Giáo dục Hòn Đất (Kiên Giang) bất cập trong xét thu nhập tăng thêm

26/01/2018 06:43
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Thu nhập tăng thêm mỗi dịp Xuân về luôn là điều nhạy cảm đối với cán bộ công nhân viên, hiện nay ở một số trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, tiền thu nhập tăng thêm nhiều hay ít phụ thuộc rất nhiều vào sự cân đối thu, chi của nhà trường, chính vì thế mà có trường giáo viên có mức thu nhập tăng thêm cao, có mức thu nhập tăng thêm ít. Tuy nhiên, việc xét thu nhập tăng thêm ở ngành giáo dục huyện Hòn Đất lại chứa đựng nhiều bất cập, khiến thầy cô giáo lo lắng.

Giáo dục Hòn Đất (Kiên Giang) bất cập trong xét thu nhập tăng thêm – ảnh minh họa

Cụ thể, tại huyện Hòn Đất, việc thu nhập tăng thêm của giáo viên ở các trường trên địa bàn huyện phải thực hiện theo sự chỉ đạo của phòng giáo dục về mức chi, xét thu nhập tăng thêm theo phân loại A, B, mức cao nhất là 400.000đ, thấp nhất là 300.000đ. Để đạt được loại A, giáo viên phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như: đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp trường, chất lượng bộ môn học kì I đạt kết quả cao, giáo viên chủ nhiệm thì lớp phải đạt giải cao trong các phong trào hoạt động đoàn, đội…..

Trả lời trên Thời báo tài chính, số ra ngày 20 tháng 12 năm 2017, ông Phạm Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp – Bộ Tài chính cho biết, kinh phí nhà nước giao cho các cơ quan, đơn vị theo dự toán, mỗi cơ quan có quy chế riêng, cách chi trả theo quy chế chi tiêu nội bộ của từng đơn vị chứ không có quy định chung. Vì vậy, muốn có thu nhập tăng thêm, các đơn vị phải sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả. Theo đó thì, thu nhập tăng thêm cho cán bộ giáo viên là do hội đồng nhà trường quyết định chứ không phải do phòng giáo dục quyết định.

Nhiều giáo viên cho rằng xét thu nhập tăng thêm theo phân loại A, B như vậy là không hợp lý, bởi nó không đúng với điều mà ông Phạm Văn Trường, vụ trưởng vụ tài chính hành chính sự nghiệp trao đổi với báo chí về thu nhập tăng thêm. Thu nhập tăng thêm có được là do sự tiết kiệm của toàn thể giáo viên nhà trường mà có được, vì thế mọi giáo viên phải  được hưởng mức thu nhập tăng thêm như nhau, chứ không thể xét theo phân loại A, B được.

Nếu lấy thành tích để xét thu nhập tăng thêm, xem ra cũng không hợp lí cho lắm, bởi những giáo viên đạt thành tích đều đã được hưởng chế độ khen thưởng theo quy định của ngành rồi. Có giáo viên cho rằng, tiết kiệm các khoản chi trong nhà trường của giáo viên là như nhau và đó là số tiền chung,  xét phân loại A,B thực chất là lấy tiền tiết kiệm của người này để chuyển cho người kia, như vậy là không công bằng, tạo sự phân hóa, so bì, phần nào gây mất đoàn kết trong giáo viên.

Trường hợp nhà trường chi tiêu nhiều cho các hoạt động trong nhà trường đến nỗi không còn tiền để xét thu nhập tăng thêm cho giáo viên thì phòng giáo dục có cấp tiền thu nhập tăng thêm cho giáo viên không? Có giáo viên cho rằng nếu nhà trường chi tiêu quá nhiều dẫn đến không còn tiền để cóthu nhập tăng thêm thì mọi người đều chấp nhận bởi số tiền đó đã được chi vào mua sắm trang thiết bị dạy học, khen thưởng để nâng cao chất lượng giảng dạy, thành tích của nhà trường.

Được biết, ngay từ đầu năm học, cấp trên đã cấp một khoản kinh phí không hề nhỏ cho các hoạt động của nhà trường như: chi lương thường xuyên, tiền tiếp khách, mua sắm trang thiết bị đồ dùng dạy học và cơ sở vật chất. Số tiền ấy chỉ có hiệu trưởng và kế toán nắm cụ thể, giáo viên hầu như không hề biết số tiền đó sẽ được chi vào các khoản nào, bởi số tiền ấy đã không được công khai các khoản trước hội đồng nhà trường ngay từ đầu năm học và không được dán công khai trên bảng công khai tài chính của trường để giáo viên theo dõi giám sát xem có chi đúng thực tế đã công khai theo kế hoạch đầu năm hay không.

Việc công khai các nguồn trong và ngoài ngân sách do nhà trường tiết kiệm được cũng không được công khai từng khoản đến cán bộ giáo viên trong buổi họp hội đồng để mọi người được biết, để hội đồng sư phạm nhà trường căn cứ vào tổng số tiền tiết kiệm được đề nghị mức thu nhập tăng thêm cho cán bộ giáo viên cho phù hợp.

Cũng là thu nhập tăng thêm cho giáo viên, ở Hòn Đất làm như vậy, ở ngành giáo dục Tp. Rạch Giá lại khác. Ngày 18/1/2018, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam qua điện thoại, ông Huỳnh Văn Hóa – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Rạch Giá, Kiên Giang đã bác bỏ thông tin việc ông yêu cầu khống chế chi tăng thu nhập cho giáo viên không trên 3 triệu đồng. Ông Huỳnh Văn Hóa nhấn mạnh: Việc chi tăng thu nhập cho giáo viên bao nhiêu đều căn cứ vào quy chế chi tiêu nội bộ của các trường, được thông qua cán bộ, công nhân viên chức, giáo viên của trường đó. Trong quy chế này sẽ ghi rõ tỷ lệ trích lập cuối năm là bao nhiêu, tùy theo điều kiện của từng trường, nhưng cũng phải đảm bảo tính cân đối, tùy theo các khoản thu của từng trường, nhưng cũng cần phải đầu tư cho cơ sở vật chất nữa.

Vậy, theo như lời ông Phạm Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp – Bộ Tài chính và ông Huỳnh Văn Hóa – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Rạch Giá, thì xét thu nhập tăng thêm của giáo viên trong huyện Hòn Đất phân loại theo A,B và khống chế mức chi là 400.000 đồng liệu có đúng?

Điều này đang gây ra rất nhiều bức xúc, khó hiểu cho những thầy cô giáo tại đây. Bởi vậy, rất mong các cấp chức năng huyện Hòn Đất và tỉnh Kiên Giang sẽ sớm đưa ra những phương pháp hợp lý để thầy cô được nhận thành quả cố gắng của bản thân hợp lý.

Thái Bình


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục Hòn Đất (Kiên Giang) bất cập trong xét thu nhập tăng thêm