Huế: Hai nữ sinh sáng chế bếp năng lượng mặt trời từ phế phẩm

08/01/2017 10:19
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(moitruong.net.vn) –

Đó là hai nữ sinh Phạm Minh Trang và Lê Thị Quỳnh Như (học sinh lớp 9, trường THCS Tố Hữu, TP. Huế). Các em đã tìm tòi và sáng chế thành công sản phẩm bếp năng lượng mặt trời từ những vật liệu phế thải như màn hình tivi hỏng, thùng vỏ máy tính…

Sản phẩm bếp năng lượng mặt trời từ màn hình tivi
Sản phẩm bếp năng lượng mặt trời từ màn hình tivi

Nhận thấy những năm gần đây, biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu, năng lượng xanh đang là giải pháp hiệu quả để giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên. Đây chính là nguyên nhân mà Minh Trang và Quỳnh Như bắt tay thực hiện sản phẩm độc đáo này.

Để làm ra sản phẩm, các em đã nghiên cứu chế tạo thấu kính hội tụ bằng cách lấy phần màn hình lồi phía trước của 2 chiếc tivi hỏng. Tiếp theo gắn lại với nhau để tạo ra vỏ thấu kính hội tụ rồi cho đầy nước vào vỏ thấu kính. Sau đó, các em chế tạo bộ giá đỡ thấu kính từ những thanh sắt.

Phần giữ nhiệt, các em sử dụng thùng vỏ máy tính (kích thước 20x40x45cm) bên trong lót giấy phản xạ 4 mặt, trên lắp tấm gương mỏng, phía dưới đáy đặt tấm nhôm thu nhiệt để giữ nhiệt bên trong hộp. Công đoạn cuối cùng là ráp các chi tiết để hoàn thiện sản phẩm.

Để cho mặt thấu kính xoay quanh được, các em tiến hành gắn thấu kính hội tụ lên giá. Đặt hộp thu nhiệt phía dưới thấu kính để tấm thu nhiệt nằm đúng vị trí tiêu điểm của thấu kính hội tụ.

Bếp năng lượng mặt trời được làm từ vật liệu phế thải nhưng rất có ích, thân thiện với môi trường
Bếp năng lượng mặt trời được làm từ vật liệu phế thải 

Quỳnh Như cho biết, để sử dụng sản phẩm này cần phải đặt bếp ở ngoài trời rồi chỉnh cho mặt thấu kính hội tụ hướng về mặt trời. Lúc này toàn bộ năng lượng ánh sáng sẽ được thấu kính hội tụ tập trung tại tiêu điểm, đồng thời bên trong hộp giữ nhiệt có tấm thu nhiệt bằng nhôm nằm đúng ngay vị trí tiêu điểm của thấu kính hội tụ dưới đáy hộp. Lúc ấy, năng lượng ánh sáng được tấm nhôm hấp thụ, nhiệt năng của tấm nhôm sẽ tăng lên và truyền sang nồi nhôm, từ đó làm chín thức ăn.

Trong quá trình tìm tòi nghiên cứu sản phẩm, đôi bạn vấp phải không ít khó khăn từ việc tìm kiếm nguyên liệu cho đến lắp hai màn hình tivi. “Chúng em mất gần 6 tháng ròng rã để tìm tòi và nghiên cứu làm ra sản phẩm cuối cùng. Khó khăn nhất là việc tìm kiếm và lắp hai màn hình tivi cho phù hợp vì kích thước của hai màn hình khác nhau nên gây ra khó khăn trong việc lắp ghép thấu kính hội tụ”- Minh Trang cho biết.

Theo Trang và Như, điểm nhấn của sản phẩm này chính là bếp hoạt động dựa trên nguyên lý thấu kính hội tụ nên năng lượng luôn tập trung tại tiêu điểm của thấu kính. Bếp có ưu điểm so với các loại bếp khác là không gây phỏng do nồi nằm trong hộp, dễ sử dụng, nhất là khắc phục được hiện tượng bị chói mắt khi đun nấu. Ngoài ra, nguyên liệu để chế tạo ra sản phẩm chỉ có giá thành khoảng 200.000 đồng.

Hai em Như và Trang nhận Bằng khen giải Nhất quốc gia cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc 2016
Hai em Như và Trang nhận Bằng khen giải Nhất quốc gia cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc 2016

Là người hướng dẫn hai em thực hiện đề tài, thầy giáo Đặng Quốc Cường cho biết: “Khi nghe cả hai trình bày ý tưởng, tôi thực sự thích thú và không ngần ngại tạo điều kiện tối đa để các em có thể triển khai. Quả thật, bếp năng lượng mặt trời được làm từ vật liệu phế thải nhưng rất có ích, thân thiện với môi trường. Hy vọng, sản phẩm sẽ được đầu tư đúng mức và ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn”.

Với sáng tạo độc đáo này, mới đây sản phẩm của hai em đã xuất sắc giành Giải Nhất quốc gia cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc 2016; Giải Ba cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 9 năm 2016.

PV


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huế: Hai nữ sinh sáng chế bếp năng lượng mặt trời từ phế phẩm