Đồng Tháp: Lũ kết hợp triều cường khiến dân “đứng ngồi không yên”

Hoàng Anh (T/h)|17/09/2018 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Dự báo, đến ngày 25/9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 4,2m, trên báo động II 0,2m; tại Châu Đốc ở mức 3,8m, dưới báo động III 0,2m, tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long trên mức báo động I – báo động II và trên báo động II. Nhận định tình hình thủy văn còn diễn biến phức tạp, lũ có khả năng lên cao khi xảy ra các hình thế thời tiết bất lợi trên lưu vực.

(Moitruong.net.vn) – Liên tục hứng chịu các vụ sạt lở đất từ đầu năm đến nay, cùng với đó lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp với triều cường đang khiến cho người dân canh tác lúa Thu-Đông tại Đồng Tháp đứng ngồi không yên.

>>>Ninh Thuận: nước sinh hoạt bốc mùi bùn non, rong rêu khiến người dân khổ sở

>>>Cần Thơ: Triều cường dâng cao, nhiều tuyến đường ngập nặng

Do đó, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao tại tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó có Đồng Tháp.

Do diện tích lúa Thu-Đông xuống giống tại Đồng Tháp năm 2018 trễ hơn thường kỳ nên nguy cơ các diện tích sản xuất lúa bị lũ đe doạ rất cao. Dự báo đến cuối tháng 9, khoảng 15% diện tích, tương ứng 15.000 ha lúa, tập trung tại thị xã Hồng Ngự, huyện Tam Nông, Tháp Mười và Cao Lãnh có nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ.

Hiện, rất nhiều người dân canh tác lúa vụ Thu-Đông năm nay đều thấp thỏm lo âu, không biết vỡ đê lúc nào. Nỗi lo này là hoàn toàn có cơ sở bởi mới đây, chiều ngày 12/9, một vụ vỡ đê đã nhấn chìm toàn bộ 150 ha lúa sắp đến ngày thu hoạch ở ấp 2, xã Thạnh Lợi. Ước tính thiệt hại gần 4 tỷ đồng.

Khó khăn lớn nhất đối với xã Thạnh Lợi là vấn đề các khu xung yếu rất nhiều, có nơi chênh lệch mực nước trong và ngoài cao. Hầu hết các tuyến đê cũ đều đã bị ngập hết, địa phương phải gia cố nhiều lần theo mực nước lên, để đảm bảo không sạt lở đê, bảo vệ vụ mùa cho bà con.

Trước nỗi lo mất trắng vì lũ, người dân đã chủ động liên kết gia cố lại đê bao để ứng phó với lũ đang diễn biến khó lường. Đồng thời, một số hộ dân cũng đã tranh thủ thu hoạch lúa sớm, dù biết thiệt hại là giảm năng suất và giá thành.

Trước tình hình này, tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các địa phương rà soát các diện tích sản xuất lúa tại các nơi xung yếu, thường xuyên tuần tra, gia cố các đoạn đê xung yếu, sẵn sàng lực lượng và phương tiện ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Hoàng Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Tháp: Lũ kết hợp triều cường khiến dân “đứng ngồi không yên”