Hậu Giang nỗi lo chất lượng môi trường nước

05/01/2018 08:41
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Theo kết quả được Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hậu Giang công bố mới đây cho thấy dù một vài chỉ tiêu về môi trường đã được cải thiện, song nhìn chung vẫn không đạt yêu cầu, chất lượng môi trường tại một số điểm vẫn còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, chất lượng môi trường nước đang là mối lo hàng đầu trong tỉnh Hậu Giang.

Chất lượng môi trường nước đang là mối lo hàng đầu – Ảnh minh họa

Nước mặt ngày càng ô nhiễm

Theo Trung tâm Quan trắc TN&MT, qua công tác quan trắc nguồn nước mặt ở một số kênh rạch trên địa bàn tỉnh năm 2017 cho thấy, chất lượng nguồn nước mặt vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Tại các vị trí quan trắc, nguồn nước đang bị ô nhiễm hữu cơ, vi sinh do tác động từ nước thải, chất thải. Tại các sông, kênh, rạch chính trên địa bàn tỉnh như: kênh xáng Xà No, sông Cái Côn, sông Lái Hiếu, sông Hậu đoạn chảy qua địa bàn huyện Châu Thành, một số tuyến kênh thuộc huyện Long Mỹ… chất lượng nước đều bị ô nhiễm thể hiện qua kết quả các thông số như: sắt, TSS, N-NH4+, BOD5, COD, Coliforms… đã vượt giới hạn cho phép của QCVN08-MT:2015/BTNMT. Đặc biệt, tại các điểm thường xuyên tiếp cận với lượng nước thải lớn từ các khu đô thị, chợ, nhà máy, xí nghiệp thì chất lượng nước tại nơi này đã bị ô nhiễm nặng.

Kênh xáng Xà No có vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp nước sinh hoạt hàng ngày cho hàng ngàn hộ dân, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản… Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, chất lượng nguồn nước mặt của tuyến kênh này đang bị ô nhiễm, có những khu vực bị ô nhiễm nặng.

Qua kết quả quan trắc môi trường cho thấy chất lượng nước mặt kênh xáng Xà No có dấu hiệu ô nhiễm về hữu cơ và vi sinh. Trong số 9 điểm quan trắc phát hiện bị ô nhiễm nặng thì có đến 5 điểm quan trắc tại kênh xáng Xà No. Cụ thể, chỉ số chất lượng nước mặt trên kênh xáng Xà No tại các vị trí gần Nhà máy nước Vị Thanh, cách Xí nghiệp đường Vị Thanh 50m, gần chợ Một Ngàn… đều đã bị ô nhiễm nặng, không phù hợp cho mục đích cấp nước sinh hoạt và bảo tồn động, thực vật thủy sinh. Các chỉ tiêu định kỳ như: TSS (thông số chất rắn lơ lửng), chất hữu cơ, vi sinh, sắt tại các khu vực này qua đợt quan trắc luôn ở mức cao và vượt chuẩn quy định.

Không chỉ kênh xáng Xà No, kênh xáng Nàng Mau, ngoài đáp ứng nhu cầu giao thông, cấp nước, tưới tiêu, phục vụ sinh hoạt, nơi đây cũng là nguồn tiếp nhận lượng nước thải từ các hoạt động sản xuất và nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư, chợ. Qua kết quả đo cho thấy, chất lượng nước mặt nơi đây cũng đang ngày càng suy giảm. Cụ thể, thông số DO (lượng oxy hòa tan) đều ở mức thấp và dưới ngưỡng quy chuẩn quy định. Chất thải rắn lơ lửng có chiều hướng tăng cao và vượt chuẩn quy định, có điểm tăng cao hơn quy chuẩn đến 5,2 lần.

Không khí cũng có xu hướng ô nhiễm

Không chỉ có ô nhiễm nước mặt, qua các thông số của các thiết bị đo đạc, chất lượng không khí cũng đang có xu hướng bị ô nhiễm, đặc biệt là các khu vực đô thị, khu vực tập trung hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề, khu dân cư. Tại các trạm quan trắc như ngã ba Cái Tắc, ngã ba Quốc lộ 1A – chợ Ngã Bảy, trước cổng Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, hiện tượng nồng độ các chất ô nhiễm, tiếng ồn luôn cao hơn so với các khu vực khác. Cụ thể, NO2 dao động khá lớn, vượt mức cho phép từ 1,2 đến 2,2 lần, tiếng ồn cũng vượt giới hạn cho phép từ 1-1,2 lần.

Bên cạnh ô nhiễm không khí, chất lượng môi trường đất mặt tại các điểm quan trắc nhìn chung vẫn còn tốt, chưa có dấu hiệu ô nhiễm. Hầu hết các điểm quan trắc nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, cũng còn một số vị trí vượt quy chuẩn như: đất khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, đất trồng lúa kết hợp lúa – màu, lúa – thủy sản có thông số As vượt dao động từ 1,08-1,3 lần.

Ông Lý Quốc Sử, Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN&MT Hậu Giang, cho biết: Chất lượng môi trường ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều nơi bị ô nhiễm nặng như các đoạn đi ngang quốc lộ, khu dân cư, khu công nghiệp. Đặc biệt, chất lượng nước mặt nhiều nơi bị ô nhiễm nặng như các đoạn chảy qua khu vực nội thành, nội thị, khu công nghiệp, làng nghề… Do đó, trong thời gian tới, giải pháp đưa ra là tập trung xử lý triệt để, di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư, chuyển vào các khu công nghiệp. Đồng thời, yêu cầu tất cả các khu, cụm công nghiệp xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống xử lý nước thải tập trung, giám sát hoạt động xả thải theo quy định, đặc biệt là các nguồn thải lớn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nắm tình hình về công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, khuyến cáo người dân trong việc sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo kết quả quan trắc cho thấy, trong tổng số 32 điểm quan trắc nước mặt thì chất lượng nước tại 9 điểm quan trắc đã bị ô nhiễm ở mức cao, chiếm tỷ lệ 28%; 11 điểm quan trắc đảm bảo sử dụng cho giao thông thủy và các mục đích tương đương khác, chiếm tỷ lệ 34%; chất lượng nước mặt tại các điểm quan trắc còn lại sử dụng tốt.

Theo báo Hậu Giang


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu Giang nỗi lo chất lượng môi trường nước