Giấc mơ phát triển cây đàn hương

Chu Minh Khôi|17/02/2018 00:57
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Đang là Hiệu trưởng của trường Cao đẳng Công nghệ Kinh tế Hà Nội, TS.Vũ Thoại bất ngờ rời bỏ vị trí, để dấn thân vào với sự nghiệp kinh doanh, với việc bắt tay vào trồng những loại cây quý như cây đàn hương để giúp ích cho người nông dân.

Vũ Thoại (áo kẻ caro xanh tím) lựa chọn những giống cây đàn hương tại vườn ươm

Rời bục giảng đi cầm cuốc

Vũ Thoại rời bỏ chức vụ Hiệu trưởng của mình bằng một tuyên bố rất đỗi chân thành trên Facebook: “Chuyển đổi từ thầy giáo sang nông dân và bắt đầu học hỏi những kinh nghiệm đầu tiên của một người nông dân. Nhát cuốc bổ xuống, đánh dấu sự chuyển đổi từ nghề giáo sang nghề nông. Bao nhiêu ấp ủ dồn vào dự án 10ha mô hình trang trại với hàm lượng giá trị cao này. Từng tấc đất được tận dụng tối đa để tăng nguồn thu và có nguồn thu sớm nhất. Cây ngắn hạn là cây dược liệu kim tiền thảo, sau 6 tháng cho nguồn thu. Cây trung hạn là giống na Thái và các giống bơ Mỹ ngon nhất, phù hợp với cái lạnh miền Bắc như bơ Hass, Pinkerton và Gem. Còn cây dài hạn dĩ nhiên là đàn hương rồi”.

Với nhiều người, TS. Vũ Thoại là kẻ gàn dở, đang là một Hiệu trưởng có chức vụ lại thuê đất làm trang trại trồng cây. Nhưng với GS. Nguyễn Lân Dũng, anh là một người dũng cảm với lựa chọn phát triển cây đàn hương. TS. Vũ Thoại chia sẻ về quyết định của mình: “Làm Hiệu trưởng thì nhiều người có thể làm được, nhưng đem về một giống cây quý cho bà con nông dân phát triển kinh tế bền vững thì không phải ai cũng đủ tâm huyết. Đã bao nhiêu năm rồi nền lâm nghiệp nước nhà chưa tạo ra được một loại cây gì có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định và có thể phát triển trên diện rộng cho người nông dân bớt khổ. Với động lực đó, mình đam mê và trăn trở với cây đàn hương, quyết đưa về trồng thử nghiệm và phát triển tại Việt Nam”.

Nhưng vì sao anh lại bén duyên với cây đàn hương và quyết định rời bỏ môi trường sư phạm để đến với đất và cây giống? Lý do là vì cây đàn hương là loài cây quý nhất thế giới, 1kg lõi gỗ đàn hương có giá 350USD. Rễ cây đàn hương có chứa rất nhiều tinh dầu, loại tinh dầu đa năng được ví như “giọt vàng”, có giá khoảng 4.500USD/kg. Từ đó, TS. Vũ Thoại đâm ra mê mẩn cây đàn hương, muốn đem về Việt Nam trồng để làm giàu. Người khiến anh nung nấu quyết tâm trồng loại cây này là Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, người đã khuyến khích anh nhân giống, phát triển giống cây quý này để giúp nông dân làm giàu.

Vũ Thoại (bên phải) chụp ảnh bên cây đàn hương

Khát vọng làm giàu từ cây đàn hương

Cây đàn hương là loại cây rất khó nhân giống, TS. Vũ Thoại đã có hàng chục chuyến đi thực địa tại các khu rừng, các Viện nghiên cứu và các trang trại tại Ấn Độ. Các chuyên gia Ấn Độ cũng được mời sang Việt Nam để đánh giá về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng cho việc trồng cây đàn hương. Ròng rã nghiên cứu từ năm 2006, nhưng phải đến năm 2014, anh và các đồng nghiệp mới thành công trong việc tạo ra phương pháp kích thích hạt cây đàn hương nảy mầm tự nhiên, tạo ra giống cây đạt tiêu chuẩn hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ tại Việt Nam.

