Đừng để bê tông hóa “thành phố vườn

Theo KTĐT|18/02/2017 05:46
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Sở QH – KT Hà Nội vừa công bố quy hoạch chi tiết Khu đô thị Nam Đại lộ Thăng Long theo hướng “thành phố vườn” kiểu mẫu.

Chú trọng khoảng “thở” cho đô thị

Khi công bố quy hoạch chi tiết Khu đô thị chức năng phía Nam Đại lộ Thăng Long tỷ lệ 1/500, các nhà quy hoạch đã đưa ra những tiềm năng phát triển của một kiểu mẫu “thành phố vườn”. Cụ thể với diện tích hơn 75ha, quy mô dân số 10.000 người sẽ được quy hoạch ngăn nắp thành khu nhà ở, hồ điều hòa, cây xanh, trường học, không gian đô thị có nhiều khoảng “thở”, vành đai xanh, đáp ứng nhu cầu sống tốt hơn cho người dân.

Quy hoạch khu đô thị trên đã được Hà Nội giao cho Công ty CP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) lập cuối năm 2016 và phê duyệt tại Quyết định số 6634/QĐ – UBND ngày 2/12/2016. Trước đó, khu đất này được quy hoạch xây Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia sau khi di dời khỏi địa chỉ 148 Giảng Võ. Tuy nhiên, địa điểm này được đánh giá là không phù hợp nên cơ quan quản lý đề xuất chuyển sang hướng triển khai trên khu vực Cổ Loa, huyện Đông Anh.

Hai bên Đại lộ Thăng Long sẽ dần được lấp đầy bởi các khu đô thị mới

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan T.Ư của các đoàn thể tại Hà Nội đến năm 2030. Theo đó, trụ sở cơ quan ngang bộ, cơ quan Chính phủ, cơ quan T.Ư tại Hà Nội sẽ tập trung tại khu trung tâm Tây Hồ Tây (thuộc các quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm) với quy mô khoảng 20ha và khu Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) với quy mô khoảng 55ha.

Theo quy hoạch được duyệt thì dự án liền kề với trụ sở bộ, ngành vì thế sẽ được chuyển về Mễ Trì. Dự án được quy hoạch thành khu chức năng đô thị hiện đại, khớp nối hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật khu vực nghiên cứu và các dự án xung quanh đảm bảo yêu cầu phát triển đô thị bền vững. Bên cạnh đó, công trình cao tầng được xây dựng ở phía Đông khu đô thị chức năng Nam Đại lộ Thăng Long cao từ 35 – 39 tầng. Công trình nhà ở thấp tầng có hình thức đa dạng nhưng thống nhất theo một kiểu mẫu, có tầng cao, mái và màu sắc thống nhất trong một dãy nhà.

Theo TS Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, tinh thần quy hoạch “thành phố vườn” kiểu mẫu Nam Đại lộ Thăng Long là tốt đẹp, nhưng quan trọng phải giữ vững cho đến tận khâu xây dựng, quản lý và phát triển sau này. Về các công trình trong khu đô thị mới phải tuân theo quy hoạch, không được tự động điều chỉnh. Nếu có điều chỉnh phải được các cơ quan liên quan xem xét việc điều chỉnh là tốt hay làm hỏng quy hoạch? Đối với các công trình thấp tầng có thể có sự thống nhất nhưng không phải thống nhất một loại mà coi trọng tính đa dạng, tạo ra sự hài hòa. Riêng không gian cao tầng có thể chấp nhận số tầng tối đa đã duyệt nhưng hướng tới các tòa nhà cao tầng theo dải kiến trúc xanh. Chứ không phải xây dựng những khối bê tông chọc trời. Nhà ở cao tầng chỉ là yếu tố mang tính giải pháp chứ không thể tạo nên đô thị bền vững.

Chất lượng cuộc sống phải trên lợi nhuận

Đồng quan điểm, TS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, nếu hiện thực hóa được Khu đô thị chức năng phía Nam Đại lộ Thăng Long thì chất lượng sống, môi trường sống của người dân sẽ được cải thiện. Mô hình “thành phố vườn” có nguồn gốc từ châu Âu. Tại Việt Nam, sau thời Pháp thuộc đã có những ứng dụng đầu tiên về mô hình này trong khu nội đô Hà Nội khi kết hợp hài hòa giữa không gian ở với không gian dịch vụ xã hội. Lưu tâm đến không gian xanh công cộng như khu vực công viên, vườn hoa, không gian công cộng để giao tiếp các lứa tuổi, thể dục thể thao và cải thiện vi khí hậu. Hiện nay, từ mô hình “thành phố vườn” đã biến hóa thành những khu đô thị xanh hay phổ dụng hơn là khu đô thị thân thiện. Trong mô hình này, không gian xanh là không gian của từng ngôi nhà, từng căn hộ. Ngay cả trong các khu vực mật độ dân cư cao, khoảng không gian cây xanh, cảnh quan nằm trong lõi nhà hay đan xen liên tục từng tiểu khu ở vẫn được thiết lập.

Giới chuyên môn cũng cho rằng cần quan tâm nghiên cứu đến vấn đề giao thông đi lại. Đại lộ Thăng Long cơ bản đã được xây dựng giao thông khá hoàn thiện. Tuy nhiên cần đầu tư thêm tại một số đoạn còn thiếu vỉa hè của đường gom, các tuyến đường trong khu công nghiệp cao, khu đại học Quốc gia Hà Nội. Các tuyến đường tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã có mặt cắt ngang, mặt đường xuống cấp, phân bố không đồng đều đảm bảo lưu thông cho người dân trong khu đô thị mới. Ở đây ngoài giao thông cho các phương tiện giao thông còn phải chú trọng đến cả không gian cho người đi bộ.

“Dễ dàng nhận thấy trên địa bàn Hà Nội đã tồn tại nhiều không gian đô thị lộn xộn, thiếu khoảng xanh. Xuất phát từ quy hoạch xây dựng ăn xổi, có sao xây nấy, không có sự nghiên cứu tổ chức về không gian với hàng loạt chung cư chọc trời cứ mọc lên như nấm. Chất lượng sống ít phụ thuộc vào việc sống ở những căn hộ sang trọng trên các chung cư cao tầng. Chất lượng sống thể hiện ở mức độ tiếp xúc với cảnh quan thiên nhiên “gần” hay “xa”, “nhanh” hay “chậm”. Tất nhiên, thời gian để quy hoạch chi tiết “thành phố vườn” kiểu mẫu này đi vào thực tế còn lâu dài. Nhưng bàn trước về tính khả thi, “rung chuông” trước những hạn chế lợi ích nhóm là hoàn toàn cần thiết” – GS.TSKS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Theo KTĐT


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng để bê tông hóa “thành phố vườn