An Giang: Tự ý nuôi tôm thẻ chân trắng trên nước ngọt hệ lụy khó lường

Theo TTXVN|07/09/2017 23:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Với việc tự ý nuôi tôm thẻ chân trắng trên nước ngọt tại An Giang để lại những hệ lụy nghiêm trọng cho nguồn nước ngầm của cũng như tạo cơ hội cho nguy cơ sụt lún xảy ra tại địa phương.

An Giang tự ý nuôi tôm thẻ chân trắng trên nước ngọt hệ lụy khó lường

Theo đó, việc tự ý khoan nước ngầm để nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt bị nghiêm cấm, các hộ nuôi vi phạm hành chính đều bị xử lý, với mức phạt từ 30- 50 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm.

Thời gian gần đây trong tỉnh An Giang, khi tình hình nuôi một số thủy sản bản địa như cá tra, cá lóc, cá nàng hai… gặp khó khăn, giá tiêu thụ cá thương phẩm giảm xuống thấp, nông dân thua lỗ, nên một số hộ nuôi thủy sản đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng.

Điều này sẽ gây ra những hệ lụy khó lường đối với lĩnh vực nông nghiệp có thế mạnh khác của tỉnh như cây lúa, cây ăn quả… khi đất và nước bị nhiễm mặn.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, toàn tỉnh hiện có 14 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Cần Đăng, huyện Châu Thành; xã Vĩnh Thạnh Trung, Bình Chánh, huyện Châu Phú; xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn; xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân và xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn với tổng diện tích nuôi 107.800 m2, tổng số lượng tôm thả nuôi là 4,85 triệu con với tổng số 27 ao nuôi.

Các cơ sở nuôi này đều tự khoan giếng lấy nước ngầm có độ mặn dao động từ 1,5 – 5,5 ‰ và pha thêm nước sông để tạo môi trường nước lợ nuôi tôm thẻ chân trắng. Trong quá trình nuôi, người dân sử dụng thêm muối hạt; định kỳ sử dụng 1 tuần/lần với liều lượng từ 30 – 40 kg/lần/2.000 m3 nước.

Hậu quả bước đầu là đã gây mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm. Cụ thể nước giếng khoan sử dụng trong quá trình cấp nước cho ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân có độ mặn dao động từ 3,22 – 5,67 ‰.

Việc tự ý khoan nước ngầm để nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt bị nghiêm cấm, các hộ nuôi vi phạm hành chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang giao cho UBND các huyện xử lý theo quy định của pháp luật, với mức phạt từ 30- 50 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm.

Ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang cho biết, để nuôi được tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt, người nuôi phải sử dụng nước ngầm nhiễm mặn, bổ sung muối hạt, khoáng đa lượng hoặc sử dụng nước biển nhân tạo.

Mô hình sản xuất này có thể thỏa mãn nhu cầu hiện tại của một bộ phận cộng đồng nông dân nhưng với việc khoan giếng ngầm để lấy nước mặn nuôi tôm và việc thải nước nhiễm mặn từ ao nuôi tôm này ra các thủy vực nước ngọt sẽ để lại hệ lụy rất khó lường đối với lĩnh vực nông nghiệp có thế mạnh khác trong tương lai khi đất và nước bị nhiễm mặn.

Theo ông Huy, nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đã cảnh báo sự bất ổn của mô hình này không phù hợp với xu hướng nuôi trồng thủy sản bền vững hiện nay, do ảnh hưởng về lâu dài đối với môi trường sinh thái.

Cụ thể, việc này sẽ tác động rất lớn đến môi trường và đa dạng sinh học, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự sụt lún đất trong khu vực, gây mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm. Nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt chắc chắn phải tạo môi trường nhân tạo để đáp ứng với đặc điểm sinh học của vật nuôi, đặc biệt là yêu cầu về nồng độ muối thích nghi và khoáng chất cần thiết để tôm có thể sinh trưởng tốt nhất.

Việc khoan giếng lấy nước ngầm nhiễm mặn để nuôi tôm về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tầng nước ngầm, nếu khai thác quá mức sẽ dẫn đến cạn kiệt nguồn nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt và có khả năng gây sụt lún.

Về lâu dài, ngoài việc thẩm thấu của nước nhiễm mặn vào đất thì việc xả nước thải từ các ao nuôi tôm thẻ chân trắng ra các thủy vực nước ngọt sẽ gây nguy cơ nhiễm mặn cho vùng nước ngọt đặc biệt là ảnh hưởng đến diện tích cây trồng khác và các vùng trồng lúa truyền thống dẫn đến năng suất lúa bị sụt giảm.

Trước những hệ luy xấu có thể xảy ra, bà Võ Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho rằng, dù tôm thẻ chân trắng đang có hiệu quả nhưng không vì thế mà nuôi tràn lan trong vùng nước ngọt, bởi tỉnh không có chủ trương nuôi loại tôm này.

Để để chấn chỉnh việc phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố vận động, tuyên truyền người dân không tiếp tục thả nuôi tôm thẻ chân trắng với các hình thức nuôi khác nhau trên địa bàn huyện, thị, thành phố, với việc sử dụng nguồn nước giếng khoan, hoặc pha thêm muối hạt để nuôi tôm làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, hoạt động canh tác nông nghiệp.

Sở sẽ tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm theo quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân cố tình tiếp tục thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn huyện, thị, thành phố. Đồng thời phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc kiểm tra xử lý việc sử dụng khoan giếng để nuôi trồng thủy sản không theo quy định về sử dụng nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh An Giang.

Theo TTXVN


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An Giang: Tự ý nuôi tôm thẻ chân trắng trên nước ngọt hệ lụy khó lường