Hà Nội: Tăng cường quản lý phá dỡ, thu gom, vận chuyển, xử lý phế thải xây dựng

Thiên Bình|29/05/2017 03:55
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Hiện nay, các khâu thu gom, vận chuyển, xử lý phế thải còn nhiều bất cập. Nhằm hạn chế tác động tiêu cực do chất thải xây dựng gây ra đối với môi trường. UBND TP Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường quản lý phá dỡ, thu gom, vận chuyển, xử lý phế thải xây dựng trên địa bàn thành phố.

Quản lý rác thải xây dựng đang là bài toán khó đối với các đô thị lớn đặc biệt là Hà Nội

UBND thành phố chỉ đạo, các chủ đầu tư xây dựng công trình trước khi khởi công thi công xây dựng công trình có trách nhiệm gửi thông báo khởi công đến UBND cấp xã, Đội thanh tra xây dựng UBND cấp huyện. Ngoài các hồ sơ thông báo khởi công phải kèm theo hợp đồng ký kết với nhà thầu có đủ điều kiện năng lực và tư cách pháp nhân để thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng đổ đúng nơi quy định và phải có bản cam kết bảo vệ môi trường.

Chủ đầu tư nhà ở riêng lẻ khi có nhu cầu phá dỡ để xây dựng mới hoặc cải tạo công trình cũ, phải thực hiện theo phương án, giải pháp phá dỡ đảm bảo an toàn đối với công trình, các công trình liền kề, lân cận, an toàn lao động, vệ sinh môi trường mỹ quan đô thị trong quá trình thi công; chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc quản lý phá dỡ, thu gom, vận chuyển và xử lý phế thải xây dựng.

Về nhà thầu thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực, tư cách pháp nhân để thực hiện thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng và phải được đăng tải năng lực hoạt động xây dựng công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng, đăng tải giấy phép hoạt động vận chuyển phế thải xây dựng trên trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải.

Tương tự, nhà thầu thi công phá dỡ, đào đắp phải có đủ điều kiện năng lực, tư cách pháp nhân để thực hiện phá dỡ, đào đắp và phải được đăng tải năng lực hoạt động xây dựng công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng. Nhà thầu tư vấn giám sát phải có đủ điều kiện năng lực, tư cách pháp nhân để thực hiện giám sát thi công phá dỡ, thi công xây dựng công trình theo quy định và phải có chứng chỉ năng lực và được đăng tải công khai thông tin trên trang điện tử của Sở Xây dựng. Đơn vị quản lý xử lý phế thải xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực, tư cách pháp nhân để quản lý xử lý phế thải xây dựng; báo cáo Sở Xây dựng về các thông tin quản lý xử lý phế thải xây dựng để được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng.

UBND cấp huyện tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn nghiêm chỉnh thực hiện các quy định. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến các quy định như: Công tác xin cấp giấy phép xây dựng phải có cam kết các điều kiện, yêu cầu đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình thi công; tổ chức thi công phá dỡ công trình; các yêu cầu đảm bảo môi trường trong quá trình thi công…

UBND cấp xã phổ biến, tuyên truyền cho các chủ thể tham gia xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ các chủ đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn được biết và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng; quy định bắt buộc với chủ đầu tư công trình nhà ở riêng lẻ khi phá dỡ để xây dựng mới hoặc cải tạo công trình phải ký hợp đồng với nhà thầu có đủ điều kiện năng lực, tư cách pháp nhân để thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng đổ đúng nơi quy định…

Thiên Bình

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Tăng cường quản lý phá dỡ, thu gom, vận chuyển, xử lý phế thải xây dựng