Hà Nội: Sông Hòa Bình bị “đầu độc” bởi chất thải

Theo Sức khỏe & Môi trường|14/12/2016 03:59
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Con sông Hòa Bình ở địa phận xã Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội hàng ngày phải hứng chịu một lượng lớn chất thải rắn, lỏng đổ ra khiến dòng nước trở nên “đỏ quạnh”, ô nhiễm nghiêm trọng.

Nước thải nhà máy “bức tử” dòng sông

Đi dọc theo sông Hòa Bình có thể dễ dàng bắt gặp hàng loạt những nhà máy, công ty xả thải ra môi trường. Đó là những chất thải rắn, lỏng nguy hại đủ các màu sắc, thêm vào đó là những chất thải sinh hoạt của người dân đổ ra khiến nguồn nước sông đen ngòm, bốc mùi hôi thối khó chịu.

Nguồn nước ô nhiễm nặng nề đó lại chính là nguồn nước tưới dồi dào cho các cánh đồng lúa, hoa màu trên địa bàn nhiều năm nay. Trạm bơm khá lớn trên địa bàn xã Tam Hiệp luôn hoạt động hết công suất để hút nước từ những “dòng sông chết” để tưới cho hàng trăm hecta lúa và hoa màu. Sau khi nguồn nước độc hại được xả vào đồng ruộng, hoa màu, trên mương nước vẫn còn còn đọng lại nhiều vết dầu mỡ loang lổ, màu nước vàng khè, màu đỏ thẫm do các nhà máy gây ra.

song-hoa-binh-bi-buc-tu

Nước thải ô nhiễm từ nhà máy chảy ra sông

Tại khu vực ngõ 186 đường Phan Trọng Tuệ (đoạn dẫn vào Trạm bơm nước xã Tam Hiệp) tồn tại một đường ống cống xả thải được cho là của Công ty Cổ phần công nghệ máy và xây lắp VN-Pro – Corp, thời điểm ghi nhận nguồn nước thải chảy ra từ ống cống trên mang nặng mùi hóa chất, nước thải có màu đỏ thẫm, đang sủi bọt… được xả vào hệ thống mương cấp nước cho Trạm bơm xã Tam Hiệp.

Trước đó, sở TN&MT TP.Hà Nội cũng đã xử phạt một số công ty xả thải ra môi trường thuộc khu vực này nhưng đến nay hiện tượng này vẫn diễn ra thường xuyên khiến người dân bức xúc.

Người dân hoang mang do ô nhiễm nước

Bà Nguyễn Thị Hà (xã Tam Hiệp) cho biết: “Mặc dù chúng tôi biết nguồn nước tưới rất độc hại nhưng không dùng thì lấy đâu ra nước, người dân nơi đây đều phải lấy nước từ con sông này để sản xuất nông nghiệp. Nước thải bị ô nhiễm ngấm vào nguồn nước tại các ao hồ nhiễm bẩn nên thả cá thì bị chết hàng loạt”.

Cũng theo bà Hà, nước thải ngấm vào lòng đất canh tác, cứ cày bừa, xới đất lên là thấy đất có màu đen quánh. Cây lúa chưa kịp tốt thì đã bị thối gốc và chết dần, những nơi bị ảnh hưởng ít cũng bị mất mùa. Càng cuốc đất, cày bừa tại ruộng, thì mùi hôi thối bốc lên càng nồng nặc và bay vào khu dân cư.

song-hoa-binh-o-nhiem

Cống xả thải của công ty hàng ngày vẫn hoạt động

“Nhà máy ở quanh đây xả thải rò rỉ hàng ngày, và xả mạnh vào đêm khuya và sáng sớm, những ngày mưa to thì xả nước càng nhiều. Sau đó, nắng lên, mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu. Có lần đi cấy, tôi không mang găng tay và ủng bảo hộ lao động, về nhà thấy ngứa và lở loét khắp chân”- bà Hà cho biết thêm.

Nói về việc độc hại từ nguồn nước xả thải của các nhà máy, xí nghiệp, một người dân chia sẻ: “Chúng tôi phải chịu đựng cảnh mùi bốc lên ô nhiễm nhiều năm trời, đã quen với việc này. Tuy nhiên, vẫn không tránh khỏi việc bị nổi nốt, ghẻ lở, viêm da…”,.

Trên nhiều đoạn sông Hòa Bình, nơi hứng chịu nước thải công nghiệp của rất nhiều nhà máy, các đô thị, khu dân cư, du lịch, thương mại, khách sạn, nhà hàng, cơ sở y tế… lại đang được người dân tận dụng trồng rau muống. Rau mọc thành bè, thành mảng trên dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi nồng nặc.

Ngoài ra, những vùng nước trũng, người dân không cấy được lúa đã tận dụng mặt nước để trồng rau muống dù nước thải được hút lên từ trạm bơm vẫn tuôn ra đen kịt. Lạ một điều, rau muống cứ xanh non mơn mởn, vươn ngọn dài trên dòng nước ô nhiễm ấy, hằng ngày vẫn được hái bán tại các chợ trên địa bàn TP. Hà Nội. Ngay những người trồng rau cũng biết rau được trồng trên nước sông, nước hồ ô nhiễm có hại cho sức khỏe.

Ông Nguyễn Thanh Hiến, Phó phòng TN&MT huyện Thanh Trì cho biết, Thanh Trì là một huyện bị ảnh hưởng rất lớn về ô nhiễm môi trường nước, không khí. “Vừa qua chúng tôi cũng đã xử lý nhiều công ty, nhà máy gây ô nhiễm môi trường. Về việc có cống nước xả thải ra sông Hòa Bình, chúng tôi sẽ phối hợp với cảnh sát môi trường của huyện kiểm tra, xử lý nếu nguồn nước thải vượt ngưỡng cho phép”, ông Hiến khẳng định.

Theo Sức khỏe & Môi trường


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Sông Hòa Bình bị “đầu độc” bởi chất thải