộp sữa đã được “hô biến” thành loa nghe nhạc: “Cầm cái này về nghiên cứu đi, nó là một lối ra cho những mối lo chôn rác đấy”.

Ông Tống Văn Thơm, chủ tịch Nghiệp đoàn vệ sinh dân lập quận 5, có gần 40 năm gắn bó với nghề, trực tiếp quản lý các đường dây thu gom rác dân lập ở 15 phường trong quận 5. Ông Thơm nổi tiếng về hàng ngàn món đồ tái chế trị giá bạc tỉ mà ông ngày đêm tỉ mẩn sáng tạo, cũng là gương mặt quen thuộc của các hoạt động xã hội vì môi trường.

Ông nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của nhiều cơ quan về tái chế rác thải, bảo vệ môi trường; được giải thưởng Thương hiệu xanh, được Tổ chức “Hành động vì môi trường & phát triển” ENDA, chương trình Doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam vinh danh…

Theo PHẠM VŨ/Tuoitre


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về người cả đời tâm huyết với rác