“Góc khuất” sau những thương hiệu

Trương Thanh Liêm|22/04/2018 23:05
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)Chỉ trong vòng một tuần, người dân trên cả nước đã giật  mình hốt hoảng trước hàng loạt vụ việc “gây sốc” làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Đó là chưa kể đến việc hàng loạt người khác rơi vào vòng xoáy đa cấp từ những thương hiệu được tôn vinh rất hào nhoáng pha lẫn mập mờ về chất lượng sản phẩm.

Giấy chứng nhận của sản phẩm TPCN Vinaca

Từ cà phê pha trộn lõi pin, cà rốt nhúng hóa chất để làm tươi sản phẩm hay mới đây là vụ thực phẩm chức năng Vinaca với lời rao trị bệnh ung thư đi kèm với hệ thống phân phối theo dạng đa cấp… Tất cả đã làm cho người tiêu dùng thật sự lo lắng với hàng loạt câu hỏi: ăn gì, uống gì, mua gì để an toàn và mua ở đâu ? Bởi sản phẩm nguy hiểm, độc hại có mặt khắp nơi từ thành thị đến nông thôn; từ quy mô lớn đến quy mô nhỏ và có những sản phẩm giá bán rẻ đến bất ngờ.

Ở đây chỉ xin đề cập đến vấn đề thương hiệu. Điển hình là TPCN Vinaca. Tháng 10/2017, Công ty TNHH Vinaca được Viện Công nghệ chống làm giả (Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam) phối hợp với Trung tâm Tư vấn hỗ trợ DN và Phát triển thương hiệu trao chứng nhận Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam năm 2017. Đây là bình phong rất hữu hiệu để công ty này mở rộng thị trường trên phạm vi cả nước và đã xuất hiện dấu hiệu của việc bán hàng đa cấp công khai.

Khi vụ việc bị phát hiện thì các cơ quan liên quan đến việc tổ chức công nhận, quảng bá, giới thiệu đã đá “quả bóng trách nhiệm” sang cơ quan khác. Điển hình như sự lý giải của ông Lê Trọng Anh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn hỗ trợ DN và Phát triển thương hiệu, thường trực ban tổ chức lễ vinh danh 10 thương hiệu có uy tín và mức độ bán chạy nhất cả nước năm 2017: “Giải thưởng chỉ chứng nhận về thương hiệu, không đánh giá về chất lượng sản phẩm. Đánh giá chất lượng sản phẩm là thẩm quyền của các cơ quan khác. Chúng tôi tổ chức chương trình tôn vinh thương hiệu, thấy thương hiệu của Vinaca tốt, nhiều người biết, nhiều chi nhánh, hỗ trợ khởi nghiệp nên phù hợp với tiêu chí”. Đây quả là một lời phát biểu vô trách nhiệm với cộng đồng.

Câu hỏi đặt ra là: liệu còn bao nhiêu sản phẩm “có vấn đề” tương tự đã được vinh danh, công nhận và đã được người tiêu dùng đón nhận, sử dụng trong thời gian qua. Cơ quan nào liên đới trách nhiệm với những sản phẩm như vừa nêu?

Nhiều người đã rất bức xúc khi đề nghị phải có những bản án thích đáng, kể cả khung hình phạt cao nhất là tử hình đối với những hành vi tàn độc của những người tạo ra những sản phẩm chết người. Trong thực tế những hành vi tội ác tương tự chỉ bị xử lý quá nhẹ nhàng dẫn đến sự xem thường pháp luật, từ đó tạo tiền lệ xấu cho các trường hợp tương tự sau này.

Nhìn từ góc độ khác, có một thực tế đang diễn ra là các doanh nghiệp tận dụng các giải thưởng tôn vinh thương hiệu để lấy lòng tin khách hàng, để mở rộng thị trường trong khi các đơn vị tổ chức tôn vinh chỉ quan tâm đến lợi nhuận khi tổ chức vinh danh mà không chú trọng đến chất lượng sản phẩm, thậm chí kiểm tra, thẩm định rất qua loa mang tính thủ tục để hợp thức hóa. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận đóng góp tiền theo tinh thần “xã hội hóa” để nhận được các giải thưởng, danh hiệu về sản phẩm, dịch vụ. Sau đó sử dụng các giải thưởng này “câu khách”. Một số doanh nghiệp cũng rất bức xúc khi nhận được những lời mời tự xưng là công ty tiếp thị, truyền thông, tổ chức sự kiện đề nghị tham gia quảng bá sản phẩm và tất nhiên sẽ phải “xã hội hóa” bằng một số tiền tương ứng.

Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp. Quyết định nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm như cấm “huy động kinh phí dưới các hình thức đối với cá nhân, tổ chức trong danh sách tham gia bình chọn xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng”.

Quyết định rõ ràng là vậy nhưng vẫn tồn tại một số ban tổ chức, một số doanh nghiệp vẫn cố tình lách luật, không chấp hành nghiêm, thách thức công luận, ảnh hưởng đến sức khỏe và tiền bạc của nhân dân cần phải xử lý nghiêm minh để trả lại sự bình đẳng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Trương Thanh Liêm


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Góc khuất” sau những thương hiệu