Điện Biên: Vẫn còn những con người yêu đất, yêu rừng

11/07/2016 10:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

– Năm 2015, độ che phủ rừng tỉnh Điện Biên chỉ đạt 38,5%, một con số đáng báo động về thực trạng quản lý và bảo vệ rừng khu vực đầu nguồn. Nhiều chính sách, chương trình, dự án trồng rừng được tỉnh Điện Biên đề ra nhưng hiệu quả không cao. Song, vẫn còn có những tấm gương âm thầm trồng rừng, giữ rừng trong “hành trình” trả lại màu xanh cho đất. Tuy nhiên cũng phải thắng thắn một điều, để có được tỷ lệ che phủ rừng vượt con số 40% thì Điện Biên sẽ phải nỗ lực nhiều.

Một góc rừng Điện Biên đã xanh trở lại
Một góc rừng Điện Biên đã xanh trở lại

Vay của rừng… Ai là người trả?

Vay của rừng… Ai là người trả? Câu hỏi được đặt ra trong bối cảnh Điện Biên mất rừng dường như là quá muộn. Nhưng dẫu muộn cũng còn hơn không. Song để chỉ mặt đặt tên ai là người phải đứng ra chịu trác nhiệm “trả nợ rừng” thì e là quá khó, khi mà người ta đã đua nhau “vay nợ” từ rừng. Từ các công trình thủy điện, thủy lợi với quy mô lớn, nhỏ mọc lên như nấm cho đến những nhát dao thô sơ của đồng bào “trảm rừng” để lấy đất gieo, trồng canh tác. Ai sẽ là người “trả nợ” cho rừng? Rất khó để quy trách nhiệm rõ ràng đen – trắng. Song khoản “vay” trên đã đến lúc phải có người đứng ra lo “trả”. Không ai khác, ngoài chính quyền địa phương tỉnh Điện Biên, đã đến lúc cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên trả lại màu xanh cho đất, cho rừng.

Với kiến tạo địa hình, Điện Biên có trên 70% diện tích đất có độ dốc cao, nên rừng của địa phương này giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều tiết nước vùng hạ du, duy trì dòng chảy ngăn chặn sự bồi lấp cho các lòng hồ, sông, suối. Hiện toàn tỉnh có khoảng 814.000ha đất lâm nghiệp, bao gồm 367.469,51ha đất có rừng. Trong đó, 153.341,74ha rừng phòng hộ đầu nguồn. Riêng huyện Điện Biên với diện tích rừng hiện có là 81.521,58ha. Trong đó, 51,2% là rừng phòng hộ đầu nguồn cung cấp nước cho các hồ chứa Pa Khoang, Pe Luông, hồ Hồng Sạt… và dòng sông Nậm Rốm phục vụ tưới tiêu cho trên 140km2 của cánh đồng Mường Thanh, đem lại mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi phục vụ sản xuất nông nghiệp cho địa phương này.

Không chỉ thế, Điện Biên nằm ở khu vực đầu nguồn 3 con sông lớn của cả nước: sông Đà, sông Mã và sông Mê Kông. Riêng lưu vực sông Đà chạy qua các địa phận huyện Mường Nhé, Mường Chà, Tủa Chùa, Tuần Giáo và TX. Mường Lay có diện tích khoảng 5.300km2, chiếm 55% diện tích tự nhiên toàn tỉnh Điện Biên. Sông Đà có lưu lượng nước lớn, cung cấp 31% lượng nước cho sông Hồng. Năm 1994, Nhà máy Thủy điện Hoà Bình có công suất 1.920 MW với 8 tổ máy được vận hành và là một nguồn tài nguyên thủy điện lớn cho ngành công nghiệp điện Việt Nam. Chính vì ở vị trí đầu nguồn nên rừng của Điện Biên góp phần hết sức quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ công trình thuỷ điện lớn trên sông Đà và điều tiết dòng chảy cho các vùng hạ du….

Rừng Nà Nhạn
Rừng Nà Nhạn

Việc hệ thống các công trình thủy điện chạy dọc theo các lưu vực sông Đà, sông Mã, sông Mê Kông đã chứng minh việc con người chinh phục thiên nhiên. Bắt thiên nhiên ra sức phục vụ lợi ích của con người; hàng triệu nóc nhà có nguồn điện chiếu sáng, sản xuất nhiệt điện phục vụ ngành công nghiệp nặng, nhẹ khác nhau trong khu vực và vĩ mô toàn quốc. Không thể phủ nhận những nỗ lực, cố gắng của con người trong việc chinh phục thiên nhiên. Song không thể phủ định việc những con đập được dựng lên, theo đó là những cánh rừng cũng “vơi” đi và ngập trong biển nước. Từ đó, mà hệ lụy “vay – trả” được hình thành. Ngay cả khu rừng đầu nguồn suối Nậm Khẩu Hú (khoảnh 9, tiểu khu 686) thuộc địa bàn xã Huổi Un, xã Mường Pồn; nơi giáo ranh với 3 xã: Mường Pồn, Nà Nhạn, Nà Tấu (huyện Điện Biên) – cách TP. Điện Biên Phủ khoảng hơn 30km cũng phải “đổ máu” vì mục tiêu của công trình.

