Hà Nội: Cần cải thiện môi trường không khí

Minh Minh (t/h)|11/04/2017 07:08
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) –  Những năm qua thành phố Hà Nội là một trong những địa phương đầu tư lớn để cải thiện chất lượng môi trường không khí. Tuy nhiên, với 4,6 triệu xe máy, 400 nghìn xe ô tô và hàng trăm nhà máy, khu chế xuất hàng ngày thải ra lượng khí thải không nhỏ… Hà Nội đang nằm trong top đầu các thành phố trên thế giới đang phải đối mặt với ô nhiễm không khí.

Mới đây, Hà Nội đã vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động (2 trạm cố định, 8 trạm cảm biến), số liệu quan trắc không khí được cập nhật 24/24 giờ tại cổng thông tin của UBND TP. Tuy nhiên, chất lượng môi trường không khí chưa thực sự được cải thiện, nhất là ở khu vực nội thành, các trục đường giao thông chính và các công trình xây dựng. Nồng độ ô nhiễm bụi ở một số nơi, tại một số thời điểm đã vượt giới hạn cho phép.

Cụ thể, kết quả quan trắc không khí tại các trục giao thông (giai đoạn 2011 – 2014 và 2015 – 2016) đều có hàm lượng benzen vượt Quy chuẩn Việt Nam (QCVN – 06: 2009/BTNMT) từ 1,2 – 2,5 lần. Về độ ồn, đa số các điểm quan trắc đều vượt QCVN, trong đó “nổi cộm” là quận Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy… Các vị trí có nồng độ chất ô nhiễm cao là: Bến xe Mỹ Đình, ngã tư Cổ Nhuế, bến xe Nước Ngầm, chân cầu vượt Phạm Văn Đồng… Môi trường không khí tại 8 khu công nghiệp, 22 cụm làng nghề, cụm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề… thất thường, cần phải cải thiện.

Theo đó, thủ phạm gây ô nhiễm không khí Thủ đô được chỉ “đích danh” gồm: hoạt động giao thông (phát thải khí CO, VOC và NO2); sản xuất công nghiệp, xây dựng (thải ra khói, bụi, khí SO2, CO); sản xuất nông nghiệp (phát sinh khí CO2, CH4, NH3 trong chăn nuôi, bụi, CO2, CO, Nox (đốt rơm rạ). Lại thêm hoạt động của các làng nghề phát sinh ra bụi, khí SO2, NO2, CO, hơi axit. Chôn lấp và xử lý rác thải rắn là tác nhân gây ô nhiễm bụi, CH4, CO2, amoni…

Để cải thiện môi trường không khí, về lâu dài cần giảm bụi, khí thải tại các công trường xây dựng ở khu vực nội thành; xử phạt nặng các hành vi vi phạm về môi trường. Tăng cường thanh tra, giám sát việc xử lý ô nhiễm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đầu tư xây dựng các điểm tập kết để trung chuyển đất, phế thải xây dựng. Mặt khác, triển khai các dự án quan trắc tự động (nước, khí thải) tại các khu vực trọng yếu, nhằm phục vụ công tác dự báo, cảnh báo sớm cho cơ quan quản lý và người dân về các hiện tượng ô nhiễm môi trường cục bộ tại từng khu vực – bà Lưu Thanh Chi – Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết.

Ngoài ra, cần mở rộng khung pháp lý về AQM, bao gồm các bên liên quan như: Công cụ kinh tế, nhu cầu và quy hoạch giao thông, lồng ghép AQM vào quy hoạch sử dụng đất, thắt chặt tiêu chí – quy chuẩn về nguyên liệu, phương tiện giao thông, nâng cao ý thức người tham gia giao thông để giảm lượng khí phát thải ra môi trường.

Minh Minh (t/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Cần cải thiện môi trường không khí