Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về địa chất và khoáng sản

19/07/2016 16:59
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Theo TN&MT)

(Moitruong.net.vn)Đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt ra trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản trong thời gian tới.
_MG_4471 resize
Ông Đỗ Cảnh Dương, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam

Ông Đỗ Cảnh Dương, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, Bộ đã hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản; trong đó, đã sửa đổi các quy định nhằm đơn giản hóa TTHC, tạo điều kiện phát triển khai thác khoáng sản nhưng vẫn quản lý chặt chẽ hoạt động khoáng sản. Đồng thời, Bộ đã rà soát Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; ban hành Thông tư số 01/2016/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về công tác thăm dò cát, sỏi lòng sông và đất, đá làm vật liệu san lấp; Thông tư số 11/2016/TT-BTNMT ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật công tác điều tra và thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất, đá các vùng miền Núi Việt Nam tỷ lệ 1/50.000.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua đã khoanh định, công bố 197 khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ thuộc 30 tỉnh, thành phố với 23 loại khoáng sản; xây dựng kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện các quyết định công bố khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ tại các địa phương. Tính đến ngày 25/6/2016, đã nghiệm thu 42 báo cáo tính tiền sử dụng số liệu, thông tin kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước với số tiền 613,736 tỷ đồng; phê duyệt 13 báo cáo tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền phải thu là 464,9 tỷ đồng. Có 31 tỉnh, thành phố phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền là 1.393,9 tỷ đồng. Theo báo cáo từ Tổng cục Thuế, từ đầu năm đến nay ngân sách Nhà nước đã thu 2.572 tỷ đồng. Công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về khoáng sản tiếp tục được tăng cường tập trung vào hoạt động khai thác cát, sỏi theo giấy phép và thu hồi cát từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch.

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên cả nước, Bộ sẽ rà soát, xây dựng và ban hành bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết, Chiến lược, Chương trình, Chỉ thị, đề án, nhiệm vụ về khoáng sản; Tiếp tục thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản; khoanh định và công bố khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ để giao các địa phương quản lý. Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước. Tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản; kiểm soát có hiệu quả sản lượng khai thác; hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Đồng thời, Bộ sẽ đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, đặc biệt là điều tra địa chất, khoáng sản biển, môi trường địa chất, tai biến địa chất. Triển khai hợp tác quốc tế trong điều tra địa chất, khoáng sản biển sâu; lập bản đồ địa chất, khoáng sản, khu vực địa chất tai biến; bản đồ chuyên đề phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh. Đánh giá tiềm năng tài nguyên từng loại, nhóm khoáng sản quan trọng, đặc biệt là trong các cấu trúc địa chất, có triển vọng khoáng sản đến độ sâu 500m và một số vùng đến 1000m phục vụ thăm dò, khai thác, chế biến và dự trữ quốc gia. Hợp tác thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản ở nước ngoài phục vụ nhu cầu trong nước. Tăng cường quản lý và điều tra di sản địa chất, công viên địa chất. 


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về địa chất và khoáng sản