Nhưng đó là những câu chuyện của ngày đã qua, hiện Điện Biên chỉ còn một giải pháp duy nhất để cứu hàng nghìn héc – ta đất không bị sa mạc hóa, đó là phải “trả nợ” cho rừng. Trong tương lai, Điện Biên rất cần một lộ trình rõ ràng trong việc phát triển, bảo vệ và trồng rừng. Để làm được điều này, ngoài chiến lược thì không thể thiếu đi lòng quyết tâm và nghị lực của cả hệ thống chính trị, toàn bộ quân và dân tỉnh Điện Biên.

Rừng trồng thay thế tuyến đường Nà Nhạn - Mường Phăng
Rừng trồng thay thế tuyến đường Nà Nhạn – Mường Phăng

Giải pháp nào cũng không thể thiếu ý chí và nghị lực

Đứng trước nguy cơ sa mạc hóa đất đồi và rất nhiều hệ lụy, hậu quả từ việc mất rừng, Điện Biên cần có một giải pháp đủ mạnh về thể chế, coi nhiệm vụ giữ rừng, trồng rừng là một trong những mục tiêu có tính chiến lược lâu dài và quyết liệt.

Hiện nay, Điện Biên có 13 công trình phải trồng rừng thay thế, với diện tích 395,959ha, gồm Dự án Công trình Thủy điện Sơn La; thủy điện Lai Châu; Dự án đầu tư xây dựng công trình 500KV Sơn La – Lai Châu; Dự án Nậm Núa; Dự án Thủy điện sông Đà đang triển khai ngăn dòng sông Mã tại địa phận xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông… và còn nhiều dự án quy mô nhỏ khác nhau. Song địa phương này cũng đưa vào lộ trình 6 tháng cuối năm 2016, mục tiêu trồng mới 474,02ha. Trong đó, 441ha rừng phòng hộ, 33,02ha rừng trồng thay thế.

Trên thực tế đã có không ít các doanh nghiệp không thực hiện trồng bù rừng như đã cam kết. Điều này đã khiến không ít địa phương, gian nan trong việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch trồng bù rừng tại các vị trí mà dự án công trình đã lấy đi rừng của họ. Chia sẻ điều này, ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, chua sót: “Sa mạc hóa đang trở thành mối hiểm họa đối với tỉnh Điện Biên. Vấn đề đặt ra là khắc phục tình trạng này như thế nào? Không có cách nào khác là con người lấy đi của tự nhiên những gì thì phải trả lại cho tự nhiên thứ đó.”

Theo kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011 – 2020 đặt ra mục tiêu nâng độ che phủ rừng lên 41,5% vào năm 2020. Đây là bài toán khó cho các cấp các ngành quản lý bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên. Song, khó không có nghĩa là không làm được. Để đạt được mục tiêu nâng độ che phủ rừng lên 41,5% vào năm 2020, yêu cầu bắt buộc tỉnh Điện Biên phải tìm ra những giải pháp thiết thực và hiệu quả triển khai thực hiện các cơ chế chính sách hiện hành về thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp. Cùng với đó, thay đổi cơ chế, chính sách về suất đầu tư trồng rừng. Khẩn trương giao đất giao rừng cho các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc đụng để làm cơ sở giao kế hoạch trồng rừng hàng năm…

Ngoài ra, Điện Biên phải làm tốt công tác tuyên truyền bảo vệ và phát triển rừng tới người dân. Song song với đó, thực hiện tốt việc chi trả dịch vụ môi trường rừng để người dân thấy được lợi ích từ rừng, sống được nhờ rừng…. Bên cạnh đó, Điện Biên có chế tài đối với các doanh nghiệp chây ỳ không thực hiện phương án trồng bù rừng như đã cam kết.

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Điện Biên (trong buổi làm việc ngày 16/6/2016) xây dựng chương trình riêng về nông nghiệp, lâm nghiệp; chương trình bảo vệ rừng coi đấy là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của chính quyền các cấp mới có thể tạo được chuyển biến. Trên cơ sở Quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ triển khai giao trách nhiệm quản lý Nhà nước tới các cấp, các ngành.

Rõ ràng vai trò của những người đứng đầu trong các bộ máy quản lý nhà nước của tỉnh Điện Biên trong việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát từ khâu lập kế hoạch cho đến khâu thực hiện là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, đối với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc giữ rừng và bảo vệ rừng. Trước mắt, Điện Biên cần nhân rộng các mô hình nông, lâm kết hợp để người dân tham gia và thấy được lợi ích hiệu quả từ rừng. Sẽ không quá khó nếu tất cả những người ngồi trên ghế trách nhiệm gỡ khó thay vì chỉ biết kêu khó thì không bao lâu rừng Biện Biên sẽ phủ trống đất đồi.

