Hà Nội: Thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

24/04/2017 07:17
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn về triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ảnh minh họa

Công văn nêu rõ, sau 3 năm triển khai thực hiện Chiến lược cần được tập trung giải quyết bao gồm: Củng cố thể chế, hệ thống quản lý nhà nước về đa dạng sinh học từ trung ương đến địa phương một cách thống nhất, có hệ thống, hiệu quả và toàn diện; tăng cường và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành trong việc trao đổi, chia sẻ, phối hợp xử lý thông tin về các đối tượng và tương trợ tư pháp về điều tra hình sự đối với các tội phạm trong lĩnh vực đa dạng sinh học, đặc biệt là sự phối hợp của các lực lượng như: Cảnh sát môi trường, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, An ninh hàng không, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Interpol… đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép động, thực vật hoang dã và sản phẩm của động, thực vật hoang dã.

Rà soát, sửa đổi các luật: Thủy sản, Bảo vệ và Phát triển rừng, Đa dạng sinh học, Pháp lệnh Giống cây trồng và Giống vật nuôi và hệ thống văn bản dưới Luật theo hướng khả thi, thống nhất và đồng bộ, đặc biệt trong các vấn đề về quản lý hệ sinh thái, quản lý và bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã, quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích.

Tăng cường các biện pháp nhằm thực thi pháp luật đa dạng sinh học hiệu quả thông qua việc thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong các hoạt động quy hoạch phát triển; xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án có ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, trong đó đặc biệt lưu ý lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học trong các công cụ đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường.

Tăng cường năng lực cho cơ quan thực thi pháp luật trong lĩnh vực đa dạng sinh học; tăng cường đào tạo cán bộ nòng cốt cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học từ trung ương đến địa phương.

Thiết lập và áp dụng hệ thống báo cáo, chia sẻ thông tin và cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học ở các cấp (quốc gia, tỉnh, khu bảo tồn); đưa thông tin về đa dạng sinh học vào hệ thống thống kê quốc gia.

Bố trí nguồn kinh phí ổn định, thường xuyên cho hoạt động quản lý nhà nước về đa dạng sinh học ở cấp trung ương và địa phương; xây dựng chính sách đầu tư và tài chính dài hạn của Nhà nước cho bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học của Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 hoặc 2025; đa dạng hoá các nguồn tài chính; đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng các cơ chế tài chính mới để hỗ trợ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Thiên Bình


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030