Giải pháp để cứu đồng bằng sông Cửu Long khỏi mất

Theo PLO|27/04/2017 08:16
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – “Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm sạt lở bờ sông và ven biển đã lấy đi 500 ha đất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” – báo cáo của Bộ NN&PTNT về tình hình sạt lở đất ĐBSCL mới đây cảnh báo.

Sạt lở nghiêm trọng một số nơi ở đồng bằng sông Cửu Long

Đánh giá, nhận định về tình hình sạt lở khu vực ĐBSCL, ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, cho rằng vào mùa khô mà tình trạng sạt lở diễn ra liên tục cho thấy sạt lở bờ sông không còn theo quy luật nữa. Minh chứng cụ thể nhất là trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. “Từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đang mùa khô nhưng đã xảy ra sáu vụ sạt lở đất bờ sông trên địa bàn các huyện Châu Thành, Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy với tổng chiều dài 1,1 km, bề rộng từ 2 đến 5 m khiến hàng ngàn mét vuông đất bị mất” – ông Toàn thông tin.

Trong khi đó, ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, đánh giá hiện nay sạt lở ở vùng ĐBSCL đang diễn ra ngày càng trầm trọng. “Phía biển thì hơn 300 km bờ biển, tức hơn phân nửa chiều dài bờ biển ĐBSCL, đang sạt lở trầm trọng, mỗi năm mất khoảng 5 km2 đất. Còn bờ sông thì đang sạt lở tứ tung, chưa thống kê hết” – ThS Thiện nhấn mạnh.

Nguyên nhân nào dẫn đến sạt lở

Về nguyên nhân sạt lở bờ sông ở vùng ĐBSCL, một số chuyên gia môi trường cũng chỉ ra nguyên nhân gây sạt lở xuất phát từ sử dụng nước ngầm quá mức gây lún đất và tạo ra các vết nứt bị khoét rỗng thành hố, từ đó bị tác động bởi thủy triều. Đáng chú ý, các chuyên gia cảnh báo tình hình khai thác cát trên sông cũng là một nguyên nhân chính dẫn tới sạt lở. Theo số liệu của các cơ quan nghiên cứu quốc tế, trong 15 năm qua sông Tiền và sông Hậu đã mất đi 200 triệu tấn cát, làm hạ thấp đáy sông trung bình 1,3 m. Nhiều nơi có những hố rất sâu. Khai thác cát không chỉ ảnh hưởng tại chỗ mà ảnh hưởng xa hàng trăm km trên toàn bộ hệ thống sông. Bởi vì sau khai thác cát để lại những hố sâu mà thời gian sau cát trôi về cũng không thể vượt qua hố để đi tiếp được, nên bên dưới đáy sông thiếu cát và dòng chảy sẽ lấy cát để tự điều chỉnh. Dự báo sau này, khi các đập thủy điện dọc thượng nguồn Me kong xây xong thì 100% cát sỏi sẽ không về được ĐBSCL. Khi đó sạt lở sẽ dữ dội hơn.

Đồng quan điểm trên, ThS Nguyễn Hữu Thiện cho biết, phù sa có hai loại chính: Loại mịn lơ lửng trong nước được dòng sông mang về hằng năm và cát sỏi di chuyển dưới đáy sông phải đi vài chục năm mới đến được ĐBSCL. Về phù sa mịn, số liệu của Ủy hội Me Kong quốc tế (MRC) so sánh năm 1992 và 2014 cho thấy sau khi Trung Quốc đắp bảy đập ở đoạn thượng lưu, tải lượng phù sa mịn của sông Me Kong đã giảm từ 160 triệu tấn/năm còn 85 triệu tấn/năm. Điều này tạo ra hiện tượng “nước đói phù sa” gây ra sạt lở bờ sông, bờ biển ở đồng bằng. “Dự báo sau này khi 11 đập thủy điện dòng chính Me Kong ở Lào và Campuchia xây dựng xong thì lượng phù sa mịn sẽ giảm 1/2 một lần nữa, tức chỉ còn 1/4 lượng trước đây. Khi đó sạt lở sẽ diễn ra dữ dội hơn” – ThS Nguyễn Hữu Thiện lý giải.

Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, cho rằng nguyên nhân còn do tác động của biến đổi khí hậu và quan trọng hơn là do phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, việc xây dựng các công trình có xu hướng tăng tải vùng ven sông và kênh rạch nên tình trạng sạt lở cứ phổ biến.

Cần giải pháp hoàn thiện

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết: “Cái cần làm để phòng, chống và ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển thì thời gian qua Đảng, Nhà nước đã tập trung nguồn lực rất nhiều từ nguồn vốn biến đổi khí hậu, ODA, trái phiếu chính phủ…, nhưng bấy nhiêu chưa đủ. Sắp tới, đối với vùng ĐBSCL Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường điều tra, kiểm tra và khảo sát để chỉ ra những chỗ nguy cơ cao và sớm có cảnh báo. Đồng thời, tăng cường quản lý đất đai và quản lý việc xây dựng ở các khu vực ven bờ sông và kênh rạch; ngoài ra phải tính toán để di dời dân ra khỏi các vùng có nguy cơ cao về sạt lở”.

Thứ trưởng Thắng cũng cho biết phải thay đổi tập quán cư ngụ của người dân. Ngày xưa khi dân cư thưa thớt thường quần tụ khu dân cư ven sông, rạch nhưng với tốc độ phát triển kinh tế-xã hội hiện nay, việc phát triển nhà cửa ven sông và kênh, rạch sẽ là tác nhân gây sạt lở. Cần phải quy hoạch để phân bổ lại dân cư nhằm tránh tập trung quá nhiều ở ven sông, rạch.

Theo PLO


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp để cứu đồng bằng sông Cửu Long khỏi mất