Đến Bình Phước thưởng thức hương vị cơm lam của đồng bào S’tiêng

16/03/2018 08:52
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) Cuộc sống của đồng bào S’tiêng ở Bình Phước gắn bó với núi rừng, nương rẫy nên có những nét văn hóa ẩm thực độc đáo, giàu bản sắc. Trong những món ăn, thức uống “đậm chất núi rừng” nhưng không kém phần cầu kỳ ấy, không thể không nhắc đến rượu cần, canh thụt, đọt mây nướng và cơm lam…

Món cơm lam mang đặc trưng của đồng bào S’tiêng

Trước đây, do tập quán sống du canh du cư, đồng bào S’tiêng Bù Đốp đã tận dụng những ống tre, nứa có sẵn trong rừng để nấu những hạt gạo mà họ mang theo trong suốt mùa làm. Thứ cơm họ nấu giúp chắc bụng hơn các món ăn khác, đáp ứng các công việc nặng hằng ngày. Cơm lam cũng xuất phát từ đó, bắt đầu chỉ là món ăn dân dã gắn liền với cuộc sống của đồng bào nơi đây, nay đã trở thành đặc sản truyền thống, khác hẳn với cơm lam vùng Tây Bắc hay của người Lào.

Nguyên liệu để có một ống cơm lam dẻo thơm, đó là ống nứa non có lớp màng mỏng bên trong chuyên dùng để làm cơm và loại gạo nếp nương hạt đều, trắng mịn, dẻo thơm. Ngoài ra để tạo sự riêng biệt có thể bổ sung đậu đen, đậu xanh… làm tăng tính hấp dẫn và hương vị cho cơm lam thành phẩm.

Công đoạn làm tuy không khó nhưng đòi hỏi sự kỳ công, không nóng vội mới có được một ống cơm lam thơm ngon. Đầu tiên, đồng bào ngâm và vo gạo sạch, cho gạo và các loại đậu đen, đậu xanh (nếu có) vào ống nứa. Ống nứa cắt từng gióng, tùy theo đoạn dài ngắn, bình quân mỗi ống khoảng 50 – 60cm. Một mắt ống nứa cắt đi, một mắt còn lại để nguyên. Sau khi bỏ gạo phải đổ nước vào ống nứa ngâm trực tiếp, dùng lá chuối nút ống nứa lại. Khoảng 30 phút sau khi ngâm gạo, mang ống cơm lam ra nấu trên bếp than củi. Điều quan trọng lúc nấu cơm là phải biết điều chỉnh ngọn lửa cho đều và xoay lật ống nứa luôn tay, không làm ống bị cháy để hạt gạo chín đều, dẻo, thơm ngon.

Khi thấy cơm lam chín thì nhấc ra khỏi bếp, để nguội, dùng dao róc vỏ ống cơm thật cẩn thận, để lại lớp vỏ mỏng, sau đó cắt phần mắt còn lại của ống và dùng tay tước vỏ ngược lên đằng miệng ống để giữ được nguyên vẹn lớp màng cơm lam. Chính lớp màng ống nứa này, kết hợp với gạo trắng, nước trong tạo nên vị thơm ngon của cơm.

Già làng Điểu Chơn ở thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng cho biết: Đời sống ngày càng phát triển, thị trường xuất hiện nhiều món ẩm thực đặc trưng của các vùng miền, thế nhưng cơm lam vẫn là món ăn truyền thống, mang đậm nét đặc trưng riêng có của đồng bào S’tiêng. Không chỉ vậy, cơm lam còn mang nhiều ý nghĩa tâm linh. Đồng bào S’tiêng quan niệm, nhờ mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, mới có được hạt gạo nếp dẻo thơm để làm cơm lam.

Không chỉ làm say đắm lòng người bởi tiếng nhạc cồng chiêng, đồng bào S’tiêng còn khéo léo làm ra những đặc sản mang đậm hương vị của núi rừng biên giới. Và món cơm lam thể hiện sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên nơi đây. Trong mâm cỗ đón xuân của đồng bào nơi đây, chắc chắn không thể thiếu cơm lam – món ăn đậm đà hương vị của dân tộc S’tiêng.

Linh Lan (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đến Bình Phước thưởng thức hương vị cơm lam của đồng bào S’tiêng