Hội nghị toàn thể Ủy ban Mê Công Việt Nam lần thứ nhất năm 2018

Theo Monre|15/03/2018 12:25
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Ngày 14/3, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn thể lần thứ nhất năm 2018 với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và 4 tỉnh Tây Nguyên gồm Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Trần Hồng Hà phát biểu khai mại Hội nghị

Tham dự Hội nghị còn có Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên.

Hội nghị nhằm kiểm điểm tình hình hoạt động của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam từ Hội nghị toàn thể của Ủy ban năm 2017 và phương hướng triển khai thực hiện Chương trình công tác của Ủy ban năm 2018; thảo luận phương hướng triển khai thực hiện chức năng nhiệm vụ mới cho tổ chức kiện toàn Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và cập nhật thông tin về tình hình phát triển trên lưu vực sông Mê Công, bao gồm hoạt động của Ủy hội sông Mê Công quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Trần Hồng Hà phát biểu chủ trì Hội nghị

Nhiều nỗ lực trong đàm phán, trao đổi với các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công để giải quyết các vấn đề sông biên giới, khai thác và chia sẻ nguồn tài nguyên nước

Phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: Là tỉnh miền núi Tây Nguyên, Gia Lai là một trong 17 tỉnh thuộc lưu vực sông Mê Công. Tỉnh đã được hưởng lợi từ nguồn nước của 02 lưu vực sông và các lợi thế khác mang lại cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tỉnh đã quy hoạch và sử dụng hiệu quả nguồn nước lưu vực sông Sê San, Sê rêpok là hai sông có nguồn tài nguyên nước phong phú, kết hợp với địa hình dốc được xem là lợi thế trong phát triển thủy điện, thủy lợi, phát triển rừng, tưới tiêu, cấp nước công nghiệp, sinh hoạt theo hướng hiệu quả tiết kiệm, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế – xã hội cải thiện điều kiện sinh sống của người dân các tỉnh Tây Nguyên.

Chủ tịch Võ Ngọc Thành cũng đánh giá cao vai trò của lãnh đạo và thành viên của Ủy ban sông Mê Công nhất là cơ quan thường trực thời gian qua trong việc đàm phán, trao đổi với các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công để giải quyết các vấn đề sông biên giới, khai thác và chia sẻ nguồn tài nguyên nước và các vấn đề ưu tiên khác trong lưu vực sông Mê Công là thiết thực và hiệu quả.


Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Võ Ngọc Thành phát biểu

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Trần Hồng Hà nêu rõ: Tiếp theo Hội nghị lần thứ 2 năm 2017 tại thành phố Long Xuyên (An Giang) đến nay diễn biến tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, các hoạt động khai thác sử dụng nước ở thượng nguồn ngày càng cao hơn.

Ý thức được các thách thức nêu trên, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu, ngoài việc chỉ rõ những tác động và nguyên nhân tác động, đã xác định các giải pháp phù hợp trong thời gian tới, trong đó có những nhiệm vụ rất cụ thể cho từng Bộ, ngành thành viên Ủy ban sông Mê Công Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã có nhiều hoạt động cụ thể, đã kịp thời thực hiện nhiều nhiệm vụ hết sức cấp bách, quan trọng.

Ông Lê Đức Trung – Chánh Văn phòng Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam báo cáo

Tại Hội nghị, ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã trình bày Chương trình công tác của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam năm 2018; Đề án Kiện toàn Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; Hội nghị cấp cao lần thứ 3 Ủy hội sông Mê Công quốc tế (được tổ chức vào tháng 4/2018).

Theo báo cáo, năm 2018 dự báo tiếp tục là năm có nhiều biến động về khí tượng thủy văn trên lưu vực sông Mê Công. Biến đổi khí hậu cùng các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục là thách thức đối với các ngành sản xuất, đời sống dân sinh và sự phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia ven sông, đặc biệt ở thượng nguồn gia tăng mạnh trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu góp phần làm suy giảm dòng chảy trong mùa kiệt, gây ra các biến động dòng chảy mùa chảy, giảm lượng phù sa về đồng bằng sông Cửu Long gây các tác động nghiêm trọng như gia tăng xâm nhập mặn, gây sạt lở lòng bờ sông bờ biển, suy giảm hệ sinh thái, sản lượng thủy sản và các ngành kinh tế xã hội khác.

