Đắk Lắk: Chủ động vệ sinh môi trường phòng chống sốt xuất huyết

13/10/2017 06:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Theo thông tin trên báo Đắk Lắk, từ tháng 7 đến nay, bệnh sốt xuất huyết (SXH) đã bùng phát tại nhiều địa phương trong tỉnh Đắk Lắk. Đặc biệt, từ đầu tháng 9, số người mắc SXH tăng gấp 7 lần so với những tuần trước đó. Thế nhưng, người dân trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thật sự chủ động trong việc phòng chống dịch bệnh này. Qua đó, chính quyền địa phương và ngành Y tế cần tuyên truyền người dân chủ động vệ sinh môi trường phòng chống SXH.

Đắk Lắk chủ động vệ sinh môi trường phòng chống sốt xuất huyết (ảnh báo Đắk Lắk)

Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho thấy, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 1.680 ca SXH tại 15 huyện, thị xã, thành phố với trên 50 ổ dịch, giảm khoảng 80% số ca mắc so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, số mắc mới tập trung nhiều ở TP. Buôn Ma Thuột, các huyện Cư M’gar, Buôn Đôn và Ea Kar. Tuy nhiên, trong thời điểm từ cuối tháng 7 đến nay, số lượng bệnh nhân tăng vọt.

Nếu như trước đây, mỗi tuần toàn tỉnh ghi nhận khoảng 10 trường hợp mắc bệnh thì nay mỗi tuần phát hiện gần 100 trường hợp. Điều đáng nói, trong khi bệnh SXH đang có dấu hiệu bùng phát thì ý thức người dân phòng chống dịch bệnh này lại rất hạn chế. Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, qua kiểm tra thực tế tại một số địa phương trong tỉnh đã phát hiện chỉ số côn trùng vẫn ở mức cao; tỉ lệ nhiễm bọ gậy vẫn tập trung nhiều ở chậu hoa, lốp xe, dụng cụ phế thải. Đặc biệt, càng ở các khu vực trung tâm như thành phố, thị xã, thị trấn, chỉ số côn trùng càng cao.

Trước tình hình bệnh SXH đang gia tăng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống: kiểm tra, giám sát tất cả các ổ dịch cũ, những nơi có nguy cơ cao, có dấu hiệu bùng phát dịch bệnh; giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ, thường xuyên điều tra chỉ số côn trùng, bọ gậy; chủ động tập huấn, tập huấn lại kiến thức về phòng chống SXH cho cán bộ y tế các tuyến từ tỉnh, huyện đến xã, thôn, buôn; tăng cường truyền thông nâng cao ý thức của người dân về phòng chống SXH.

Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực sẵn sàng tiếp nhận, chẩn đoán, điều trị cho người bệnh, hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong do SXH. Tuy nhiên, bác sĩ Phạm Văn Lào cũng cho rằng, bên cạnh hoạt động phòng chống SXH của ngành Y tế, mỗi người dân, hộ gia đình phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh, có như vậy mới khống chế được dịch bệnh bùng phát trở lại.

An Nhiên (th)

Bài liên quan
  • Đắk Lắk cấp bách chống hạn cho cây trồng
    Nắng nóng gay gắt kéo dài những ngày qua đã khiến nguồn nước tại nhiều ao, hồ, sông, suối trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sụt giảm nghiêm trọng. Thiếu nước tưới, hàng nghìn hecta cây trồng đang đối mặt với khô hạn, nguy cơ giảm năng suất hoặc mất trắng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Chủ động vệ sinh môi trường phòng chống sốt xuất huyết