Độc đáo Lễ khấn Tết lại của người Mường

19/02/2018 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Lễ khấn Tết lại một trong những nét văn hóa cổ xưa mang đặc trưng riêng biệt của người Mường ở Hưng Thi, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.

MâmcúngtrongLễkhấnTếtlạicủangườiMường

Hằng năm, ngoài việc thờ phụng gia tiên trong dịp Tết Nguyên đán thì các chi tộc người Mường ở Hưng Thi còn tiến hành một lễ Tết đặc biệt là Tết lại với mục đích thờ các Kem (quân hầu của vua trời). Theo thông lệ, lễ Tết này được tổ chức vào ngày mùng Bốn tháng Giêng Âm lịch.

Đối tượng thờ trong Lễ khấn Tết lại là Kem và các vị thần thổ công, thành hoàng làng. Theo thầy trượng (người khấn) Bùi Văn Cường (xã An Bình, huyện Lạc Thủy), Lễ khấn Tết lại được trình bày lần lượt theo các bước là:

Trình bày lí do (hay còn gọi là lời dò hỏi): Sau khi có lời mời đến các thần thì thầy khấn phải hỏi xem các vị có ở đền ở chùa hay không? Thầy khấn sẽ tự đưa ra các giả thuyết xem vị nào có thể đi làm công việc gì hay đi chơi ở đâu để còn mời họ về đền về chùa. Sở dĩ như vậy là vì người Mường có quan niệm “trần sao âm vậy”. Nghĩa là người trần làm gì, ăn gì, đi đâu thì thần (hoặc người đã chết) cũng như vậy. Nếu thầy khấn không dò hỏi kỹ thì sẽ xảy ra trường hợp các thần không có ở đền chùa, thì Lễ khấn sẽ không có tác dụng.

Mời Kem, thần về: Khi đã chắc chắn các thần có ở đền chùa, thầy khấn bắt đầu mời các thần lấy áo đồi mồi, áo da, lược ngà, trầu cau… để mang đi ăn trên đường đến nhà con cháu. Các thần ăn vận xong thầy khấn mời lần lượt từng vị một theo chức sắc, thứ bậc về gia đình gia chủ để ăn Tết.

Mời ăn: Khi đã mời thần ngồi vào mâm xong, thầy khấn phải hỏi xem thần đã về thật, về đông đủ chưa bằng cách xin cảo đến (xin âm dương). Nếu xin được cảo thuận theo đúng lời thỉnh cầu thì lúc đó thần đã về. Nhưng nếu cảo không thuận theo lời thỉnh cầu thì thầy khấn phải trình bày lại lý do hoặc khấn lại đoạn đi đường để mời thần về. Nếu thần vẫn chưa về thì thầy khấn phải đi mời lại rồi xin cảo. Trong quan niệm người Mường, nếu thầy khấn chưa xin được cảo để chứng minh thần đã về thì coi như việc khấn Tết lại năm đó không có tác dụng. Vì vậy, nếu khấn lại nhiều lần mà vẫn không xin được cảo thuận thì gia chủ phải mời thầy khấn khác (trường hợp này ít xảy ra) để mời bằng được các thần về.

Khấn mời thần bênh: Khấn mời thần bênh là khấn cho gia chủ năm mới sắp đến làm ăn phát đạt, sức khỏe dồi dào, học tập tiến tới… Do tục truyền miệng nên phần khấn thần bênh được các thầy khấn sáng tạo và chỉnh sửa cho phù hợp với văn hóa đương thời.

Tiễn đưa: Sau khi khấn thần bênh xong, thầy khấn sẽ khấn mời các thần ăn. Đầu tiên, thầy khấn mời thần ngồi quanh mâm và ăn trầu trên mâm bàn nhà con cháu. Theo đó, trong bữa ăn này, tổ tiên sẽ ăn lần lượt từ đồ chay như bánh ít, bánh y, bánh lá, bánh trôi, chè lam, cam nghia, mía chuối… đến đồ mặn như thịt lợn, cá, gà… Sau khi thần ăn xong, thầy khấn mời các thần trở về đình Lũ đình Lão rồi kết thúc lễ khấn.

Lễ khấn thường được làm ở gian chính của nhà sàn. Trong suốt quá trình làm lễ, tất cả mọi người trong chi tộc sẽ ngồi bên dưới để nghe và hầu Kem, hầu thần.

Sau khi đã hoàn thành phần lễ, các chi tộc sẽ tiến hành “thụ lộc”. Lúc này, mọi người quây quần bên bếp lửa với bình rượu cần để vừa ăn uống vừa chúc tụng nhau.

Qua quá trình lịch sử, đồ lễ để thờ trong mỗi dịp Tết lại có sự biến đổi ít nhiều. Thế nhưng, dù có biến đổi đến đâu thì trên mâm thờ của Lễ khấn Tết lại không thể thiếu những đồ thờ vừa mang đậm chất văn hóa Việt như bánh chưng, bánh giầy, cùng với những đồ lễ mang đậm chất văn hóa Mường như rượu cần, bánh ít… Ngoài những đồ lễ bắt buộc trên thì mỗi chi tộc sẽ chọn một con vật như gà, cá, lợn… để làm đồ cúng trong lễ mặn.

Đã bao đời nay, Lễ khấn Tết lại vẫn được duy trì trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường. Nó trở thành một nét đẹp văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây.

Bùi Niên


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo Lễ khấn Tết lại của người Mường