Các quốc gia thượng lưu cũng đang đẩy nhanh các công việc xây dựng các công trình khai thác sử dụng tài nguyên nước sông Mê Công như các công trình thủy điện dòng chính của Lào và Campuchia, các dự án chuyển nước sông Mê Công của Thái Lan và Campuchia.

Ông Lê Đức Trung cho biết, trong năm 2018, hợp tác Mê Công cũng sẽ có những hoạt động quan trọng, đặc biệt là Hội nghị cấp cao lần thứ 3 của Ủy hội sông Mê Công quốc tế (tháng 4/2018) để Thủ tướng Chính phủ của các quốc gia thành viên tiếp tục khẳng định cam kết thực hiện hiệu quả Hiệp định Mê Công 1995 và mở rộng đối tác chiến lược, tăng cường kết nối với các hợp tác khác trong khu vực. Việt Nam sẽ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế nhiệm kỳ năm 2018.

Trước tình hình gia tăng các hoạt động phát triển ở thượng nguồn sông Mê Công gây tác động bất lợi tới Việt Nam, năm 2018 Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tiếp tục chuẩn bị và triển khai thực hiện Nghiên cứu tác động chi tiết của các phương án phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Công và xây dựng các biện pháp ứng phó và chủ động đề xuất chủ trương, đối sách của Việt Nam. Ủy ban cũng được giao thực hiện một nhiệm vụ trong Nghị quyết số 120/CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, xác định các định hướng và giải pháp cho phát triển bền vững ĐBSCL.

Toàn cảnh Hội nghị

Thông điệp cho việc phát triển các công trình trên lưu vực sông Mê Công

Trước đó, ông Phạm Tuấn Phan – Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã trình bày Kết quả nghiên cứu chung của Ủy hội sông Mê Công quốc tế. Báo cáo đã nêu một cách toàn diện, bao quát và chính xác nghiên cứu của Ủy hội về công trình trên lưu vực. Báo cáo đã xem xét ở các con số tác động toàn diện nhất bao gồm không chỉ vấn đề thủy điện mà các lĩnh vực và các ngành phát triển. Các thông số ảnh hưởng không chỉ trong lưu vực, cho từng nước và hạ nguồn.

Trên cơ sở nghiên cứu bao gồm cả tác động tích cực và tiêu cực của các kịch bản phát triển tài nguyên nước ở lưu vực sông Mê Công, tập trung vào khu vực hành lang dọc sông Mê Công có bán kính 15 km, khu vực biển hồ và vùng châu thổ sông Mê Công, báo cáo cũng đã đưa ra một số thông điệp hết sức quan trọng.

Đó là, các Kế hoạch phát triển sẽ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế khu vực. Tuy nhiên, các kế hoạch phát triển tới năm 2020 và 2040 sẽ làm giảm khả năng phục hồi và tính bền vững ở lưu vực sông Mê Công.

Ước tính, thủy điện sẽ đóng góp gần 50% tổng tăng trưởng của các ngành kinh tế trong kịch bản 2040, nhưng đồng thời, so với các ngành kinh tế khác, thủy điện cũng là ngành gây ra tác động tiêu cực nhất. Có rất nhiều các dự án thủy điện không bền vững và kém ổn định.

