Hà Nội, TP. HCM: Thu gom, xử lý rác thải điện tử

Bùi Anh Tuấn/SGGP|08/09/2018 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Ở nước ta, việc thu hồi và xử lý rác thải là các thiết bị điện tử đã được phát động tại TPHCM và Hà Nội nhằm thu gom tái chế và nâng cao nhận thức của người dân về mối nguy hại của rác thải điện tử, đồng thời phát đi thông điệp bảo vệ môi trường trong cộng đồng xã hội.

>>>Quảng Nam tăng cường ứng phó sự cố, cháy nổ

>>> Trà Vinh: Mở lớp tập huấn trồng rau trên đất giồng cát

VNTC thu hồi và tái chế miễn phí rác thải điện tử an toàn, thân thiện với môi trường

Loại rác rất độc hại

Rác thải điện tử là bất kỳ các sản phẩm sử dụng điện nào có dây dẫn điện hay pin, thường chứa các loại hóa chất độc hại. Với sự phát triển công nghệ, lượng rác thải điện tử đang có xu hướng gia tăng theo từng năm, nếu không xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nếu các chất độc này đi vào cơ thể, sẽ gây rối loạn hoặc ngưng các phản ứng sinh hóa bình thường, có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, đường hô hấp, tim mạch và thần kinh.

Hiện nay ở nước ta các thiết bị điện tử không còn giá trị sử dụng đều bị bỏ chung với rác thải sinh hoạt để xử lý chôn lấp hoặc đốt. Cả 2 phương pháp này đều sai. Các chất thải như chì, thủy ngân, đồng, niken, bari hay arsen có rất nhiều trong các thiết bị điện tử không được phân hủy sẽ rò rỉ ra môi trường, rất nguy hiểm. Đặc biệt pin là loại rác thải độc hại nhất, trong pin có các kim loại nặng như chì, thủy ngân, kẽm, cadmium… cực độc nếu đi vào cơ thể con người dù chỉ một lượng nhỏ. Nếu vứt pin đã qua sử dụng vào thùng rác, pin sẽ bị đốt hoặc chôn với rác thải thông thường, cách nào cũng gây ô nhiễm môi trường không khí, đất và nước; 1 viên pin dùng hết khi vứt đi có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1m3 đất trong 50 năm.

Năm 2014, Chính phủ Việt Nam chỉ đạo giải quyết nạn gia tăng lượng rác thải điện tử và mong muốn xây dựng một quy trình tái chế rác thải điện tử chuyên nghiệp để thay thế các phương pháp tái chế không đạt tiêu chuẩn, từ đó ngăn chặn tác động tiêu cực đến sức khỏe và môi trường. Để đáp ứng yêu cầu này, các nhà sản xuất cùng nhau thiết lập và tham gia vào quy trình thu hồi, tái chế rác thải điện tử, đây được xem là việc làm rất cần thiết để mang lại hiệu quả cao trong việc cải thiện môi trường.

Tái chế để giảm ô nhiễm môi trường

Việt Nam Tái Chế (Vietnam Recycles – VNTC) là tổ chức thực hiện việc thu hồi và xử lý miễn phí rác thải điện tử, trong đó có hỗ trợ xử lý pin đã qua sử dụng. Chương trình này được cung cấp và tài trợ bởi các nhà sản xuất điện tử. Trong những năm gần đây, VNTC đã kết hợp với Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM, 10 trường đại học (trong nước và quốc tế trên địa bàn TPHCM, Hà Nội) phát động nhiều chương trình thu gom rác thải điện tử, hướng dẫn cách sử dụng, loại bỏ các thiết bị điện tử đã qua sử dụng một cách thân thiện với môi trường. Các hoạt động này đã nhận được sự hưởng ứng từ phía các doanh nghiệp, người dân, nhất là các bạn sinh viên. Qua đó, vấn đề sức khỏe con người và môi trường sống được quan tâm chú trọng nhiều hơn; việc thu gom pin, không thải pin đã qua sử dụng ra môi trường được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

Nhằm tạo điều kiện cho người dân dễ dàng thải bỏ rác thải điện tử một cách có trách nhiệm, VNTC lập 10 điểm thu gom rác thải điện tử tại Hà Nội và TPHCM. Tại TPHCM: UBND phường 9 quận 3 (82 Bà Huyện Thanh Quan); UBND phường 15 quận 4 (132 Tôn Thất Thuyết); UBND phường 17 quận Phú Nhuận (22 Nguyễn Văn Trỗi); UBND phường 2 quận Bình Thạnh (14 Phan Bội Châu); Trung tâm MM Mega Market An Phú (khu B, khu đô thị mới An Phú – An Khánh, phường An Phú, quận 2). Tại Hà Nội: Nhà Văn hóa phường Nghĩa Tân quận Cầu Giấy (45 Nghĩa Tân); Ban Quản lý công trình công ích quận Hoàn Kiếm (1A Trần Quang Khải, phường Tràng Tiền); UBND phường Quán Thánh quận Ba Đình (12-14 Phan Đình Phùng); UBND phường Thành Công quận Ba Đình (9 Thành Công); Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (17 Trung Yên 3).

Tất cả các thiết bị điện tử thải bỏ được VNTC vận chuyển bằng xe chuyên dụng có giấy phép phù hợp theo quy định của Luật Môi trường, đưa đến nhà máy được cấp phép xử lý chất thải nguy hại. Tại đây, các thiết bị điện tử sẽ được xử lý bằng cách tháo dỡ theo quy trình chuyên nghiệp, tuân thủ việc bảo vệ môi trường và sức khỏe. Tất cả nguyên liệu thu hồi sau tái chế sẽ được phân loại đến các cơ sở phù hợp để tiếp tục xử lý. Theo thống kê của VNTC, tổng khối lượng thiết bị điện tử đã được thu gom từ năm 2015 đến hết năm 2017 khoảng 15 tấn. Trong đó, riêng năm 2017 VNTC đã thu gom được 10 tấn rác thải điện tử. Chủ yếu lượng rác thải điện tử được thu gom từ các doanh nghiệp, gồm máy tính, máy in, máy fax, máy scan…

Tuy nhiên, tổng khối lượng thiết bị điện tử đã được thu gom vẫn chỉ là con số quá nhỏ so với hơn 90.000 tấn rác thải điện tử mà người Việt Nam thải ra mỗi năm. Do vậy, VNTC và Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM đang phối hợp với 10 trường đại học nâng cao nhận thức của mọi người về tầm quan trọng của việc thu gom và tái chế rác thải điện tử thân thiện với môi trường; cùng nhau lan tỏa thông điệp xanh, đẩy mạnh thu gom các thiết bị điện tử thải bỏ và tái chế theo quy trình tiêu chuẩn quốc tế. Đồng hành cùng chương trình, mỗi trường đại học chọn ra một nhóm sinh viên tổ chức các hoạt động tuyên truyền vận động thu gom rác thải điện tử định kỳ trong cộng đồng sinh viên thông qua các hình thức như tờ rơi, poster, banner, loa phát thanh trường, mạng xã hội… Mỗi trường đặt một thùng chứa rác thải điện tử ngay tại khuôn viên trường để tập kết về các điểm thu gom rác thải điện tử của VNTC.

Bùi Anh Tuấn/SGGP

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội, TP. HCM: Thu gom, xử lý rác thải điện tử