Gạch sinh học làm từ nước tiểu thân thiện với môi trường

Đăng Lâm (t/h)|28/10/2018 11:28
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Một nhóm sinh viên thuộc Đại học Cape Town, Nam Phi đã chế tạo thành công loại gạch làm từ nước tiểu của con người đầu tiên trên thế giới.

>>>Bình Thuận: Khẩn trương giải quyết nơi nhiễm mặn kéo dài hơn 13 năm

>>>Chương trình Gala phát động Cuộc thi “Biến đổi khí hậu với Cuộc sống” – Chủ đề “Hạn hán và Xâm nhập mặn” tại TP. Hồ Chí Minh

Tiến sĩ Dyllon Randall (bên trái) cùng các sinh viên tham gia dự án nghiên cứu. Ảnh: RT

Nước tiểu kết hợp cùng cát và vi khuẩn trong một quy trình cho phép gạch đông lại ở nhiệt độ phòng tạo nên một loại vật liệu mới trong xây dựng, cứng hơn cả gạch đá vôi. Theo đó, các nhà nghiên cứu trẻ đã trộn cát mịn, nước tiểu và một loại vi khuẩn tiết ra enzyme urease để phân hủy u rê trong nước tiểu, tạo ra chất canxi carbonate (CaCO3) giúp kết dính các hạt cát với nhau. Chất này sau đó sẽ gắn kết với cát tạo thành đá cứng hay gạch xám.

Khác với gạch thông thường cần được nung ở nhiệt độ 1.4000C và thường sản sinh khí CO2 gây ô nhiễm môi trường, gạch sinh học có thể được chế tạo trong nhiệt độ phòng nhưng vẫn có được độ chắc chắn.

Để làm ra một viên gạch sinh học cần khoảng 25 – 30 lít nước tiểu. Con số này nghe có vẻ nhiều nhưng ngoài việc sản xuất gạch, số nước tiểu ấy còn tạo ra khoảng 1 kg phân bón. Quá trình sản xuất gạch sinh học mất khoảng từ 4 đến 6 ngày. Độ cứng và hình dạng của gạch sinh học có thể thay đổi tùy theo yêu cầu.

Kỹ sư Vukheta Mukhari, người thẩm định nghiên cứu của nhóm sinh viên cho rằng, đây có thể là nền tảng để tạo ra các loại vật liệu xây dựng mới giá rẻ và thân thiện với môi trường.

Gạch sinh học được tạo ra từ nước tiểu, cát và vi khuẩn. Ảnh: RT

“Lần đầu tiên bắt tay vào công việc, chúng tôi làm ra loại gạch có cường độ nén tương tự gạch đá vôi 40%. Chỉ vài tháng sau, chúng tôi tăng được gấp đôi cường độ nén của gạch bằng cách thay đổi vật liệu và để vi khuẩn làm đông cứng các hạt lâu hơn mà không cần nhiệt độ cao (nhiệt độ phòng là đủ)”, tiến sĩ Randall chia sẻ.

Tuy nhiên, vị tiến sĩ làm việc tại Đại học Cape Town thừa nhận sản phẩm khi ra lò sẽ có mùi khai. “Bạn hãy thử tưởng tượng khi chó hoặc mèo tè bậy vào góc nhà, mùi khai sẽ xuất hiện. Đó là lúc khí amoniac được giải phóng. Quá trình này cũng vậy. Nó giải phóng amoniac như một sản phẩm phụ”, ông Randall nói.

Tuy nhiên, sau 48 giờ, mùi khai trên gạch hoàn toàn biến mất và không gây nguy hại về sức khỏe. Tiến sĩ Randall cho biết thêm ngay giai đoạn một, ông cùng các học sinh sử dụng phương pháp để loại bỏ toàn bộ tác nhân gây bệnh và vi khuẩn.

Theo nhà nghiên cứu Randall, nước tiểu chính là “vàng lỏng”. Về số lượng, nước tiểu chiếm chưa đầy 1% nước thải gia đình, tuy nhiên nó chứa đến 80% nitrogen, 56% phosphorus và 63% kali trong nước thải.

Đăng Lâm (t/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gạch sinh học làm từ nước tiểu thân thiện với môi trường