Các dự án thủy điện trong điều kiện hoạt động bình thường sẽ làm giảm dòng chảy vào mùa mưa và tăng dòng chảy trong mùa khô (không tính đến các trường hợp khí hậu cực đoan):

Sự suy giảm phù sa và chất dinh dưỡng về phía hạ lưu do ảnh hưởng của các dự án thủy điện bao gồm cả các thủy điện của Trung Quốc sẽ làm giảm độ màu mỡ của đất, giảm sản lượng lúa gạo cũng như sản sản lượng cá (các vùng có nguy cơ là: vùng ngập lụt ở Campuchia, Biển Hồ (Tonle Sap) và đồng bằng sông Cửu Long) – giảm đến 97% lượng phù sa về ĐBSCL đối với kịch bản phát triển năm 2040.

Các dự án thủy điện sẽ làm gia tăng xói lở bờ sông và lòng sông, đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam và dọc theo sông Mê Công từ Viên Chăn đến Stung Treng.

Các hồ chứa sẽ biến phần lớn sông Mê Công thành các môi trường sống kiểu các hồ nhỏ và sâu. Các môi trường sống này không phù hợp cho các loài thủy sinh đang sinh sống ở sông Mê Công mà phù hợp với các loại khác như sò, ốc và cóc ếch nhái.

Các đập thủy điện ở thượng lưu sẽ làm tăng mực nước trong sông, thích hơp cho tàu thuyền đi lại (vận tải đường thủy). Điều này sẽ làm giảm đáng kể chi phí đầu tư cho nạo vét lòng sông.

Cơ sở hạ tầng chống lũ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái trên diện rộng.

Các dự án phát triển sẽ làm gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh lương thực và đói nghèo (khu vực hành lang). Thu nhập cho hộ gia đình dự đoán sẽ giảm. Các ngưỡng đói nghèo gia tăng ở hầu hết các khu vực. Tổng giá trị tính bằng đô la cho sản lượng cá đánh bắt ở hành lang sông Mê Công sẽ giảm khoảng 1,57 tỷ đô la.

Lợi ích và sự đánh đổi của các dự án phát triển phân bố không đồng đều trong lưu vực sông Mê Công và không bị hạn chế ở quốc gia có dự án.

Đầu tư quá mức vào lĩnh vực nông nghiệp và thủy điện sẽ gây tổn hại đến an ninh lương thực hiện tại và sự tăng trưởng GDP. Mở rộng nông nghiệp sẽ làm gia tăng nhu cầu về lao động và sử dụng không hiệu quả hoặc không sử dụng cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp.

Biến đổi khí hậu sẽ làm tăng mạnh các tác động tiêu cực. Biến đổi khí hậu khô hơn sẽ gây rủi ro đáng kể cho cả an ninh lương thực và tăng trưởng GDP, giảm các lợi ích từ phát triển thủy điện khoảng 2,2 tỷ đô la lợi nhuận ròng hiện tại, và làm suy giảm sản lượng cá khoảng 15%.

Cân đối sự đánh đổi giữa phát triển thủy điện và thủy sản sẽ hiệu quả hơn thông qua chia sẻ lợi ích giữa các ngành kinh tế hơn là bồi thường mất mát giữa các quốc gia. Giải pháp khả thi là phân bổ lại lợi ích của các nhà đầu tư phát triển thủy điện cho cộng đồng dân cư bị mất thu nhập do giảm sản lượng đánh bắt cá ở bốn quốc gia thành viên (khoảng 9% tổng lợi nhuận hằng năm đối với các công trình trên dòng nhánh và 19% tổng lợi nhuận hằng năm đối với công trình trên dòng chính).

Các quốc gia thành viên cần khẩn trương xem xét các giải pháp năng lượng thay thế cho phát triển thủy điện.
Phát triển bền vững tài nguyên nước sông Mê Công – mục tiêu cốt lõi của hiệp định Mê Công 1995 sẽ không thể đạt được bởi các quyết định đầu tư đơn phương của từng quốc gia thành viên.