Ông Lò Văn Miên bên khu vườn của gia đình
Anh Lò Văn Miên, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên bên khu vườn của gia đình

Nhân lên các điển hình tiên tiến

Trong khi nhiều diện tích rừng ngày càng bị hủy hoại, nhiều đề án trồng rừng không đem lại hiệu quả, người dân không mặn mà với việc trồng rừng vì suất đầu tư quá thấp. Điện Biên vẫn còn những con người yêu đất, yêu rừng. Nếu vỡ hoang đất là niềm vui của đời cha thì tận thu lâm sản niềm hãnh diện của đời con. Họ chẳng cần đến những dự án gieo bay, bay gieo ngốn hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước. Họ cũng chẳng phải là những nhà khoa học, hoạch định kinh tế vĩ mô… Họ đã biết yêu đất từ nỗi nhọc nhằn mà làm nên kỳ tích, thay đổi chính cuộc đời mình.

Anh Lò Văn Miên, bản Ten, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. chia sẻ: Gia sản của mình không có gì ngoài mấy chục héc – ta rừng. Cách đây khoảng 16 năm, mình nhận 45ha rừng để khoanh nuôi, bảo vệ và trồng xen canh các giống cây gỗ trồng quý, có giá trị kinh tế cao. Mình dành 10ha để quy hoạch phát triển trang trại, trồng cây ăn quả, lấy nước khe đào ao thả cá.

Mình tính phải trồng cây ăn quả ngắn ngày để “lấy sức” nuôi rừng dài ngày. Trồng rừng thì không thể ăn sổi. Giờ thì đỡ rồi… mình thuê 10 lao động ở bản lên phụ giúp rồi mình trả họ công. Đấy, việc chỉ có thế thôi. – Anh Miên kể.

Câu chuyện của anh Miên đúng là chỉ có thế. Nhưng chúng tôi hiểu sau câu chuyện ấy là cả một quyết tâm, nghị lực vượt khó và anh đã biết gửi ước mơ và tình yêu vào đất, vào rừng cho thế hệ mai sau. Điện Biên không thiếu những gương trồng rừng như hộ anh Miên và cả những tập thể chăm sóc, bảo vệ rừng rất tốt. Xã Nà Tấu, huyện Điện Biên là một điển hình.

Ông Lò Văn Khụt, Trưởng ban Hua Luống đang trồng rừng
Ông Lò Văn Khụt, Trưởng ban Hua Luống, xã Nà Tấu, huyện Điện Biên đang trồng rừng

Ông Lò Văn Khụt, Trưởng bản Hua Luống, xã Nà Tấu, cho biết: Năm 2015, bản Hua Luống đã trồng được trên 11ha rừng. Năm 2016, bản tiếp tục nhận trồng khoảng 15ha. Toàn bộ diện tích trên đều nằm vị trí xung yếu, có vai trò phòng hộ đầu nguồn. Nhận thấy được việc mất rừng gây lại những hậu quả nghiêm trọng, toàn thể bà con trong bản đã tích cực trong việc trồng và chăm sóc rừng. Một phần là để hạn chế lũ lụt gây xói mòn, rửa trôi đất, một phần cũng là để duy trì nguồn nước để sản xuất nông nghiệp.

Còn ông Quàng Văn Sơn, Chủ tịch xã Nà Nhạn, chia sẻ: Từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thì người dân đã nhận thức được lợi ích, vai trò của việc chăm sóc bảo vệ rừng. Năm 2015, xã Nà Nhạn đã tổ chức trồng được trên 28ha rừng phòng hộ; năm 2016 trồng được 40ha (trong đó có 4,6ha rừng thay thế của công trình tuyến đường Nà Nhạn- Mường Phăng). Đến nay, trên 2.400ha rừng của Nà Nhạn đủ tiêu chuẩn để chi trả dịch vụ môi trường rừng. Độ che phủ rừng đạt 49%. Nà Nhạn trở thành xã dẫn đầu trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của huyện Điện Biên.

Điểm qua vài câu chuyện ngắn trồng rừng tại Điện Biên cho thấy người dân đã nhận thức phần nào vai trò và trách nhiệm cũng như lợi ích từ việc chăm sóc, bảo vệ rừng. Các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là động lực quan trọng để các tập thể, cá nhân tham gia trồng rừng, giữ rừng. Song có một điều rất phũ nhưng mà thật: Người dân chỉ yêu rừng khi họ thấy được lợi ích từ rừng và sống được nhờ rừng. Trong tương lai, dẫu chủ rừng là hộ cá nhân, cộng đồng hay tập thể thì chính quyền các cấp của tỉnh Điện Biên cũng đừng để họ “đơn phương” trong cuộc chiến giữ rừng.

Theo Tài Nguyên và Môi trường


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Vẫn còn những con người yêu đất, yêu rừng