Để tạo ra sự phát triển bền vững, TS. Vũ Thoại cùng bạn bè thành lập Viện nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm (ISAF), cùng với đó thuê 10ha đất tại khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) để phát triển loại cây này. Ươm thành công hàng chục nghìn cây giống đàn hương, nhưng khi chuyển giao cho nông dân trồng lại vô cùng khó khăn, khi loài cây này có biểu kì thu hoạch đến 12 năm. Cũng may, cây đàn hương là cây bán ký sinh, buộc phải có các cây ký chủ, nên trồng xen canh với cam, quýt, cà phê rất tốt. Bên cạnh đó, để lấy ngắn nuôi dài, cùng với việc ươm trồng cây đàn hương, thì tại đây trồng xen các loại cây thảo dược như kim tiền thảo, cây sả để lấy tinh dầu. Nhiều loại cây nhập nội khác như na Thái, bơ Mỹ, bơ Hass… cũng được trồng trong vườn để tạo thu nhập trước mắt trong khi chờ cây đàn hương “cho tiền”. Xen cây đàn hương, rồi ký bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông  dân, vì cây đàn hương trồng xen không ảnh hưởng tới thu nhập từ cây cà phê, nên nhiều nông dân đồng ý.

Đến nay, viện ISAF đã trồng khảo nghiệm cây đàn hương tại gần 40 tỉnh thành trên cả nước, cho tín hiệu rất khả quan. Để có thể khai thác gỗ phải mất từ 12 – 15 năm, thậm chí 30 năm nếu muốn có gỗ đạt chuẩn tốt nhất. Nhưng ngay từ năm thứ tư, cây đã cho nguồn thu từ lá để làm trà cao cấp và hạt dùng để chiết xuất tinh dầu.

Theo TS. Vũ Thoại, đến thời điểm này tại các vườn trồng, mới có nguồn thu từ các loại cây xen canh, chưa có nguồn thu từ đàn hương. Năm 2017, mới bắt đầu có nguồn thu từ cành và lá cây đàn hương. Viện ISAF đã liên kết với Công ty Sao Thái Dương để sản xuất một số loại kem dưỡng da từ hạt đàn hương và trà từ lá cây đàn hương, có tác dụng thải chất độc trong máu. Những lô sản phẩm đầu tiên sẽ xuất xưởng vào năm mới để xuất khẩu sang Nhật.

Mục tiêu đến năm 2022, mới có những vườn cho thu hoạch gỗ cây đàn hương, sẽ được sử dụng để sản xuất nhang hương, dầu  gội đầu, sữa tắm, xà phòng… và rất nhiều sản phẩm liên quan đến đời sống con người. Để có vùng nguyên liệu cung ứng cho kế hoạch sản xuất chế phẩm này, viện ISAF đang đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 4.000ha trồng cây đàn hương nhờ liên kết với nông dân.

Chu Minh Khôi

Từ hàng nghìn năm trước, gỗ cây đàn hương đã được sử dụng để xây dựng các công trình tôn giáo ở Ấn Độ và dầu của đàn hương cũng được đốt lên để tạo mùi hương trong các không gian hành lễ linh thiêng ở chùa. Cây đàn hương được xem là tài sản quốc gia, được bảo vệ nghiêm ngặt tại Ấn Độ và Sri Lanka. Gỗ của cây đàn hương có mùi thơm rất đặc biệt và nhiều dược tính tốt, nền y học cổ truyền Ấn Độ dùng lõi gỗ đàn hương chống viêm, sát trùng, hạ nhiệt, làm săn da, chữa viêm bàng quang, lậu mãn tính, xuất huyết, nấc, khí hư, loét và rối loạn đường tiết niệu. Ngày nay, hầu hết các dòng nước hoa cao cấp đều phải có tinh dầu đàn hương để giúp định mùi hương thơm của nước hoa. Khoảng 30% mỹ phẩm sản xuất tại Ấn Độ, Úc như kem chống lão hóa da, trị nám, trị tàn nhang… có sử dụng chất chiết xuất từ cây đàn hương. Gỗ đàn hương cứng, giác trắng, không mùi, lõi vàng nâu, được sử dụng sản xuất các loại hàng mỹ nghệ cao cấp, đặc biệt chế tác tượng Phật, tràng hạt, Pháp khí Phật giáo và đồ dùng tâm linh. Ấn Độ là quê hương của đàn hương, nhưng Úc là nước có kim ngạch xuất khẩu gỗ đàn hương lớn nhất thế giới, khoảng 6,5 – 7 tỷ USD/năm với khoảng 800.000ha đã được trồng.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giấc mơ phát triển cây đàn hương