Đan Phượng: Đẩy mạnh công tác quy hoạch làng nghề

(Theo T/C Môi trường và Cuộc sống)|27/04/2016 11:28
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Là một huyện ven đô ở phía Tây thành phố Hà Nội, huyện Đan Phượng có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Đặc biệt, với thế mạnh là địa phương tập trung nhiều làng nghề truyền thống đã tạo điều kiện giúp phát triển kinh tế trong toàn huyện.

Với 07 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Tạo công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời làm giảm nghèo, giữ vững trật tự an ninh xã hội, bảo tồn làng nghề, phát huy giá trị truyền thống và văn hóa của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Quang – Giám đốc Trung tâm phát triển công nghiệp huyện Đan Phượng chia sẻ: “Việc quy hoạch các làng nghề vào một tụ điểm là một trong những chương trình đã và đang được triển khai trên địa bàn huyện Đan Phượng. Mục tiêu phát triển kinh tế làng nghề gắn liền với công tác bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí được chú trọng hàng đầu”.

32Untitled

Cần sớm triển khai quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề.

Theo báo cáo tổng kết về “Kế hoạch thực hiện chính sách phát triển nghề và làng nghề năm 2015 và giai đoạn 2016 – 2020”, huyện Đan Phượng đã và đang triển khai một số đề án về việc xây dựng, quy hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề. Điển hình như “Đề án bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề Hà Nội giai đoạn từ năm 2010 – 2020”. Với việc triển khai các đề án, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề cũng rất được quan tâm chú trọng, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay trên địa bàn của huyện còn nhiều hộ chưa có mặt bằng sản xuất nên phải sản xuất ngay tại gia đình gây ô nhiễm môi trường, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, bờ đê… Điều này đã ảnh hưởng đến ATGT và hành lang bảo vệ đê điều, gây bức xúc trong nhân dân. Chính vì vậy, việc quy hoạch tập trung các làng nghề trong toàn huyện là yêu cầu cũng như mục tiêu phát triển của huyện trong thời gian tới.

Trong đó, theo quy hoạch đến năm 2020, huyện Đan Phượng tiếp tục mở rộng các cụm công nghiệp (CCN) Liên Hà, Liên Trung, Đan Phượng để các hộ doanh nghiệp có thể mở rộng sản xuất kinh doanh và chấm dứt hiện tượng vi phạm hành lang bảo vệ đê điều làm xưởng sản xuất, hỗ trợ đào tạo nhân lực, vốn kỹ thuật xây dựng các hệ thống xử lý nước thải, chất thải trong CCN, làng nghề; hỗ trợ việc xúc tiến thương mại, quảng bá hàng hóa sản phẩm trên thị trường.

Đồng thời, UBND huyện Đan Phượng cũng đã ban hành Quyết định số 2466/QĐ-UBND ngày 29/8/2014 thành lập Ban quản lý dự án mở rộng Cụm công nghiệp – TTCN làng nghề trên địa bàn toàn huyện để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch mở rộng các cụm công nghiệp.

Với phương án mở rộng và quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề của huyện thì hầu hết các chủ cơ sở của các làng nghề đều đồng tình ủng hộ và mong muốn có thể mở rộng được diện tích để có thể mở rộng quy mô phát triển các xưởng sản xuất.

 “Mong sao, chính quyền các cấp quan tâm quy hoạch để có thể tập trung các cơ sở thành một cụm công nghiệp, mở rộng diện tích mặt bằng cho các cơ sở. Quy hoạch tập trung, nghiên cứu giải pháp thu gom và xử lý các chất thải cần xử lý, xây dựng hệ thống xử lý đạt hiệu quả”. – Anh Nguyễn Đức Hà, xã Liên Trung chia sẻ.

Trong thời gian tới, việc mở rộng các Cụm công nghiệp, làng nghề, đồng thời, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường luôn là mục tiêu được huyện nỗ lực quan tâm chú trọng, tạo mọi điều kiện để thực hiện thành công các đề án xây dựng phát triển phương án quy hoạch Cụm công nghiệp đạt hiệu quả cao nhất.

(Theo T/C Môi trường và Cuộc sống)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đan Phượng: Đẩy mạnh công tác quy hoạch làng nghề