“Các quốc gia trong lưu vực cùng chia sẻ tài nguyên nước sông Mê Công, có tính liên kết vùng chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau. Vì vậy, các quốc gia cần hợp tác xây dựng các kế hoạch phát triển chung mang tầm lưu vực vì lợi ích của tất cả các quốc gia ven sông” – ông Phạm Tuấn Phan nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lâm Quang Thi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhận xét: Văn phòng thường trực đã làm nhiều việc như việc tham mưu xây dựng các văn bản, duy trì cuộc họp thường niên theo quy chế là hết sức cần thiết, giữ vai trò tích cực trong tham mưu cho Chính phủ về vấn đề sông Mê Công.

Về chương trình công tác 2018, ông Lâm Quang Thi cho rằng, cần cụ thể hơn. Những vấn đề liên vùng có sự liên kết cần có tiếng nói của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam.

Đại diện tỉnh Bến Tre cho rằng, trong năm qua, việc sản sinh phù sa cho đồng bằng sông Cửu Long bị sụt giảm. Dự đoán tương lai, lượng phù sa, thủy sản, đa dạng sinh học sẽ tiếp tục giảm sâu hơn. Vấn đề sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng. Thời gian tới, tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu về hiện tượng xâm thực bờ biển, sạt lở bờ sông và tập trung chuyển đổi, tái cơ cấu nông nghiệp bằng việc giảm diện tích lúa, tăng diện tích cây ăn trái và tập trung phát triển thủy sản.

Đại diện tỉnh Trà Vinh mong rằng trong thời gian tới, các thành viên Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tiếp tục tăng cường kết nối và chia sẻ thông tin; phổ biến kết quả của nghiên cứu phát triển bền vững sông Mê Công để các địa phương có biện pháp chủ động phòng tránh, đối phó với các hiện tượng do biến đổi khí hậu gây ra.

Ông Hoàng Văn Thắng – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam lo ngại việc phát triển thủy điện ở Campuchia sẽ làm hạ mực nước sông trong khi đó, lưu lượng có thể tăng vào mùa lũ, dẫn tới hạn tăng và mặn sẽ ngấm sâu vào đất liền.

Cũng theo ông Thắng, các tỉnh ĐBSCL sẽ đối mặt với thách thức vô cùng lớn khi bắt đầu lún đất cùng với đó là úng ngập cơ sở hạ tầng, đây là vấn đề lớn, làm thay đổi hết các tư duy về ĐBSCL. Trước hết là Cần Thơ và các vùng tứ giác Long Xuyên, Hậu Giang, bán đảo Cà Mau bị ngập. Hiện nay, ngưỡng đất và nước đã sấp sỉ nhau nên đòi hỏi phải nghiên cứu những giải pháp mới.

Cơ chế hợp tác để bảo vệ và phát triển lưu vực sông Mê Công

Phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mê Công Việt Nam lần thứ nhất năm 2018, Bộ trưởng Bộ TN&MT, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Trần Hồng Hà đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu. Những đóng góp của các đại biểu đã thể hiện đúng chức năng, nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao cho Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, đó là nhiệm vụ hết sức toàn diện, cụ thể và quan trọng.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, công việc năm 2018 hết sức nặng nề, nhiều việc có thể nói là hết sức khó khăn.
Đề cập đến vấn đề của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên, Bộ trưởng cho rằng, chúng ta cần cùng nhau trao đổi, thống nhất để có đầy đủ thông tin của các nước và Việt Nam, từ đó tìm ra giải pháp quyết định. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết và quan trọng của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam.

“Chúng ta đã thành lập Ủy ban sông Mê Công Việt Nam trong đó có kết nối đồng bằng sông Cửu Long với Tây Nguyên. Làm thế nào để các thành viên Ủy ban làm việc thực sự, có đầy đủ thông tin, cơ sở khoa học và tương tác để trao đổi, chia sẻ thông tin một cách đầy đủ” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Về các đầu mối thông tin, Bộ trưởng cho biết, chúng ta đã điều hành được một hệ thống mang tính chất thông tin giúp các thành viên ủy ban, có cơ quan đầu mối theo dõi. Chúng ta cũng đã cam kết các thông tin sẽ được theo dõi, cập nhật hàng tháng, hàng quý.

