ĐBQH Trần Hồng Hà: Cần nâng cao đời sống của cán bộ trong các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài

Theo Monre|27/10/2017 07:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Cần tập trung toàn lực để xử lý các điểm nóng về môi trường

(Moitruong.net.vn) – Phát biểu tại phiên Thảo luận Tổ chiều 26/10 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Đại biểu Trần Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị: Cần nâng cao đời sống của cán bộ trong các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hơn để phù hợp với đời sống ở các nước đó.

>>> Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Cần tập trung toàn lực để xử lý các điểm nóng về môi trường

bo truong

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà – Đại biểu đoàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát biểu tại phiên Thảo luận Tổ 

Về quy định nhiệm kỳ 3 năm của các Đại sứ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng ông có cảm giác họ không đủ thời gian. Vì theo Bộ trưởng các Đại sứ sang nước bạn thì hầu như trong năm đầu tiên là đi chào hỏi, làm quen công việc. Vì vậy, theo ông, nhiệm kỳ 3 năm là quá ngắn.

Đại biểu – Bộ trưởng Trần Hồng Hà phân tích: Nhiệm vụ của Đại sứ là rất quan trọng. Có những nhiệm vụ cần nhiều thời gian để giải quyết. Nhưng do hết nhiệm kỳ nên khi người khác đến thay thế, có khi nhiệm vụ đó gần như lại quay lại từ đầu.

“Vì vậy tôi đề nghị nên xem xét nhiệm kỳ Đại sứ. Có lẽ đối với những vùng lãnh thổ, những nước có nhiệm vụ chiến lược ngoại giao… tôi đề nghị xem xét kéo dài nhiệm kỳ Đại sứ có thể từ 3 năm lên đến 4 năm sao cho phù hợp để có thể hoàn thành nhiệm vụ trong một nhiệm kỳ của Đại sứ” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Về tiêu chuẩn Đại sứ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, theo suy nghĩ của ông, Việt Nam đang dần dần tiêu chuẩn hóa. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, với các nước có mối quan hệ mật thiết, chính trị, chiến lược với chúng ta như các nước láng giềng… cấp để cử Đại sứ phải là Thứ trưởng.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng, với các nước có mối quan hệ hợp tác kinh tế đang rất phát triển, mà chúng ta thấy tiềm năng cần thúc đẩy quan hệ ngoại giao lên, thì tôi thấy chức danh của người quan trọng nhất cần phải có được năng lực, có được kinh nghiệm để triển khai thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế, ngoại giao ở đó.

Lấy ví dụ như ở Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa liên bang Nga hiện nay mới là cấp Vụ trưởng, Bộ trưởng đề nghị ở nước này, chúng ta nên cử Đại sứ ở cấp Thứ trưởng.

Hay nói cách khác, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cần cân nhắc để làm sao chúng ta có thể cử cấp Đại sứ đi một số nước với chức danh và tiêu chí của các Đại sứ sao cho phù hợp đối với mối quan hệ của nước ta đối với từng Quốc gia đó.

Một trong những việc hết sức quan trọng đó là bên cạnh nghiệp vụ về mặt đối ngoại, việc hiểu ngôn ngữ, văn hóa bản địa của quốc gia mà các Đại sứ đảm nhận nhiệm vụ thì họ sẽ thành công… vì vậy, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong dự án Luật cũng cần làm rõ hơn tiêu chí hiểu biết ngôn ngữ, văn hóa bản địa của đất nước mà các Đại sứ công tác.

Về xây dựng các tòa Đại sứ quán của Việt Nam tại các nước, theo Bộ trưởng, nếu cứ theo quy định, quy trình của chúng ta thì khó có thể nhanh chóng xây dựng được Tòa đại sứ nào khi cần. Vì vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, thủ tục đầu tư… của nước bạn để chúng ta có thể xây dựng tòa đại sứ ở đó nhanh chóng.

bo truong1

Quang cảnh buổi Thảo luận Tổ chiều 26/10 tại Tổ 16 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Quảng Nam, Bến Tre, Bắc Kạn và Bà Rịa – Vũng Tàu

Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng kiến nghị Nhà nước cần mua đất tại Quốc gia đặt Sứ quán để xây dựng. Vì theo Bộ trưởng, làm như vậy chúng ta sẽ xây dựng trên đất có chủ quyền của chúng ta luôn. “Theo tôi làm như vậy sẽ rẻ hơn rất nhiều nếu chúng ta đi thuê nguyên một tòa đại sứ – chúng ta nên thể hiện tinh thần này” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có rất nhiều cơ quan đại diện Thương mại, Khoa học công nghệ, Quân sự… ở các nước trên Thế giới. Và hiện nay đại diện này đang nằm trong sự quản lý thống nhất của Đại sứ quán.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, có lẽ cần phải làm rõ hơn về vấn đề thống nhất quản lý tài chính. Bởi vì cơ quan đại diện thương mại thì họ có thể thống qua rất nhiều cơ chế linh hoạt đặc biệt là những đặt hàng của các doanh nghiệp trong nước.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất: trừ phần ngân sách Nhà nước mà chúng ta quản lý thống nhất và điều hành bởi Đại sứ quán, còn với các nguồn ngân sách không phải từ nhà nước, trong trường hợp này, Bộ trưởng đề nghị nên để Đại sứ quán có sự điều hành, sử dụng một cách linh hoạt.

Bởi vì, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà nếu cứ quản lý theo kiểu quy định đơn giá, định mức nhất định thì sẽ rất kìm hãm và hạn chế các hoạt động đặc biệt là hoạt động thương mại tại các nước. “Vì vậy, tôi xin đề nghị với các nguồn ngân sách không phải từ nhà nước, chúng ta nên giao các tổ chức khác tự chủ, tự chịu trách nhiệm quản lý…” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiến nghị.

Đề cập đến chế độ với các Đại sứ và cán bộ, nhân viên các cơ quan Đại diện Việt Nam tại nước ngoài, Bộ trưởng cho rằng dù các chế độ chính sách đã thay đổi rất tích cực.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, qua những chuyến đi công tác nước ngoài, tiếp xúc và lắng nghe các cán bộ ngoại giao của chúng ta ở nước ngoài, ông thấy rằng cần đánh giá từng đất nước, mức sống của nước mà cán bộ của chúng ta thực hiện như thế nào để có thể quy định mức lương phù hợp nhất để cho đời sống của cán bộ trong các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài dễ chịu hơn.

“Bởi vì chúng tôi biết mức lương của chúng ta đối với cán bộ các cơ quan ngoại giao cách rất xa, rất lớn… đối với mức sống ở nơi đó nhất là các nước Châu Âu, Bắc Âu và một số nước châu Mỹ. Tôi nghĩ, không nên để đời sống của cán bộ trong các cơ quan đại diện của Việt Nam chật vật. Tôi kiến nghị cần nâng mức thu nhập cho họ lên sao cho phù hợp với chế độ tài chính của từng đất nước sao cho phù hợp hơn” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiến nghị.

Theo Monre

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH Trần Hồng Hà: Cần nâng cao đời sống của cán bộ trong các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài