Công tác phòng chống thiên tai còn nhiều lúng túng

An Nhiên|29/03/2018 04:48
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp

(Moitruong.net.vn) – Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai năm 2018.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai năm 2018

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Tình hình thiên tai trong những năm vừa qua, nhất là thiên tai năm 2017 bất thường, diễn ra suốt cả năm, trên tất cả các vùng miền, tại những nơi ít xảy ra thiên tai lớn (như bão số 12 đổ bộ vào Khánh Hòa); với nhiều kỷ lục, trong đó có kỷ lục về số lượng cơn bão, áp thấp nhiệt đới (16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới), 22 đợt thiên tai có cấp độ rủi ro từ cấp 3 trở lên; lượng mưa có khu vực đạt 4.777mm/năm (Bắc Quang); tổng lượng mưa đợt lên tới 19 tỷ m3 (bão số 12), lưu lượng Hồ Hòa Bình ngoài mùa lũ đạt 16.520 m3/s với tổng lượng trên 1,4triệu m3 nước (tháng 10), lần đầu tiên vận hành 08 cửa xả đáy; xuất hiện 426 sự cố/170 km đê, kè và kỷ lục về nhiệt độ cao nhất trong mùa hè (420C) và nhiều bất thường của thiên tai khác.

Đặc biệt, tình trạng lũ quét và sạt lở đất đã và đang diễn ra ngày càng gia tăng đối với khu vực dân cư miền núi, khu vực khai thác khoáng sản, các tuyến đường giao thông, các công trình kinh tế – xã hội gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Bên cạnh đó, vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn có nguy cơ gia tăng do hạ thấp lòng dẫn nhiều tuyến sông chính nhất là trên hệ thống sông Hồng, sông Cửu Long; các khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao khi xuất hiện đợt hạn hán như đã xảy ra vào năm 2015 kéo dài đến giữa năm 2016.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị

Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng (gần 2.100 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển / 2.700 km trong đó có 91 điểm sạt lở nghiêm trọng), gây thiệt hại về tài sản; diện tích đất bị mất ngày càng tăng, bình quân một năm bị sạt lở 300ha đất ven biển.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, trong 20 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP và ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống cũng như các hoạt động kinh tế – xã hội, đồng thời tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước. Thiệt hại trên biển đã giảm, tuy nhiên thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi hiện có xu hướng gia tăng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận trong những đợt thiên tai lớn gần đây thiệt hại về người và cơ sở hạ tầng đang có xu thế gia tăng; thực tiễn công tác phòng chống thiên tai hiện nay đã và đang bộc lộ những tồn tại, hạn chế cũng như những thách thức. Tại nhiều địa phương, công tác phòng chống thiên tai còn lúng túng.

Trong khi đó phương án ứng phó thiên tai đã được xây dựng nhưng chưa thực sự sát với thực tế; Các kịch bản đặt ra còn mang nhiều tính lý thuyết, chưa dự báo được các sự cố thiên tai xảy ra dẫn đến việc ứng phó với sự cố thiên tai còn nhiều lúng túng, bất cập. Việc xác định các loại hình thiên tai chưa gắn sát được với các khu vực cụ thể chi tiết nên còn bị động trong việc phòng chống; Kế hoạch phòng chống thiên tai của các ngành, các địa phương còn mang nặng tính chung chung, hình thức khó triển khai ra ngoài thực tế.

Nguyên nhân của thực trạng này theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường có nguyên nhân chủ quan là một số địa phương còn có tình trạng chủ quan, chưa đánh giá hết mức độ nguy hiểm của thiên tai, còn nể nang, né tránh chưa kiên quyết trong việc đôn đốc, hướng dẫn, cưỡng chế người dân khi xảy ra thiên tai mưa lũ. Còn nhiều trường hợp, chính quyền địa phương vẫn để người dân khi có thiên tai mưa lũ chưa chịu di dời hoặc vẫn tham gia các hoạt động giao thông, đánh bắt thủy sản… tại vùng nguy hiểm.

“Hội nghị cần đánh giá toàn diện, sâu sắc tình hình thiên tai; thực trạng về công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả; những vấn đề tồn tại và bất cập cũng như đề ra các giải pháp toàn diện để giải quyết những vấn đề cấp bách và lâu dài nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong công tác phòng chống thiên tai” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ mong muốn.

An Nhiên


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác phòng chống thiên tai còn nhiều lúng túng