Theo Bộ trưởng, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam là Ủy ban quan trọng nên ở cấp lãnh đạo cần có một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban để quyết định các vấn đề quan trọng….

Bộ trưởng đánh giá cao Chương trình hành động của Ủy ban trong năm 2018. Trao đổi tại Hội nghị, vấn đề được các địa phương thành viên quan tâm đó là vấn đề liên quan đến lưu vực sông, khai thác sử dụng nước liên quan đến quy hoạch… Tình hình sụt lún, vấn đề sạt lở bờ sông bờ biển, xâm nhập mặt, biến động dòng chảy của dòng sông không theo quy luật nào là những vấn đề quan trọng của ĐBSCL. Bộ trưởng đề nghị Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam rà soát lại trong nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao để tìm ra giải pháp thích hợp cho đồng bằng Sông Cửu Long, bổ sung vào nhiệm vụ năm 2019. Bộ trưởng đánh giá cao báo cáo Kết quả nghiên cứu chung của Ủy hội sông Mê Công quốc tế về quản lý và phát triển lưu vực sông Mê Công bao gồm tác động của các dự án thủy điện trên dòng chính, đồng thời đề nghị đưa một số nội dung vào Chương trình công tác của Ủy ban năm 2018.

Bộ trưởng lưu ý, ý kiến kết luận tại Hội nghị ở Long Xuyên vào tháng 12/2017 cũng như Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ trong đó có nội dung giao cho Ủy ban chủ trì nhưng phải có trách nhiệm giám sát, thẩm định và đánh giá về các vấn đề của Bộ, ngành khác. Bộ trưởng chỉ đạo, đưa vào kết luận yêu cầu các Bộ ngành: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch đầu tư trong quá trình thực hiện việc rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch cung cấp và có báo cáo đầy đủ cho Ủy ban. “Tôi thấy rằng chúng ta cũng cần có phương pháp báo cáo như giờ đây chúng ta làm quy hoạch từ tỉnh. Bài toán đầu tiên chúng ta phải tính đến đó là phải sử dụng thế nào cho hợp lý”.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Quan điểm chỉ đạo là chủ động về nguồn nước bởi lẽ, nước là xuyên suốt là hạt nhân của các di sản của chúng ta. Văn phòng thường trực cần có ý kiến để các Bộ ngành đặc biệt là các ý kiến rà soát và xây dựng một quy hoạch tích cực. Chúng ta kết luận về việc tăng cường cơ chế hợp tác của Ủy ban sông Mê Công với các Ủy ban.

Bộ trưởng đề cập đến cơ chế giám sát dự án và đề nghị Văn phòng Ủy ban sớm xây dựng tiêu chí cụ thể để các thành viên Ủy ban cùng thống nhất. Hiện chúng ta chưa có đề xuất dự án liên vùng mà xuất phát từ địa phương là dự án cấp bách nhất. Vì thế, Bộ trưởng đề nghị các thành viên Ủy ban ở địa phương trên cơ sở nhìn nhận và tiếp cận giữa vùng này vùng kia hoặc tiểu vùng cần sớm có đề xuất các dự án liên vùng.

Về vai trò của các tỉnh Tây Nguyên, Bộ trưởng đề nghị quy hoạch sông Sê San, Srêpôk, các cơ chế vận hành điều tiết và trao đổi thông tin với Campuchia cần có ý kiến của địa phương. “Trên cơ sở báo cáo của ủy hội, Bộ trưởng chỉ đạo cần tiếp thu ý kiến của các đại biểu để đưa vào báo cáo của Việt Nam trên góc độ tầm nhìn, có cơ sở khoa học và thuyết phục cao, tính tới các vấn đề có tính chất xuyên biên giới, có những nghiên cứu điển hình… nhằm nâng tầm của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam.

Theo Monre


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị toàn thể Ủy ban Mê Công Việt Nam lần thứ nhất năm 2018