Đồng bằng sông Cửu Long : Giải pháp nào để quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước

(Theo T/c Môi trường và Cuộc sống)|03/08/2016 12:12
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

– Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với địa hình trũng, là hạ lưu của sông Mê Kông, cùng với hệ thống sông ngòi dày đặc được đánh giá là vùng trữ nước ngọt lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng suy kiệt nguồn nước trong hệ thống sông, hạ lưu các hồ chứa và nước ngầm ở vùng ĐBSCL đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Do vậy, việc quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước của khu vực ĐBSCL là cực kì cấp thiết.

Untitled

Mực nước tại các hồ chứa bị suy giảm nghiêm trọng.

An ninh nguồn nước bị đe dọa

Theo đánh giá, từ khoảng năm 2010 đến nay, ĐBSCL gần như không có lũ mà chỉ có mùa nước nổi ở một số nơi. Nguồn tích nước cạn kiệt đẩy khu vực này vào thế phải đối diện với hạn hán, xâm nhập mặn đến sớm, bao phủ và lấn sâu vào nội đồng. Tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) mà đặc biệt là hạn hán và xâm nhập mặn đã làm nguồn nước sông cạn dần và ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân.

PGS, TS Đoàn Văn Cánh, Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam cho biết: Hiện ĐBSCL đang đứng trước thách thức lớn về bảo đảm an ninh nguồn nước. Từ năm 2015, trung bình vùng ĐBSCL đã bị tụt giảm lượng nước ngầm xuống 15m. Nếu như trước kia, chỉ cần đào sâu khoảng 100m đã có thể khai thác được nguồn nước ngọt đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, thì hiện nay phải đào sâu gấp đôi và vẫn có một tỷ lệ lớn nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn, nhiễm hóa chất không sử dụng được.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng cạn dần nguồn nước, PGS, TS Đoàn Văn Cánh cho rằng: Ngoài nguyên nhân do diễn biến theo quy luật tự nhiên của tài nguyên nước, điều kiện khí hậu, thủy văn, tác động của biến đổi khí hậu, còn do tác động của con người, như khai thác quá mức, sử dụng lãng phí, gây ô nhiễm… Bên cạnh đó, quá trình phát triển kinh tế – xã hội, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa không được quy hoạch phát triển một cách khoa học đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng, trữ lượng nguồn nước… Ngoài ra, việc khai thác, sử dụng nước tại các quốc gia ở thượng nguồn sông Mê Kông, cùng với việc xây dựng ồ ạt các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đã ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ĐBSCL.

Đánh giá mức độ ô nhiễm nguồn nước ngầm ở ĐBSCL, GS, TS Stefan Norra, chuyên gia Cộng hòa Liên bang Đức, người nghiên cứu sử dụng bền vững nguồn nước ngầm ở khu vực Đông Nam Á cảnh báo, nguồn nước ngầm ở ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ nhiễm thạch tín, cần phát hiện nồng độ thạch tín trong nguồn nước ngầm càng sớm càng tốt bởi về lâu dài, thạch tín có nhiều mối nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Hiện trạng và giải pháp

GS, TS Franz Nestmann, Học viện Công nghệ Karlsruhe, cảnh báo: Nguồn tài nguyên nước của vùng ĐBSCL đang đứng trước nhiều nguy cơ bị suy kiệt về số lượng và chất lượng, có thể dẫn đến những thảm họa do các yếu tố lũ lụt, sụt lún đất do khai thác quá mức tầng nước ngầm ở bán đảo Cà Mau, sóng biển tàn phá các đê chắn sóng, xói lở đất, xâm nhập mặn, do việc xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông. Vì thế, muốn bảo vệ và quản lý tốt nguồn tài nguyên nước trong tương lai, các địa phương vùng ĐBSCL cần tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ hiện đại bảo đảm cho sự phát triển hài hòa, bền vững của toàn vùng.

Đồng quan điểm trên, Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, Chánh văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, cho biết: Việc khai thác nước ngầm quá mức sẽ dẫn đến tình trạng sụt lún đất. Trong khoảng thời gian trước năm 2010, mức độ lún đất ở ĐBSCL 1-2 cm/năm. Diễn biến thời tiết ở các đô thị cũng diễn tiến thất thường không theo các kịch bản mô phỏng, dự báo trước. Dự báo mức độ sẽ nghiêm trọng hơn. Để quản lý hiệu quả nguồn nước, trong trường hợp bình thường cần nâng cao trình độ của người dân về nước; xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn; hiện đại hóa công tác cảnh báo; chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Ngoài ra cần có những giải pháp công trình như: Phục hồi vùng đất ngập nước; lắp hệ thống hồ chứa nước phân tán.

Mặt khác, theo Viện Biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ, hiện nguồn nước sử dụng trong sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL chiếm 70%, nước dùng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp chỉ chiếm hơn 20% và gần 10% lượng nước còn lại được sử dụng cho sinh hoạt của người dân. Con số trên cho thấy, nhu cầu nước ngọt dùng cho sản xuất nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL là rất lớn. Do đó, PGS, TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ cho rằng: ĐBSCL nên có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng hợp lý, bớt trồng lúa. Vì để có 1 tấn lúa, cần đến 4.500 – 5.000m3 nước. Cần phải tính toán: Đánh giá 1m3 nước được bao nhiêu tiền thay vì đánh giá trên năng suất. Đây là cách để chúng ta tăng nhận thức về tài nguyên. Ông cũng chỉ ra rằng, cần phải chuyển đổi một nửa diện tích lúa mùa khô sang hoa màu sử dụng ít nước như bắp, mè, đậu… hay nuôi trồng thủy sản. Song song đó là áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt nhằm tiết kiệm nước.

Đề cập đến vấn đề quản lý nguồn nước ngầm ở ĐBSCL vốn đang bị suy kiệt nghiêm trọng những năm gần đây, GS, TS Stefan Norra cho rằng, cần có lộ trình và tính đến trường hợp xấu nhất. Phải có nhiều giải pháp; có sự phối hợp toàn diện về nhiều mặt, những giải pháp kỹ thuật, kế hoạch quản lý nước ngầm mang tính tổng thể. Cần quản lý, quan trắc bảo vệ chất lượng nước, có cơ chế quản lý cho toàn bộ vùng ĐBSCL để giúp mọi người có thể sử dụng nước sạch.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu gồm GS, TS Harro Stolpe, TS Katrin Bromme – Trường Đại học Bochum, PGS, TS Đoàn Văn Cánh, Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam cũng khuyến nghị một số giải pháp như: Cần kiểm soát chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc việc cấp giấy phép khai thác nước ngầm, tiến tới thu phí sử dụng nước, đặc biệt là với ngành công nghiệp; có các quyết định cấp vùng hoặc cấp tỉnh, thành phố cho việc sử dụng nước ngầm cho nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp; cấm hoặc giảm khai thác nước ngầm nhỏ lẻ, tập trung khai thác nước ngầm ở các nhà máy nước quy mô nhỏ và vừa; bổ sung nước ngầm bằng nước mưa; điều phối nước đến những vùng khan hiếm nước để tạo sự cân bằng nước ở các địa phương trong vùng.

Đánh giá thực trạng, đề ra giải pháp đồng thời thực hiện kịp thời các giải pháp nhằm quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước của khu vực ĐBSCL là nhiệm vụ cấp thiết của các cơ quan chức năng cũng như người dân để đảm bảo an ninh nguồn nước và sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững của vựa lúa lớn nhất cả nước này.

(Theo T/c Môi trường và Cuộc sống)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long : Giải pháp nào để quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước