(Moitruong.net.vn) – Để có Thủ đô Hà Nội xanh không chỉ hiểu đơn thuần là có nhiều cây xanh, công viên, mặt nước hay thêm nữa là tiết kiệm năng lượng mà rất cần hiểu đầy đủ để đổi mới cách quản lý, đổi mới nhận thức, đổi mới huy động nguồn lực phát triển.

 Đây còn là vấn đề toàn cầu hóa vừa được gần 200 quốc gia trên thế giới thỏa thuận có giá trị lịch sử về ứng phó với biến đổi khí hậu, sự kiện được xem là nổi bật của thế giới năm 2015.
Từ bước đi đầu tiên – quy hoạch…
Hà Nội cần quy hoạch xây dựng xanh, đây là bước đi đầu cần xác lập để có định hướng cho phát triển để bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Năm năm qua, sau Quy hoạch chung Thủ đô được phê duyệt, TP đã quan tâm và hoàn thành cơ bản các đồ án quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, thị xã, thị trấn, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành… Đặc biệt quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ TP đến 2030 đã được phê duyệt từ tháng 3/2014 góp phần cụ thể hóa định hướng phát triển Hà Nội xanh, sạch, giải quyết ô nhiễm môi trường trong nội thành cũ, duy trì, phát triển hệ thống không gian xanh trên cơ sở khai thác lợi thế tiềm năng sẵn có, phát huy truyền thống.
25
Ảnh: Phạm Hùng
Gần đây (tháng 12/2015) quy hoạch phân khu GS – vùng đệm xanh của TP liên quan đến địa bàn của 9 quận, huyện: Nam – Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín với tổng diện tích gần 7.000ha đã được TP phê duyệt. Đây là khu vực được quy hoạch để phát triển khu sinh thái, tạo lập không gian mở, cảnh quan thiên nhiên, đảm bảo môi trường bền vững.
Quy hoạch đã tạo lập được bước đi ổn định song còn rất cần tạo được sự thống nhất giữa các quy hoạch và hơn hết là quản lý xây dựng theo quy hoạch.
Hiện thực hóa bằng công trình xanh
Thủ đô Hà Nội xanh, quy hoạch xanh phải được hiện thực hóa từ những công trình xanh. Các yêu cầu đặt ra, đó là: Công trình xây dựng ở địa điểm phù hợp quy hoạch, tôn tạo hệ sinh thái tự nhiên; Tạo lập môi
Hà Nội xanh là mục tiêu hướng tới đã được xác định, song rất cần các giải pháp đồng bộ với sự tham gia của các nhà quản lý, của cộng đồng xã hội.

trường sạch trong từng khu vực trong nhà, chú trọng khai thác không khí, ánh sáng tự nhiên, giảm tác động bức xạ; Khai thác kinh nghiệm kiến trúc truyền thống, bản sắc văn hóa; và tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu tài nguyên hợp lý thân thiện với môi trường. Rất đáng mừng khi đây là những yêu cầu được TP quan tâm, giám sát thực hiện và đã xây dựng chương trình nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng giai đoạn 2011 – 2015. Theo báo cáo của Trung tâm tiết kiệm năng lượng Hà Nội, đã hỗ trợ kiểm toán năng lượng của 51 tòa nhà, trong đó đã có hàng trăm giải pháp tiết kiệm năng lượng được thực hiện. Một số ngôi nhà đạt hiệu quả cao như Tòa nhà HITC, Khách sạn Sheration, tòa nhà Ocean Park…
Thực tế đã có nhiều công trình xanh của KTS Việt Nam được thế giới công nhận và được cộng đồng dân cư quan tâm như chung cư Number One, khu nhà ở thu nhập thấp ở Đặng Xá II đều do Tổng Công ty Viglacera đầu tư xây dựng. Xu thế công trình xanh cần được khuyến khích để nhiều hơn nữa chủ đầu tư, nhà tạo lập dự án quan tâm, đầu tư phát triển.
Giao thông không chỉ có bụi mà còn có thể “xanh”  
Phát triển giao thông đi trước một bước là tiền đề, động lực để phát triển kinh tế – xã hội, đô thị. Trước hết, đô thị rất cần phát triển hệ thống giao thông sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, thắt chặt kiểm soát tiêu chuẩn môi trường. Do đó, cần quan tâm hơn dành quỹ đất cho giao thông; hạn chế lượng xe  cá nhân, bởi nếu không có quyết sách quyết liệt sẽ khó thực hiện mục tiêu xanh hóa đô thị.
Công nghiệp – không chỉ chú trọng vào số lượng
TP đã xác định xây dựng mới, mở rộng 15 khu công nghiệp, phát triển các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề. Để hướng tới công nghiệp xanh không chỉ là phát triển về số lượng mà quan trọng hơn hết đó là áp dụng công nghệ mới, năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường, phát sinh chất thải thấp, giảm thiểu chất thải ra môi trường. Khó khăn đặt ra đối với vấn đề này là quản lý, giám sát các cơ sở hiện có, di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi nội đô. Với các làng nghề đang có đóng góp tích cực cho tạo lập bản sắc Hà Nội song cũng đang rất cần có hướng phát triển theo hướng bảo vệ môi trường, chất thải phải được xử lý, tách sản xuất ô nhiễm ra khỏi khu dân cư.
Cấu trúc đô thị xanh và cộng đồng
Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2030 đã xác định cấu trúc Đô thị Hà Nội là chùm đô thị có hệ thống không gian xanh là hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh. Công viên TP với vùng ngoại thành chiếm gần 70% diện tích tự nhiên là khu hậu cần đô thị, khu cảnh quan đảm bảo môi trường sống cho đô thị. Những thành tựu TP đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới vừa qua không chỉ tác động đến nâng cao đời sống cho người dân nông thôn mà còn tác động đến cả TP. Thách thức trước mắt vẫn là phát triển không gian xanh công cộng, xây dựng vùng chuyên canh chất lượng cao, bảo vệ rừng sinh thái… Đô thị xanh là hướng tới xây dựng môi trường sống bền vững cho người dân song cũng rất cần cộng đồng dân cư có trách nhiệm, đặc biệt là cách ứng xử văn hóa tại các không gian công cộng…, người dân tham gia xây dựng vườn hoa, sân chơi.
Đến xây dựng mô hình “quản lý xanh”
Mô hình quản lý phát triển đô thị không chỉ là phát huy hiệu quả quản lý mà còn cần hướng tới chiến lược lâu dài, xây dựng mô hình quản lý đô thị thông minh đang là xu thế tất yếu của thời đại. Rất cần tiếp cận xu thế quốc tế, tạo ra nhiều tiền đề ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông, giải quyết thủ tục hành chính qua mạng. Việt Nam hiện đã có 43% tổng số dân sử dụng công nghệ thông tin. Cao hơn mức trung bình của châu Á là 35%, thế giới là 42%, đây là thuận lợi lớn nhưng cũng đang thách thức lớn, là hướng tới ứng dụng để quản lý, giám sát trong phát triển kinh tế – xã hội.
Mùa xuân mới với khí thế mới, phấn khởi mới, niềm tin mới, chúng ta hy vọng Thủ đô Hà Nội sẽ là đô thị xanh ngang tầm với các đô thị  xanh hiện đại trên thế giới.

(Theo KT&ĐT)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiện thực hóa một Thủ đô xanh