(Moitruong.net.vn) – Cứ vào tháng Chạp, khi người dân quê tôi lục tục kéo nhau đi tảo mộ cũng là lúc mía vào mùa thu hoạch. Những cánh đồng mía bạt ngàn, trải dài ngút mắt, thân ưỡn thẳng lên trời cao để đón nắng vàng. Cây nào cũng cao tầm 2m trở lên, mập ú, với từng đốt tím xanh trông rất thích mắt. Mía chẳng những là nguồn kinh tế chủ lực mà còn là cây công nghiệp quyết định việc ăn Tết lớn hay nhỏ. “Trúng mánh”, tất sẽ ăn Tết to. Nhưng thất vụ, đành ngậm ngùi vui xuân nho nhỏ.

Mía không chỉ là nguồn kinh tế chủ lực mà còn định việc ăn Tết lớn hay nhỏ

Để có được những bãi mía xanh rì thì người dân phải vất vả cả năm trời chứ chẳng chơi. Ngay khi đầu tháng Giêng, bỏ qua câu nói “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, người quê tôi lo cuốc liếp, bồi bùn, lột ngọn để trồng mía vụ mới. Mía kháng sâu bệnh rất tốt, nhưng nếu trồng nhiều vụ liên tục thì đất cằn cỗi, không đủ chất dinh dưỡng cho cây mía to béo, mà èo uột, gầy nhom, lớn không nổi. Vì thế phải nhờ đến phân urê bón góc lúc mía độ 2 gang tay.

Cực nhất là mía được vài đốt, rũ lá già nua. Cần phải thuê người hoặc tự làm công việc lột lá cho mía thay áo mới, vượt ngọn lên cao. Công đoạn này hầu như người làm nông đều thấy oải. Thật sự chẳng nặng nhọc gì, nhưng vừa ngồi vừa đi là một chuyện vô cùng khó khăn. Bởi lột lá mía lúc cây còn thấp thì không thể nào đứng được. Đó là chưa nói việc lá mía cắt tay, lông lá mía già châm vào da, khó chịu vô cùng. Dù có mang bao tay, quấn khăn cũng không thoát khỏi cảnh lá mía hành. Lá mía lột xong không bỏ đi mà được sử dụng vào việc làm củi nhóm lửa.

Suốt một năm, người trồng mía lột lá khoảng 3 lần thì vào mùa thu hoạch. Lúc này, mía đã cao hoàn chỉnh, mật trong thân mía đã đủ độ ngọt, có thể đốn mía được rồi. Nếu để lâu quá, mía sẽ khô vì mất đường, gây thiệt hại cho dân trồng mía.

Vào vụ thu hoạch, trong khi phụ nữ khom lưng đốn mía thì đàn ông có nhiệm vụ bó mía rồi vác ra chỗ tập kết để máy cày, xe tải chở mía về nhà máy cán đường. Mía được bó bằng ngọn lá mía non, quấn chặt hai đầu, khoảng 8 – 10 cây. Dù công việc không dễ dàng chút nào nhưng ai cũng vui vẻ, cười rạng rỡ chào đón một vụ mùa bội thu một mùa xuân no ấm. Cũng phải thôi, Tết đến rồi, sau một ngày lao động vất vả là có ngay số tiền công bỏ túi mang về nhà. Những năm đường lên giá, gia chủ mặt tươi như hoa, ra sức lấy lòng nhân công bằng việc nấu khoai lang, khoai mì, bánh mứt và cả nước trà đậm mang ra bãi đãi. Nhưng khi mía thất mùa hoặc giá thấp, giá thuê còn bị hạ nói chi đến việc được nghỉ giải lao bằng chén trà nóng. Đau nhất là lúc giá đường rẻ vì đường nhập khẩu, khiến cho giá mía cũng rớt thảm hại. Những năm như thế, người trồng mía đứng ngồi không yên, suy tính đủ thứ. Trồng mía giống như bỏ ống heo, cả năm trời mới thu hoạch, mà không lời chỉ có nước bỏ đi. Tính ra tiền thuê nhân công đốn mía, vận chuyển, tiền cán đường, rồi phân thuốc trong một năm chăm bón lỗ to. Vì thế, người ta quyết định đốt bỏ mía để lấy than làm củi. Nhìn những dòng mật từ thân cây mía tuôn ra, người làm nông muốn rơi nước mắt. Năm đó, nhà nông ăn Tết nhỏ như hạt đậu.

Dù bỏ đi thành quả lao động cả một năm khó nhọc nhưng năm sau, người ta vẫn tiếp tục trồng mía. Có người chuyển sang trồng cam, quýt, hoa màu nhưng dường như nhớ mía, lại quay về cái nghề trồng mía như xưa. Ai cũng hy vọng năm sau mọi thứ tốt đẹp sẽ đến và giá mía sẽ cao ngất ngưởng. Nhiều bác nông dân bảo, trồng mía như chơi chứng khoán, phải có một ý chí kiên định, tinh thần sắt thép mới không thể lên cơn đau tim vì trúng mùa rớt giá. Mà cũng hay, dường như ông trời thương nhà nông, nên một năm rớt giá là nhiều năm sau giá cả ổn định, nông dân sống khỏe với nghề mà mình đã chọn. Vì vậy mà họ bám đất giữ làng, yêu nghề theo nghiệp. Tết nhìn những nụ cười rạng ngời trên gương mặt nhà nông, nhà cửa đầy ắp quà bánh, gia dụng mới tinh… là biết họ vừa “vô mánh” vụ mía vừa qua.

Nguyễn Thanh Vũ


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đốn mía ăn Tết