An Giang: Cần có chiến lược phát triển “đờn ca tài tử” trở thành sản phẩm du lịch độc đáo

Mỹ Hạnh(AGO)|08/08/2017 16:06
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Đờn ca tài tử (ĐCTT) đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân An Giang nói riêng và Nam Bộ nói chung. Loại hình nghệ thuật độc đáo này tạo sức hút đối với du khách gần xa và dần “chen chân” nhiều hơn vào các tour du lịch (DL). Tuy nhiên, ĐCTT có được xem là một sản phẩm đặc thù hay không, ĐCTT đang ở vị trí nào trong DL của tỉnh vẫn còn là những câu hỏi trăn trở.

Diễn đờn ca tài tử phục vụ du khách ở điểm DL nông dân Tân Trung  (Phú Tân). Ảnh MỸ HẠNH

Chị Bùi Phương Thảo, hướng dẫn viên một công ty DL khẳng định: “Không phải nơi nào tổ chức đưa ĐCTT vào phục vụ khách DL cũng đạt hiệu quả”. Thông thường, khách được thưởng thức ĐCTT trong bữa ăn, sau đó giao lưu với các nghệ nhân, nghệ sĩ. Trong 1 tour đưa khách về miền Tây, ĐCTT còn được biểu diễn thêm 1 hoặc 2 lần vào buổi tối trên các du thuyền, nhà người dân kết hợp các hoạt động khác để “kéo dài chuyến đi” của du khách. Khách nước ngoài rất hứng thú tìm hiểu văn hóa, lịch sử về chiều sâu hơn là nhu cầu nghỉ dưỡng để mở mang kiến thức, kể cả trong dịch vụ ăn uống, giải trí. Du khách muốn đắm mình nhiều hơn vào không gian văn hóa, hiểu biết về ĐCTT, ngắm nhìn nhạc cụ nhằm lưu lại những dấu ấn, kỷ niệm đáng nhớ. Khi chỉ mới là “phần phụ” trong tour DL thì ĐCTT không thể đáp ứng được điều này và càng không phải là lựa chọn để doanh nghiệp DL ưu tiên khai thác.

Quả thực, ĐCTT hiện nay chỉ mới là tiết mục cần thiết “góp mặt” trong tour DL, chứ chưa được xem là một sản phẩm DL để được khai thác xứng tầm cho khách thưởng thức trọn vẹn. Rất ít tour hiện nay tạo cơ hội cho các nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn một cách bài bản. Tại điểm DL Lòng hồ Tân Trung (Phú Tân), đội văn nghệ ĐCTT của ông út Ngữ (nhạc công) là một đơn cử. Mỗi năm, DL sinh thái ở Tân Trung chỉ hoạt động vài tháng, chủ yếu vào mùa nước nổi trên cơ sở tận dụng điều kiện tự nhiên và sản phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương. Tuy mới đưa vào khai thác vài năm nay nhưng điểm DL tại Tân Trung rất hấp dẫn đối với khách DL trong và ngoài tỉnh. Đội sinh hoạt ĐCTT của ông út Ngữ chỉ nhờ mấy tháng ngắn ngủi này phục vụ du khách, thời gian còn lại thì lo công việc riêng, sinh hoạt giao lưu là chính, ít khi được mời “chạy sô”. Ở TX. Tân Châu, Câu lạc bộ ĐCTT của thị xã với nhiều nghệ nhân và nghệ sĩ “gạo cội” rất tự hào vì mình là những người giữ nghề, hiện nay vẫn có rất nhiều thế hệ nối nghiệp. Ngoài biểu diễn trong chương trình nghệ thuật, sự kiện, giao lưu trong và ngoài tỉnh, đây là đội ĐCTT được yêu thích được mời diễn hợp đồng trên các tàu DL đến từ TP. Hồ Chí Minh, song chỉ được vài năm, khi các tour không trở về thì Câu lạc bộ cũng không “tham gia” vào DL nữa. Các chú, các cô vẫn mong mỏi được quảng bá nhiều hơn nhưng câu rao đờn điêu luyện, giọng ca êm mượt hay giọng ngân giàu cung bậc tình cảm của mình…

gt-1.jpg

Câu lạc bộ đờn ca tài tử TX. Tân Châu diễn giao lưu tại Bình Phước. Ảnh Câu lạc bộ cung cấp

DL là ngành công nghiệp mà trụ cột phải dựa trên nền văn hóa, đặc biệt là giá trị văn hóa truyền thống đã trở thành di sản, mang bản sắc riêng của vùng, miền, địa phương. Làm sao để du khách tìm đến nghệ nhân, nghệ sĩ ngay tại không gian sinh hoạt truyền thống, chứ không phải ĐCTT chỉ góp mặt như chương trình “phụ” điểm tô trong phần lớn tour DL hiện nay là vấn đề cần được ngành DL quan tâm. Trong đó, ĐCTT cần được xem là một sản phẩm đặc biệt và có giải pháp khai thác hiệu quả để thấy được giá trị tinh thần nghệ thuật của loại hình nghệ thuật được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đi đôi với khai thác cần quan tâm đến giữ gìn giá trị truyền thống, không để ĐCTT bị “hiện đại hóa”, làm sai lệch bản chất, vẻ đẹp thanh tao vốn có. Một điều tuy các nghệ nhân, nghệ sĩ xem chỉ là “phần phụ” nhưng rất quan trọng là giá trị thực tế họ được nhận lại để tái sản xuất sản phẩm nghệ thuật phục vụ cho đời, xứng đáng sức lao động.

Mỹ Hạnh(AGO)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An Giang: Cần có chiến lược phát triển “đờn ca tài tử” trở thành sản phẩm du lịch độc đáo