Hà Giang: Phát triển mật ong bạc hà trở thành sản phẩm du lịch đặc thù trên cao nguyên đá Đồng Văn

Phạm Văn Phú|03/07/2018 01:40
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Nuôi ong khai thác mật, nhất là nuôi ong khai thác mật hoa cây bạc hà là một trong những thế mạnh của ngành nông nghiệp Hà Giang, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân trên địa bàn của tỉnh.

Một mô hình nuôi ong mật Bạc hà tại xã Lũng Pù huyện Mèo Vạc, Hà Giang

Trên địa bàn Hà Giang, nghề nuôi ong khai thác mật được phát triển ở hầu hết các huyện, thành phố. Riêng mật ong bạc hà chỉ phát triển duy nhất tại 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn (Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ), vì cây hoa bạc hà chỉ phát triển duy nhất tại vùng này.

Xác định được thế mạnh từ nghề nuôi ong lấy mật hoa cây bạc hà, tỉnh đã ưu tiên tập trung phát triển đàn ong giai đoạn 2016 – 2020. Trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh Hà Giang đã xác định: Tập trung phát triển cây trồng mũi nhọn như: cam, chè, cây dược liệu và đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò và phát triển đàn ong theo hướng hàng hóa.

 Chính vì vậy, trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã đề ra các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ các hộ chăn nuôi ong tại 4 huyện cao nguyên đá. Từ những chính sách hỗ trợ của tỉnh, nghề nuôi ong khai thác mật hoa cây bạc hà tại 4 huyện này dần chuyển từ hình thức chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ sang nuôi ong tập trung với qui mô lớn. Từ đó đã hình thành lên các doanh nghiệp, các HTX phát triển nuôi ong khai thác mật; điển hình như HTX Tuấn Dũng, HTX Hoàng Điệp (huyện Mèo Vạc), Công ty TNHH Trường Anh, HTX Thành Đô (huyện Đồng Văn)…với nguồn thu nhập của mỗi đơn vị từ 950 triệu đồng đến 1,6 tỷ đồng mỗi năm từ mật ong bạc hà. Riêng huyện Đồng Văn, tính đến cuối năm 2017, toàn huyện đã có khoảng 5.500 đàn ong và sản lượng mật thu được đạt trên 19,5 nghìn lít và doanh thu đạt trên 7,5 tỷ đồng.

Mật ong bạc hà huyện Mèo Vạc là một trong các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của Hà Giang

Theo báo cáo, tính đến cuối năm 2017, tại 4 huyện vùng cao nguyên đá đã có 33.251 đàn ong với 2.522 tổ chức, cá nhân phát triển nuôi ong mật bạc hà, tổng sản lượng mật đạt 194.473 lít. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang đã cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý và in, cấp 115.500 tem thông minh truy xuất nguồn gốc cho 3 đơn vị thuộc Hội sản xuất và kinh doanh mật ong bạc hà tại 4 huyện cao nguyên đá. Cùng với đó, công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm mật ong bạc hà cũng được các doanh nghiệp, các HTX tích cực triển khai thực hiện tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Chính vì vậy, sản phẩm mật ong bạc hà của Hà Giang đã được thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng; giá trị của sản phẩm mật ong bạc hà không ngừng được nâng lên.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: Mặc dù sản phẩm mật ong bạc hà của Hà Giang đã khẳng định được uy tín trên thị trường. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn chưa phân biệt rõ sản phẩm mật ong bạc hà, dẫn đến giá trị sản phẩm không cao; phương thức, cách thức tổ chức sản xuất cho người nông dân chưa rõ ràng; công tác quản lý chất lượng, hàng nhái chưa được sâu sát; việc xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn hạn chế…Với quan điểm của tỉnh là phát triển sản phẩm mật ong bạc hà trở thành một sản phẩm đặc trưng góp phần phát triển kinh tế và tạo sản phẩm du lịch đặc thù trên vùng cao nguyên đá. Vì vậy, UBND tỉnh sẽ giao trách nhiệm cho các sở, ngành liên quan tham mưu, triển khai xây dựng và phát triển thương hiệu mật ong bạc hà, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm; xây dựng kế hoạch quảng bá, giới thiệu sản phẩm một cách cụ thể.

Phạm Văn Phú


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Giang: Phát triển mật ong bạc hà trở thành sản phẩm du lịch đặc thù trên cao nguyên đá Đồng Văn