Hoài niệm trong tôi chợ Tết ngày thơ

Nguyễn Văn Học|15/02/2018 02:16
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Thuở còn đi học, đọc đến bài thơ Chợ tết của Đoàn Văn Cừ, tôi thấy hình ảnh trong bài thơ sao mà gần gũi, thân thương với mình biết mấy. Chợ Tết quê tôi cũng có nét tương đồng như thế, và hình ảnh theo mẹ đi chợ Tết trong những ngày cuối năm vào những ngày xa xưa ấy đã để lại trong tôi cảm xúc bồi hồi khó phai. Để đến bây giờ mỗi độ Tết đến, bao ký ức ngày xưa ấy lại ùa về trong tôi, cho tôi một nỗi nhớ thân thương.

Không khí chợ Tết ngày xưa

Chợ quê tôi là chợ Túy Loan thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, nằm gần bến sông, mang đầy đủ đặc trưng của chợ làng quê Việt Nam là có cây đa, bến nước, sân đình.

Vào những ngày cuối năm, chợ quê tôi tấp nập, đông vui lắm. Đặc biệt, vì là chợ cuối năm, người mua, kẻ bán rất đông, đông quá không còn chỗ để bày hàng bàn mà người đi chợ phải họp ra cả ngoài đường. Hồi ấy tôi thích cảm giác được theo mẹ đi chợ tết lắm.

Tôi nhớ như in những ngày Tết ấy, trời chưa sáng hẳn, khi ánh lửa bắt đầu bập bùng dưới gian bếp là tôi đã choàng dậy chuẩn bị đi chợ tết với mẹ. Gập ghềnh theo mẹ bước thấp bước cao, tôi và mẹ ra khỏi con đường làng hòa nhập dòng người đi chợ. Trên quang gánh các mẹ, các chị là sản phẩm trồng ở vườn nhà nào là chuối, cam, dừa, nếp, gà… Trên đường đi tiếng nói, tiếng cười cùng với tiếng chào làm vang động cả con đường, rung rinh những hạt sương sớm đang nhảy múa dưới ánh nắng ban mai. Lẽo đẽo theo sau mẹ, trong đầu tôi thầm nghĩ miên man sẽ được mẹ sắm quần áo mới, giày dép và cho ăn quà…

Chợ Tết rất đa dạng sản phẩm, nào là các loại bánh khô, bánh in, bánh tét, bánh tổ, nào là trái cây thờ cúng ba ngày tết… Cũng chỉ mất ít thời gian ngắn là mẹ tôi đã bán hết sản phẩm mang theo. Chợ càng lúc càng đông. Sợ tôi bị lạc, mẹ dẫn tôi len theo dòng người vào trung tâm chợ. Một thế giới đầy đủ màu sắc hiện ra, nào là áo quần, giày dép, là bánh mứt, là trò chơi. Tất cả làm tôi ngẩn ngơ thích thú.

Thấy tôi ngần ngừ đứng ngắm say sưa trước gian hàng đồ chơi nặn bằng đất sét với đủ loại con vật nhiều màu sắc, mẹ dường như hiểu được tâm trạng của tôi. Mẹ đã mua cho tôi một con gà bằng đất nhỏ nhắn. Một con gà bằng đất sét thôi, mà khi thổi lên âm thanh “te te” của nó đã làm xao động cả lòng. Nâng con gà trên tay, tôi nhìn mẹ bằng ánh mắt cảm ơn, hạnh phúc.

Con gà đất dễ vỡ nên tôi rất cẩn trọng, tôi nâng niu, gìn giữ nó như một thứ quý giá. Và giờ đây khi đã trưởng thành, chợ Tết ngày nay cũng đã không còn được như xưa, nhưng con gà đất mà mẹ mua cho tôi trong phiên chợ Tết năm nào vẫn còn trong ngăn kéo của tôi – một kỷ niệm về người mẹ thân thương cũng như hương vị chợ Tết xưa mãi vang vọng bên tôi, suốt đời tôi không thể nào quên.

Xã hội phát triển, cái vị chợ Tết mộc mạc ngày xưa cũng đã không còn, thay vào đó giờ đây cái chợ ấy do nhu cầu phát triển giao lưu hàng hóa nên đã dịch chuyển về gần trung tâm hành chính của huyện, không khí họp chợ cũng không còn giống như ngày xưa. Giờ đây, mỗi lần về quê trong dịp Tết, đi ngang qua khu vực chợ cũ ngày xưa. Lòng tôi cảm thấy có cái gì rưng rưng, nuối tiếc và bao kỷ niệm ngày xưa đi chợ tết cùng mẹ lại ùa về.

Tôi còn nhớ lắm, cái chợ Tết thời ấy, có cái thích thú hồn nhiên của tuổi thơ, có tình thương của mẹ, có cả hương vị quê hương.  Cái cảm giác như xa mà lại gần, vì trong sâu thẳm mỗi chúng ta, cũng giống như tôi khi đã được trải qua cảm giác chợ Tết quê mộc mạc, cái chợ Tết năm xưa vẫn còn đó như một phần kỷ niệm cuộc đời tuổi thơ cùng người mẹ thân yêu khi mỗi độ tế đến Xuân về.

Nguyễn Văn Học 


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoài niệm trong tôi chợ Tết ngày thơ